Văn Hoá Hà Tĩnh

Lại chuyện “cầm nhầm” tác phẩm ảnh?

Thời gian vừa qua, đời sống văn hoá nghệ thuật của Hà Tĩnh đang “nổi sóng” bởi một sự kiện không mấy vui vẻ: đó là việc ông Sỹ Ngọ, Chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh Thành Sen đã “cầm nhầm” nhiều ảnh của đồng nghiệp.

hatinh24h

Nguyên nhân sự việc bắt nguồn việc một số nghệ sĩ nhiếp ảnh bất bình vì thấy “đứa con tinh thần” của mình xuất hiện trong cuốn sách ảnh “Hà Tĩnh quê hương tôi”, in song ngữ Việt Anh, NXB Hội nhà văn 2013, ghi tên tác giả Sỹ Ngọ, với giá bìa 450 nghìn đồng/cuốn.Trong cuốn này, ông Sỹ Ngọ chỉ là tác giả của 120 bức ảnh/205 bức của cả sách. 85 bức còn lại của 16 tác giả. Trong đó, nhiều bức ảnh ông không xin phép, không đề tên tác giả, và dĩ nhiên là nhuận ảnh (cho tác giả), cũng “không không… thấy”.

Trước đó, vào năm 2012, các ông Hoàng Kim Đáng, Ngô Sỹ Ngọ và Trần Đình Quý làm cuốn sách ảnh “Hà Tĩnh quê hương tôi”, in 180 ảnh của 21 tác giả. Nhưng các chủ biên không xin ý kiến và không ghi tên tác giả ở một số ảnh.

Thế là các nghệ sĩ viết đơn kiện.

Ông Ngô Sỹ Ngọ đọc bản tường trình, xin lỗi về sai phạm của mình (Ảnh: vanhocnghethuathatinh.org.vn)

Nghệ sĩ vốn giàu lòng tự trọng, khi thấy tác quyền của mình không được tôn trọng, thì bức xúc, phẫn nộ. Những ai đã từng đam mê, lao tâm khổ tứ để có một bức ảnh đẹp, góc ảnh hay, một khoảnh khắc lắng đọng…, mới thấu hiểu được nỗi lòng của nghệ sĩ, khi thấy “đứa con tinh thần” mà mình vất vả sinh ra, dành cho nó bao chăm chút, kì vọng, nay lại mang tên “cha” khác!

Hơn thế, người ta còn dùng nó để “làm tiền”, thu lợi, mà bản thân người “sinh thành” không được hỏi đến, không được hưởng thành quả lao động nghệ thuật.

Nói đến nghệ sĩ, là nói đến những đứa con tinh thần, những tác phẩm mang dấu ấn riêng của tầm nhìn, tâm hồn, cá tính độc đáo của nghệ sĩ đó. Mỗi tác phẩm nghệ thuật chân chính, nghệ sĩ gửi gắm vào đó tài hoa, tâm huyết, khát vọng của mình. Đối với nghiếp ảnh, còn là cơ duyên/khoảnh khắc của sự gặp gỡ có phần định mệnh/may mắn.

Không ai nhớ, hiểu tác phẩm bằng chính nghệ sĩ.

Là một nghệ sĩ, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Thành Sen, ông Sỹ Ngọ đáng ra phải thấm thía điều đó hơn ai hết. Bởi vì bản thân ông cũng đã từng kiện một nhà báo ở Hà Tĩnh ra tận Bộ TT&TT vì đã sử dụng ảnh của ông không đúng qui định, và là người đăng kí bản quyền các bức ảnh của mình tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Thế mà…Người xưa có nói đại ý: Quân tử khó với mình, dễ với người.

Thế nhưng, ông Sỹ Ngọ đã hành động ngược lại: “Của mình thì giữ bo bo, của người thì lại lấy mo xúc về”. Thật khó hiểu!

Đến khi sự việc vở lỡ, ông mới chống chế: ảnh do cơ quan chức năng cung cấp, nên không biết của ai? Và sách in chỉ để làm quà biếu, không có mục đích kinh doanh (?).

Đã thế, sao lại có giá bìa cao ngất ngưởng, và bán hết veo trong thời gian ngắn?

Bây giờ ông mới xin lỗi, và hứa sẽ gửi nhuận ảnh cho các tác giả, khi sự việc đã không thể che giấu được nữa.

Đành rằng, ở đời ai cũng có sai, nhưng có những cái sai có thể thông cảm được, do nông nổi, hạn chế về nhận thức, do tình huống đưa đẩy. Còn ở đây, không thể nói ông Sỹ Ngọ chưa đủ bản lĩnh nghề nghiệp, hay nhận thức về vấn đề còn chưa thấu đáo, bồng bột….

Trái lại, ông hiểu rất rõ, ý thức rất cao về chuyện bản quyền, tác quyền. Hành vi của ông không phải nhất thời, mà diễn tiến liên tục trong 2 năm. Chỉ đến khi gặp phải sự phản ứng quyết liệt, bị cơ quan chức năng “sờ gáy” thì ông mới…biết sai!

Dù sao sự việc cũng đã xẩy ra, ảnh còn đó, người còn đây, tiền còn…đâu đó, nhưng tình cảm giữa các nghệ sĩ thì đã bị sứt mẻ nghiêm trọng.

Niềm tin của công chúng đối với sự trung thực, nhân cách đàng hoàng của người nghệ sĩ cũng khó tròn vẹn. Đây mới thực là mất mát đáng kể.

Trung Đức

Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP