Đời sống Teen

Ký ức đau lòng của cô bé bụi đời tuổi 15

Những dòng tâm sự lúc mê, lúc tỉnh, những mảnh ghép kí ức khi mờ khi tỏ đã tái hiện lại mảnh đời đầy khổ đau của một cô bé 15 tuổi.

Những mảnh ghép kí ức


Tuổi 15, nhưng Nguyễn Thị N., hiện đang sống tại trung tâm nuôi dưỡng người già, người tàn tật và trẻ em mồ côi Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội nhìn như một “chú nhóc” 10 tuổi. Tóc húi cua, gương mặt ngơ ngác, thi thoảng cười vu vơ. Em là một trong số ít những đứa trẻ còn khả năng nhận thức khá tốt trong trung tâm bảo trợ Thụy An này.


N. vào trung tâm đã được 6 năm. Con số gần bằng nửa tuổi đời của em. Nửa phần đời trước đó, chính N. cũng nhớ không hết, nhưng hẳn là một quãng đời đầy những đau thương và nước mắt.


N. không biết mình quê ở đâu. Qua những câu chuyện ghép nối từ lời kể của N., người ta mới lờ mờ hiểu, em bị lạc mất người thân trên một chuyến tàu rồi bơ vơ giữa Hà Nội và bắt đầu đi ăn xin để sống.


“Thỉnh thoảng cháu lại gọi tên những đoàn tàu. Xem ti vi, cháu nó không gọi con lợn mà kêu là “con heo”. Cô Trần Thu Hà – người trực tiếp chăm sóc N. cho biết. Dựa vào những chi tiết đó mà các cô suy đoán quê N. ở miền Nam.


“Lúc được động viên, vỗ về cháu nó cũng có kể về mình. Kể chuyện đi xin ăn trên phố, bị chửi bị đánh thế nào. Chuyện gặp được người tốt cho quần áo, cho chăn đắp ra sao. Nhưng thương tâm nhất là cháu diễn tả lại một đêm ngủ dưới gầm cầu, bị một kẻ nhẫn tâm cưỡng bức” – cô Hà bùi ngùi kể lại.


“Có lẽ lúc ấy cháu lên 7 đến 8 tuổi là cùng. Giờ chuyện đó vẫn còn ám ảnh cháu. Thỉnh thoảng thấy cháu ngồi thu lu một góc, khóc tấm tức, miệng ú ớ liên hồi, chúng tôi chỉ biết vỗ về, thương chảy nước mắt”, cô Hà xúc động kể


Ngọc hay nhắc đến Hà Nội, đến “Gầm Cầu”, “chợ Đồng Xuân”, “Ga Hà Nội”, “Bờ Hồ”… những địa danh gắn với chuỗi ngày dầm mưa dãi nắng, sống dựa vào sự thương cảm của người đời. Xin được tiền thì mua cơm, mua bánh ăn, không có tiền thì âm thầm nhịn đói… Trên đôi chân, đôi tay em vẫn còn những vết sẹo mà thời gian không thể xóa mờ.


Theo lời các cô chăm sóc N. thì: “Lúc mới được đưa vào đây, cháu gầy, đen, hay đau ốm và rất bướng. Khó ai có thể lại gần. Nhưng giờ cháu lại là đứa ngoan và tình cảm nhất”.


Điều đó cũng có nghĩa là N. nhận thức được nhiều hơn các bạn. Em còn tỏ ra khá quấn quýt các cô. Được săn sóc, thương yêu, nụ cười đã trở lại trên gương mặt của cô bé sau những chuỗi ngày dài bất hạnh.


Thèm mẹ, nhớ Hà Nội


Để hiểu hơn về N., chúng tôi giành cả một buổi trưa để gần gũi, hỏi chuyện em. Thấy N. ngồi nhìn vô định ra ngoài cửa sổ, tôi hỏi: “N. nghĩ gì thế?”. “Em thèm mẹ lắm!” – giọng N. run rẩy nói.



N. bị mất trí sau những năm tháng lang thang ở Hà Nội. Không ai biết cha, mẹ của mình là ai


Rồi em chỉ tay lên chiếc quần cộc in hình như chú gấu teddy mà mình đang mặc: “Em thích con gấu này này. Đây là gấu mẹ, còn đây là gấu con…” – chẳng biết N. lấy đâu ra cái liên tưởng về gấu mẹ và gấu con.


Cô bé mười lăm trở về với tâm hồn bé bỏng, dù ngẩn ngơ cũng biết ước ao một vòng tay chở che, ao ước tình yêu của mẹ. Em thèm mẹ, như thèm một món ăn ngon hay một “món đồ chơi mơ ước”. Mà nói đúng hơn, em đang mơ về mẹ…


“Thỉnh thoảng có bạn cùng phòng được người thân vào thăm nuôi, N. nó hay ngồi nhìn theo lắm. Chắc cũng biết buồn” – cô Hà góp lời.


Và cô Hà nói, đã 5 lần N. bỏ trốn khỏi trung tâm. “Một lần chúng tôi tìm thấy kịp khi cháu đi bộ tới ngã rẽ vào suối Hai, một lần tìm thấy cháu ở chợ, một lần khi cháu đang loay hoay ngoài đường lớn. Còn hai lần sau cháu cháu bỏ đi rồi lại tự tìm về”.


Hỏi, ở đây không thích sao mà còn trốn đi, N. trả lời khẽ với chút ưu tư hệt như của một thiếu nữ: “Em nhớ Hà Nội”.


Thế là N. kể như Tết về Hà Nội đông vui, có biết bao xe ô tô, cửa hiệu cùng những đoàn tàu.


Rời khu nhà N. ở, ánh mắt đăm đắm chứa đựng bao khát khao yêu thương của em vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất với chúng tôi…

Quỳnh Anh

VNN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP