Kẻ phá đường, người đi sửa Ông Trần Xuân Hòa, Hạt phó Hạt QLĐB huyện Kỳ Anh tỏ ra ngán ngẩm khi biết chúng tôi hỏi về tình trạng xuống cấp của các tuyến đường huyết mạch ở Kỳ Anh.
“Chú coi đó, huyện Kỳ Anh giờ như một đại công trường, từng đoàn xe Hổ Vồ, xe tải 3,4 chân hoán cải tăng thể tích thùng, chở gấp 4,5 lần trọng tải cho phép, ngày đêm rầm rập chạy thế kia, đường nào chịu đựng nổi”, ông Hòa nói.
Một chiếc Hổ Vồ 4 chân của Mỏ đá Cơn Tria đang di chuyển trên đoạn quốc lộ xuống cảng Vũng Áng đã bị “cày nát”. |
Những sóng trâu trên quốc lộ, kéo dài nhiều km do xe quá tải. |
Theo ông Hòa, việc xe quá khổ quá tải lưu thông lượng lớn đã tàn phá kết cấu hạ tầng giao thông. Trên các tuyến đường thường xuyên xuất hiện hiện tượng lõm, lún, hố sâu. Đặc biệt là hiện tượng “sóng trâu” xuất hiện nhan nhản, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Các tuyến đường bị tàn phá nhiều nhất là cung đường từ km65 (thị trấn Kỳ Anh) đến km590 (xã Kỳ Nam), tuyến QL12C, tuyến đường Ngã ba Cảng – Vũng Áng…
Đây là các tuyến giao thông huyết mạch, xe tải chở vật liệu thường xuyên đi lại. Và cũng là những tuyến bị tàn phá nhiều nhất.
|
Những cán bộ ở Hạt quản lý đường bộ đang rất bức xúc trước việc đường xuống cấp trầm trọng, xe quá tải, nâng thùng vô tư phá đường, không bị xử lý. |
“Các tuyến đường được đầu tư theo quy trình kỹ thuật tính toán cho phép. Nếu các phương tiện chở đúng trọng tải thì đường sẽ sử dụng được lâu. Nhưng thực tế thì xe nào cũng chở quá tải”, ông Hòa nói thêm.
Hai năm nay, ngày nào Hạt cũng phải cắt cử công nhân, thuê thêm hàng chục người rải ra trên các tuyến quốc lộ để thu dọn đất đá, sỏi cát mà những chiếc xe tải vung vãi do không phủ bạt đảm bảo an toàn.
“Chúng tôi đang oằn mình giữ từng cây cầu, từng đoạn đường. Đặc biệt là tại cầu Thầu Dầu, Khe Lũy, Khe Lau bị tàn phá mạnh nhất. Giữ được ngày nào hay ngày đó! Nhìn đường bị tàn phá, nóng ruột lắm rồi nhưng chẳng biết làm sao được”, ông Hòa chia sẻ.
Điều bức xúc của ông Hòa nói riêng và ngành quản lý đường bộ nói chung là xe quá khổ quá tải vi phạm nhan nhản, nhưng chẳng thấy ai xử lý.
“Chúng tôi cứ sửa xong lại bị phá. Mà nguyên nhân cũng chính do xe tải 3,4 chân, xe Hổ Vồ… Các nhà xe tự ý thay đổi thùng xe, chở quá 4,5 lần, người dân bình thường còn thấy được vi phạm, không hiểu CSGT ở đâu mà không xử lý?”, ông Hòa nói.
Đua nhau nâng thùng, tăng tải trọng
Điều tra của PV.VietNamNet cho thấy, hầu hết các loại xe tải tự đổ đang lưu hành ở tỉnh Hà Tĩnh nói chung và huyện Kỳ Anh nói riêng, đều tự thay đổi kích thước thùng xe.
Ông N.G.P, Giám đốc một DN vận tải chuyên chở VLXD ở Formosa cho biết, các nhà xe buộc phải tăng kích thước thùng xe bằng cách hàn thêm khoảng 40cm trên thành thùng để tăng khối lượng và tải trọng.
Thùng xe Hổ Vồ đời cũ như muốn bung ra vì lượng đá chất quá lớn. |
Cận cảnh một chiếc Hổ Vồ 3 chân đời mới, thiết kế thùng cao chỉ 60cm, sau khi mua về liền đưa đến gara và hàn thêm hơn 1m. |
Theo vị giám đốc này, xe tải hiệu Hổ Vồ rất được giới kinh doanh vận tải ưa chuộng vì kích thước thùng lớn, máy khỏe. Vài năm trở lại đây, lượng xe này tăng chóng mặt.
“Có nhiều DN sang tận Trung Quốc đặt hàng, bảo hãng lắp thùng xe theo yêu cầu của mình. Thế nên ngoài đường có nhiều xe thùng bị chắp nối, nhưng cũng rất nhiều xe thùng đúc cả khối”, ông P. nói.
Theo giới kinh doanh vận tải, việc thay đổi thùng là điều gần như bắt buộc nếu DN muốn có lãi trong kinh doanh. Và tất nhiên, họ không quan tâm tới việc đường sá bị ảnh hưởng thế nào.
Đối với xe Hổ Vồ loại 3 chân, thiết kế trọng tải cho phép khoảng 9 tấn, thùng cao 1,5m. Tuy nhiên Gần như 100% xe chở đá, cát phục vụ ở Formosa đều tăng thùng lên hơn 2m, trọng tải chở 42-45 tấn. Tăng gấp 4-5 lần.
Nói rồi P. đưa cho chúng tôi bản thống kê những chiếc xe tải trong Cty chở đá cho Formosa. Chỉ cần liếc mắt qua cũng thấy được 100% xe Hổ Vồ 3 chân (thiết kế 9 tấn) khi cân tại trạm cân Formosa có trọng tải trên 40 tấn.
Tại các mỏ đá Khe Đàn, QK4, Cơn Tria…, mỗi ngày có hàng trăm lưu lượt xe ra vào. Xe nào cũng chất đầy, vượt quá thùng xe gần nửa mét. Trên các tuyến đường QL12, QL1A, Cảng Vũng Áng, từng đoàn xe tải 3,4 chân chở đá sỏi, đất cát ì ạch vượt đi vào các công trình.
Cùng với nhu cầu độn, be thùng xe tải lên cao, các gara sửa chữa, thay đối thiết kế cho các nhà xe dọc QL1A ở huyện Kỳ Anh cũng mọc như nấm sau mưa.
Báo động nhất là tình trạng những xe tải chở cát, đá xay tưới nước. Theo nhận định của cơ quan quản lý đường bộ, nước từ các thùng xe chảy xuống mặt đường là nguyên nhân chính dẫn tới đường bị xuống cấp nhanh nhất.
Khi được hỏi vì sao hàng nghìn xe ngang nhiên vi phạm như thế, ai cũng thấy được, nhưng không bị CSGT xử lý, anh P. cười rồi nói: Cũng có ít xe bị xử lý, còn hầu hết được CSGT, cơ quan chức năng “ngó lơ”. P. không chịu thông tin vì sao được “ngó lơ”.
Bộ Công an nhanh chóng vào cuộc Ngày 17/4/2014, báo điện tử VietNamNet nhận được công văn số 11534/v11-TTTTBC của Bộ Công an về bài viết “Xe “hổ vồ” hoành hành, dân bất an khi ra đường” được đăng tải trên VietNamNet vào ngày 16/4/2014. ... Bài báo phản ánh tình trạng hàng nghìn xe tải 3,4 chân, tự ý thay đổi kích thước, nâng thùng xe, chở quá tải gấp 4-5 lần trọng tải cho phép ngày đêm lưu thông trên các tuyến đường huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh làm đường sá bị hư hỏng và trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi ra đường. “Về việc này, văn phòng Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin trên” – công văn nêu. Ngọc Trang |
Duy Tuấn
(còn nữa)