Giáo dục

Không phải cứ “lớp sang” thì giáo dục tốt hơn

Các khoản quỹ phụ huynh hay các công trình xây dựng trong trường học đều được lý giải để chất lượng giáo dục tốt hơn. Thế nhưng chạy theo vật chất hòng nâng cao chất lượng có thể vô tình xem nhẹ các yếu tố khác.

Có tiền mới… vui!

Rất nhiều khoản thu hay công trình xây dựng ở trường học luôn được “đeo mác” là vì chất lượng giáo dục, vì học sinh. Khi vận động hay lý giải các khoản thu “tự nguyện” này, Ban đại diện Cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) và cả nhà trường mang nặng tâm lý tiền là vai trò hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tại một trường ở quận 1 (TPHCM), quỹ phụ huynh ấn định 250.000 đồng/người. Phụ huynh phản ứng thì Ban đại diện giải thích tất cả đều chi vì các em, phần lớn để làm quà tặng, phần thưởng cho học sinh. Kỳ 1 sẽ tặng các em đạt kết quả tốt, đạt được những thành thích ở các hội thi, còn cuối năm tất cả học sinh đều được nhận được phần thưởng trị giá 100.000 đồng.

“Nếu không có quà thưởng thì các con sẽ không vui tiền quỹ để chi cho phần thưởng này hết nhiều, tính ra đã hết 200.000 đồng/học sinh. Thu quỹ không bao giờ đủ chi và chúng tôi phải đi xin thêm hoặc bỏ tiền túi ra”, người này nói.

Mọi đầu tư vào trường học về vật chất lẫn tinh thần cần phải mang ý nghĩa giáo dục (Ảnh mang tính minh họa)

Không ít lãnh đạo một số trường học cùng BĐD CMHS theo trường phái “vật chất hóa” cũng hùng hồn cho rằng bây giờ ngoài việc học kiến thức Toán, Văn, các con cần phải được giáo dục về kỹ năng sống, về sự chia sẻ, bao dung… Họ không sai nhưng tiếc rằng, tất cả những điều này được họ nhấn mạnh đến tiêu chí sống còn: Phải có tiền!

Ngay đầu năm học, ngay buổi họp phụ huynh thì hầu như mọi vấn đề đều xoay quanh chuyện… đóng tiền. Các vấn đề chính về giáo dục con trẻ, về trao đổi hợp tác để hỗ trợ con rất ít được quan tâm hoặc chỉ tranh thủ trao đổi thêm.

Nhiều trường thì được dịp ra sức “kêu nghèo kể khổ”, cố gắng phơi bày tất cả những gì xuống cấp, thiếu thốn, eo hẹp nhất… để “đánh động” phụ huynh. Thậm chí có trường còn công phu quay lại từng góc cạnh cơ sở vật chất xuống cấp trình lên máy chiếu như phim điện ảnh để phụ huynh tường tận.

Phụ huynh thì cũng sốt sắng, lớp học bây giờ nhất thiết phải có máy lạnh, phải lót sàn gỗ đẹp bóng loáng, bàn ghế phải đồ cao cấp, ngày lễ lạt thì phải có phần hoa, quà giá trị từng này tiền cho thầy cô, nhà trường; tổng kết các con phải có phần quà giá trị vật chất là…

Tất cả mang nặng thông điệp: không có tiền thì chất lượng giáo dục sẽ không thể tốt lên. Chính điều này đã "góp sức" cho việc lạm thu, biến tướng xã hội hóa trong trường học, gây bất mãn cho phụ huynh, bức xúc trong dư luận.

“Dạy làm người không phải chờ có nhiều tiền"

Không thể phủ nhận đều kiện về cơ sở vật chất trường học của chúng ta nhìn chung còn thiếu thốn và đó là một phần rào cản đối với chất lượng giáo dục. Vậy nhưng, trong khi điều kiện còn nghèo nếu chỉ tập trung vào việc “phải có tiền” có thể vô tình xem nhẹ, sao nhãng vai trò quan trọng khác. Đó là chính nội lực của các chủ thể trong nhà trường từ ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho rằng dạy làm người không thể chờ... tiền.

Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) chia sẻ, qua những chuyến đi học tập, nghiên cứu thực tế hay đưa học sinh đi tự thi các kỳ thi quốc tế…, ông nhận thấy ở các nước ngay việc xây dựng, thiết kế, bài trí lớp học, trường học cũng đầy tính giáo dục chứ không phải để cho sang.

Như đến Thái Lan ông thấy hình ảnh vua và hoàng hậu được đặt ở vị trí đẹp nhất trong sân trường, được chăm sóc, gìn giữ rất chu đáo. Họ sinh, giáo viên đi qua khu vực đó đều thể hiện lòng tôn kính.

Có ngôi trường, đoàn đến được đón tiếp bởi dàn nhạc dân tộc do các em học sinh lớp 2, lớp 3 biểu diễn. “Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cha mẹ học sinh là các nghệ nhân, nghệ sĩ thỉnh thoảng đến biểu diễn để cho học sinh biết cái hay, cái đẹp của các loại đàn, giúp các em thêm mến yêu làn điệu dân ca của dân tộc”, ông Điệp chia sẻ và cho rằng có sự đóng góp nào giá trị hơn như vậy?

Từng đến thăm và trao đổi với rất nhiều trường tiểu học ở Singapore, ông Điệp thừa nhận các trường đều xây dựng quy mô hoành tráng với đầy đủ các trang thiết bị và các khu chức năng. Tuy nhiên, sự hoành tráng không phải để phô trương mà từng vị trí, từng đường nét trang trí, màu sắc đều mang tính giáo dục

Đến nhiều trường ở Trung Quốc, Pháp, Australia…, ông Điệp cũng nhận thấy, mọi cơ sở vật chất trong trường học mang tính giáo dục, thể hiện sự làm chủ của học sinh. Nhiều trường quy mô nhỏ nhưng cách bố trí, tổ chức rất khoa học, có đầy đủ phương tiện để học sinh ăn, học và rèn luyện.

Được học trong một ngôi trường khang trang, rộng lớn, theo ông Điệp là mong muốn của tất cả mọi người. Nhưng với nước ta còn nghèo càng phải chăm lo chỗ học cho học sinh nhưng không phải cứ trường to, son phết màu sắc sặc sỡ, phải trang bị cái này cái nọ… thì giáo dục mới tốt hơn.

“Dạy làm người không phải chờ có nhiều tiền, xây trường to mà bắt đầu từ thực tiễn. Mỗi ngày học sinh đến trường để được học hỏi kiến thức từ sách giáo khoa nhưng cũng phải được dạy dỗ để làm người. Một viên gạch ở ngôi trường cũng có ý nghĩa giáo dục các em", ông Điệp nói.

Vấn đề này, ông Điệp cũng cho biết thêm, ông đã viết thành bài tham luận "Giáo dục tiểu học - Dạy chữ để làm người" gửi Bộ trưởng Bộ giáo dục, Vụ trưởng Vụ tiểu học thời ông còn công tác.

Khi quá lệ thuộc vào tiền, mọi người sẽ dễ bỏ quên các yếu tố khác có vai trò, giá trị khác có ý nghĩa giáo dục hơn cả vật chất. Trong khi có rất nhiều thứ giúp môi trường học được tốt lên, quan hệ thầy trò tích cực hơn… mà không cần đến tiền lại ít được chú trọng.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG