Xã hội

Không hiểu sao ở quê bây giờ lại lắm người bị suy thận thế!

"Đến giờ tôi cũng không biết mình suy thận do gì, bởi viêm cầu thận hồi trẻ, bởi tai nạn giao thông, bởi ngộ độc thức ăn (năm nào cũng một hai lần vì mua nhầm rau quả mới phun thuốc) hay lao động vất vả”, anh Đức tâm sự.

Suy nội tạng

Giờ ở quê không hiểu sao lại có lắm người bị suy thận đến vậy. Các bệnh viện, hai ba người nằm chung một giường đã đành mà ngoài hành lang hay gầm cầu thang đều đầy ứ người suy thận. Chạy thận nhân tạo đồng nghĩa sức khỏe nhanh chóng bị cạn kiệt, tài sản nhanh chóng bị hao mòn, giàu thành nghèo còn trung bình hay nghèo chẳng mấy chốc trở nên khánh kiệt.

Thân thể vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn, nặng hơn 70kg, ăn mỗi bữa 8 bát, vác mỗi lần hơn 1 tạ hàng, anh Tạ Minh Đức ở An Hòa (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) nổi tiếng là khỏe vô địch. Thời trai trẻ, anh rời quê vào lập nghiệp trong Đăk Lăk, với sức “bạt sơn cử đỉnh” ngày ngày cần mẫn khai hoang được 4ha đất để trồng cà phê, trồng điều.

Anh Đức và cánh tay phồng lên vì Fistula

5 - 6 giờ sáng anh đã dậy đi làm, 1 - 2 giờ đêm có khi vẫn lần mò đeo đèn pin trên đầu, tưới cây ngoài rẫy. Trời mát, không ra mồ hôi thì anh làm không biết mệt. Bao nhiêu năm không mất một đồng tiền khám, một viên thuốc tây thì đùng cái, chớm 40 tuổi tình cờ phát hiện ra bệnh trọng.

“Vốn ham công tiếc việc, bình thường tôi lao động đến mức đái vàng như nước chè cũng không chịu nghỉ, chỉ đến khi hôm đó thấy nước đái đỏ như tiết canh mới vội đi khám thì đã suy thận độ 3. Đến giờ tôi cũng không biết mình suy thận do gì, bởi viêm cầu thận hồi trẻ, bởi tai nạn giao thông, bởi ngộ độc thức ăn (năm nào cũng một hai lần vì mua nhầm rau quả mới phun thuốc) hay lao động vất vả”, anh Đức tâm sự.

Thời điểm đó ở Đăk Lăk chưa có máy lọc thận nên anh phải chạy xe nguyên đêm lên TP Hồ Chí Minh. Tốn hơn 200 triệu chữa trị nhưng thời gian giữa các chu kỳ chạy thận mỗi lúc một dày lên mà hi vọng sống còn mỏng manh hơn cả lá lúa.

Nghĩ đến chuyện “Cóc chết ba năm quay đầu về núi” anh tìm đường bán đất về quê. Bụng trướng to như bị báng, da bủng vàng như quả chanh chín, tay vằn vện chi chít vết kim truyền khiến cho anh không thể lao động được nữa.

“Giai đoạn cuối nội tạng sẽ phù to, suy tim, suy gan, thiếu can xi đến nỗi phải đi xe lăn. Nghĩ đến lúc ấy mà sợ run cả người! Ước gì mình bị ung thư để nhanh “đi”, nhanh được giải thoát chứ cứ như thế này thì lay lắt không biết bao giờ mới xong…”.

Cùng chung cảnh ngộ chạy thận nhân tạo với Đức là Trần Thanh Quỳnh (34 tuổi) ở La Sơn (huyện Bình Lục, Hà Nam). Hai năm trước, khi cảm thấy người mệt mỏi, tưởng nhầm là viêm họng sơ nhưng uống thuốc mãi mà không khỏi. Khám ở phòng khám tư thì bác sĩ bảo suy nhược cơ thể, chữa trị một hồi chỉ thêm phù cả mặt. Đến khi phải nằm trên cáng vào thẳng phòng cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bởi ngoài mắc tim, huyết áp cao, suy thận độ 5 (giai đoạn cuối) anh còn bị biến chứng xuất huyết dạ dày, ngày tiêu chảy 15 - 20 lần.

Anh Quỳnh ngồi bên vợ con

Từ một gia đình trung bình chẳng mấy chốc Quỳnh rơi xuống hộ nghèo. Trong cái rủi còn một chút may là được cấp thẻ bảo hiểm y tế, không phải mất tiền chạy máy, tiền nằm giường nhưng tiền thuốc mỗi tháng vẫn tốn hơn 4 triệu. Giờ tổng nợ của anh đã lên tới 200 triệu khiến cho cô vợ trẻ vừa lo cho chồng, vừa lo cho đàn con 4 đứa, vừa lo trả nợ, người cứ gầy rộc rạc chỉ còn 38kg, tong teo như một... con nhái bén.

Nhìn đứa con trai duy nhất mới ngoài 30 tính mạng như đã kề cửa mả, ruột gan của bố Quỳnh đau như cắt, ông quyết định hiến thận cho con. Xét nghiệm, mọi chỉ số đều phù hợp nhưng chỉ ngặt mỗi khoản chi phí quá lớn. Tiền mổ để cắt thận cho bố mất 50 triệu, tiền mổ để ghép thận cho con mất 350 triệu, tổng cộng 400 triệu trong khi túi không còn nổi một xu. Nói chuyện với tôi, ông cứ tiếc hùi hụi cơ hội quý giá cuối cùng để cứu con vì ngoài 60 tuổi như hiện nay, việc cho thận đã không còn đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật nữa.

Kể từ khi bị suy thận, hai năm nay Quỳnh không thể đi đái vì không có nước trong bàng quang. Những ngày bình thường anh có thể tha thẩn ngồi chơi với con nhưng hễ đổi trời là phải dìu ngay đi viện. Ở tay trái Quỳnh có một đoạn phồng to gọi là Fistula - lỗ thông được tạo ra bằng phẫu thuật nối giữa động mạch và tĩnh mạch để cắm kim chạy thận nhiều lần.

Nó trở thành con đường sống duy nhất nên tuyệt đối phải giữ gìn, tránh không gối đầu lên tay, không đeo vòng, đồng hồ, không mặc áo chật, không đo huyết áp… Fistula như một thứ ký sinh sống trên cơ thể, cũng “thở”, cũng rung lên, óc ách như một dòng suối chảy mỗi khi đặt mấy ngón tay vào. Ngày ngày Quỳnh khẩn cầu, quỳ trước tượng Chúa. Nhưng có lẽ sẽ không một phép màu nào xảy ra đối với người bố của 4 đứa trẻ này...

Suy giống nòi

Chị Nguyễn Thị Diệp - Trạm trưởng Trạm Y tế xã La Sơn (huyện Bình Lục) kể năm 1994 khi mình làm y sĩ sản nhi, phụ nữ lúc đó đa số 48 - 50 tuổi mới mãn kinh giờ giảm xuống chỉ còn 45 - 48 tuổi, cá biệt có người mới chỉ 38 - 40 tuổi.

Chị Diệp phán đoán, ngoài nguyên nhân dậy thì sớm hơn rất có thể do các chất tồn dư trong thức ăn, nước uống, không khí, môi trường. Tỷ lệ vô sinh cũng tăng vọt khi Trạm y tế ghi nhận 7 - 8 đang mắc.

Cùng tán đồng với quan điểm ấy, chị Trần Thị Ngát - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tiêu Động (huyện Bình Lục) thống kê trước đây 20 năm cả xã chỉ có 3 - 4 cặp vô sinh nguyên phát giờ vọt lên đến 15 - 17 cặp mà toàn vô sinh thứ phát (vô sinh sau khi đẻ con đầu). Trước mỗi năm chỉ có 1 - 2 trường hợp thai chết lưu giờ mỗi năm lên 10 - 15 trường hợp.

“Tôi cho rằng ô nhiễm môi trường và căng thẳng trong cuộc sống là nguyên nhân chính. Xã tôi có trên 200 phụ nữ làm công nhân ở xưởng sơn đồ chơi thì có 6 - 7 trường hợp bị thai chết lưu”. Trong 40 - 45 cái chết mỗi năm ở Tiêu Động, khoảng 45% là ung thư, 20% là tai biến, 18% là tim mạch.

Trên bàn thờ của nhà quả phụ trẻ 41 tuổi Nguyễn Thị Hải ở thôn Vũ Xá khói hương vẫn ngập tràn. Chồng chị vừa mới ra đi khi mới chỉ 48 tuổi. Lúc đầu chỉ là những cơn đau ngực, đau vai có đâu ngờ khám ra là K phổi. Bán tất cả đất đai nhà cửa để chạy chữa nên sau đó họ phải ở nhờ nơi nhà thờ họ.

Chị Hải trải lòng, khi biết bệnh tình mình không thể qua khỏi, anh có mấy ước muốn: sửa nhà thờ tổ, sửa mộ tổ và điền xong đời thứ 18 vào tấm gia phả. Hai mong ước đầu đã được thực hiện, gia phả đang viết dở dang được 3 - 4 trang thì di căn đã lên não. Ai đến chơi không biết đã đành mà đến ngay cả tên của vợ con anh cũng không còn nhớ.

Từ chối mọi biện pháp chữa trị anh nhận phần đau đớn về mình, lên 2 cơn co giật rồi tắt thở. Chị ngất lên ngất xuống trong mấy ngày chịu tang chồng. Anh đi để lại món nợ 190 triệu (đến cả cỗ áo quan, đồ lễ hôm đưa đám cũng là họ hàng đi mua cho). Anh đi để lại ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, để lại người mẹ già lưng còng, oằn gánh trên đôi vai gầy của người vợ dại…

“Người cao tuổi vẫn nhiều, vẫn thọ lâu nhưng ngược lại có lắm người chết trẻ. 5 - 7 năm gần đây, ước 35% số người tử vong của xã là mất khi còn trẻ. Năm 2015 có 17 người chết dưới 60 tuổi, 9 tháng năm 2016 có 12 người chết dưới 60 tuổi...”, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tiêu Động - Trần Thị Ngát.

Tác giả: DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

  Từ khóa: suy thận , nghèo đói

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP