Tự "đặc cách" mình vào biên chế
Theo PV tìm hiểu, trong thời gian làm việc tại Phòng Nội vụ huyện Tri Tôn (An Giang), ông Lê Văn Dũng (39 tuổi, ngụ xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang) tham gia thi tuyển công chức cấp xã tại huyện này nhưng không đạt.
Tháng 4/2018, UBND tỉnh An Giang có quyết định về việc ban hành quy chế tuyển dụng công chức cấp xã, phường, thị trấn. Từ quy chế này, UBND huyện Tri Tôn thành lập Hội đồng tuyển dụng cán bộ, công chức xã, thị trấn.
Phòng Nội vụ huyện Tri Tôn - nơi ông Dũng được bổ nhiệm phó phòng. |
Trong quá trình tuyển dụng, bà Hồ Thị Kim Duyên - Trưởng phòng Nội vụ, Phó chủ tịch hội đồng tuyển dụng khi đó phân công ông Dũng soạn thảo, đánh máy các văn bản, giấy tờ liên quan công tác xét tuyển; thẩm định, kiểm tra, quản lý, lưu trữ, xem xét, hướng dẫn cho các hồ sơ xét tuyển công chức cấp xã.
Biết mình là cán bộ hợp đồng thuộc huyện, không thuộc đối tượng được dự xét tuyển dụng công chức cấp xã nhưng ông Dũng vẫn để tên mình vào danh sách. Bên cạnh đó, ông còn tự thẩm định hồ sơ cá nhân, xét tuyển vào vị trí công chức văn phòng - thống kê xã An Tức.
Trong khi đó, đơn vị này hoàn toàn không có nhu cầu xét tuyển vì đã đủ biên chế. Kết quả, ông Dũng nằm trong các công chức được tuyển dụng.
Đến tháng 11/2008, UBND huyện Tri Tôn phân công ông Dũng về tập sự tại văn phòng - thống kê UBND xã An Tức, trong 12 tháng. Chỉ 1 tháng sau (tháng 12/2018), ông Dũng được Sở Nội vụ tỉnh An Giang bổ nhiệm ngạch và xếp lương cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, kỳ lạ là từ khi được phân công, ông Dũng không về làm việc tại xã An Tức mà vẫn ở lại Phòng Nội vụ huyện. Để hợp thức hóa việc bổ nhiệm, ông Dũng tự soạn thảo văn bản, mang đến UBND xã An Tức nhờ một lãnh đạo xã ký xác nhận khống.
Tháng 4/2009, bà Hồ Thị Kim Duyên (hiện là Trưởng phòng Tư pháp) ký văn bản đề nghị và được UBND huyện Tri Tôn ban hành quyết định điều động ông Dũng từ UBND xã An Tức về công tác tại Phòng Nội vụ. Đến tháng 10/2012, ông Dũng được bổ nhiệm Phó trưởng phòng Nội vụ huyện.
Mãi đến tháng 6/2017, UBND huyện Tri Tôn nhận được đơn tố cáo ông Dũng liên quan đến việc thi tuyển công chức và khai man lý lịch Đảng.
Sau đó, UBKT Huyện ủy này vào cuộc xác minh. Tháng 1/2018, UBKT Huyện ủy Tri Tôn thi hành kỷ luật ông Dũng bằng hình thức cảnh cáo và đề nghị UBND huyện Tri Tôn xem xét xử lý về mặt chính quyền.
Sau đó, UBND huyện Tri Tôn tổ chức cuộc họp lấy ý kiến. Sau cuộc họp, đơn vị này ra quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định tuyển dụng công chức đối với ông Dũng.
Còn ông Dũng cho rằng việc được bổ nhiệm là đúng quy định nên làm đơn khiếu nại.
Ông Phan Văn Sương - Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn - cho biết toàn bộ quá trình xét tuyển, việc tập sự, xếp ngạch bậc lương, điều động ông Dũng từ xã An Tức về Phòng Nội vụ tại thời điểm thực hiện là sai quy định, không đúng sự thật.
UBND xã An Tức không có nhu cầu tuyển dụng công chức văn phòng - thống kê cấp xã. Ông Dũng cũng chưa đủ điều kiện đăng ký dự tuyển và xét tuyển công chức cấp xã. Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cũng khẳng định ông Dũng đã lợi dụng nhiệm vụ được giao tự đưa tên mình vào danh sách được xét tuyển.
Ngoài ra, khi được tuyển dụng công chức, ông Dũng không đến nhận việc và thực hiện chế độ tập sự tại UBND xã An Tức. Ngược lại ông này tự làm giả các loại văn bản hợp thức hóa hồ sơ để được các cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm ngạch công chức cấp xã.
Trong vụ việc này, lãnh đạo huyện Tri Tôn cho biết, một số cá nhân để xảy ra sai phạm cũng bị kỷ luật.
Cán bộ "đua nhau" xài bằng giả
Cũng tại huyện Tri Tôn, Ban thường vụ Huyện ủy này vừa ban hành quyết định kỷ luật 3 cán bộ ở thị trấn Ba Chúc liên quan đến việc sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp.
Cụ thể, Huyện ủy Tri Tôn đã ban hành 3 quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “cách tất cả chức vụ trong Đảng” nhiệm kỳ 2010 – 2015, 2015 - 2020 đối với các ông Nguyễn Hữu Chi - Phó chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc; ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Ba Chúc và ông Nguyễn Văn Sang - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự thị trấn Ba Chúc do sử dụng bằng giả để được quy hoạch, bổ nhiệm trong quá trình làm việc. Hiện 3 cán bộ này đang bị xem xét kỷ luật về mặt chính quyền.
UBND thị trấn Ba Chúc nơi có hàng loạt cán bộ xài bằng giả |
Trước đó, VietNamNet đưa tin, UBKT Tỉnh ủy An Giang đã có kết luận về những sai phạm của ông Men Pholly – nguyên Bí thư Huyện ủy Tri Tôn. Ông Pholly bị cảnh cáo về mặt Đảng do để xảy ra hàng loạt sai phạm như ông và vợ là bà Trần Ánh Vân, đứng tên, thừa kế vay mượn tiền, vàng của một số tổ chức tín dụng, cá nhân với số lượng lớn rồi mất khả năng chi trả.
Đặc biệt, đối với dự án khu du lịch (KDL) hồ Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn), gia đình ông Men Pholly đầu tư dự án và kinh doanh khi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật. Về mặt pháp lý, gia đình Bí thư huyện chưa đủ điều kiện nhận dự án để đầu tư.
Với trách nhiệm người đứng đầu địa phương, ông Men Pholly phải có trách nhiệm về các sai phạm trong đầu tư kinh doanh KDL Soài So của gia đình. Sau khi bị kỷ luật, ông Men Pholly được điều về tỉnh làm Trưởng ban dân tộc.
Tác giả: Hoài Thanh
Nguồn tin: Báo VietNamNet