Truyền thống - Phát triển

Khí phách người Hà Tĩnh

Hà Tĩnh- mảnh đất “gánh hai đầu đất nước”, năm 2016 phải trải qua nhiều gian truân, vất vả do ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường và lũ lụt triền miên. Thế nhưng, chia sẻ với Đại Đoàn Kết trước thềm xuân Đinh Dậu 2017, ông Từ Văn Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ niềm tin, bằng sự nỗ lực và ý chí kiên cường, người Hà Tĩnh sẽ vượt qua khó khăn, thách thức.

Chuẩn bị ngư lưới cụ cho những chuyến vươn khơi.

PV: Thưa ông, 2016 là năm hết sức khó khăn với Hà Tĩnh. Suy nghĩ của ông trước những thử thách mà người dân phải trải qua?

Ông Từ Văn Diện: Phải nói rằng, năm 2016 là một năm cực kỳ khó khăn đối với Hà Tĩnh, sự cố môi trường, lũ lụt dồn dập ập đến, khiến người dân cả vùng biển, vùng núi hay đồng bằng đều ảnh hưởng nặng nề.

Nhưng, qua đó những phẩm chất tốt đẹp của con người Hà Tĩnh lại trỗi dậy. Trong khó khăn, gian khổ, tinh thần quật cường, đoàn kết, cần cù, chịu thương, chịu khó…của người dân được phát huy và trở nên cao quý hơn bao giờ hết. Có thể nói, từ trong khó khăn tạo nên khí phách con người Hà Tĩnh.

Bởi vậy tôi tin và mong người dân sẽ sớm vượt qua được khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận các cấp luôn sát cánh cùng Nhân dân để cùng nhau tiến lên phía trước.

Ông Từ Văn Diện.

Ông có thể cho biết một số hoạt động chính của MTTQ Hà Tĩnh trong năm qua, liên quan đến những khó khăn, thách thức? 

– Trước hết, vai trò của MTTQ Hà Tĩnh được thể hiện khá rõ nét trong việc triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngay trước kỳ bầu cử, Hà Tĩnh chịu áp lực rất lớn từ sự cố môi trường khiến hải sản chết hàng loạt. Lợi dụng vấn đề này, một số đối tượng xấu đã kích động người dân hòng phá hoại cuộc bầu cử. Thế nhưng, kết quả cử tri đi bầu của Hà Tĩnh đạt 99,72%, nằm trong tốp cao của cả nước.

Sau khi sự cố môi trường xảy ra, Mặt trận trở thành “điểm tựa” của người dân. MTTQ các cấp Hà Tĩnh đã tích cực vào cuộc chung tay khắc phục.

Cùng với vận động, hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống, MTTQ các cấp, nhất là các vùng bị ảnh hưởng đã phát huy vai trò giám sát trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo niềm tin trong nhân dân.

Không những thế, Ủy ban MTTQ tỉnh còn vận động, hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường hơn 15,5 tỷ đồng đồng tiền mặt và 30 tấn gạo.

Ủy ban MTTQ tỉnh đã chi nguồn cứu trợ cho ngư dân theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho 10.328 hộ với số tiền hơn 9,4 tỷ đồng, trích số tiền hơn 6 tỷ đồng từ Quỹ Cứu trợ để chuyển trả cho đơn vị bán gạo hỗ trợ theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được MTTQ tỉnh đặc biệt quan tâm, nơi nào có NTM nơi đó có Mặt trận.

Ngoài tuyên truyền, vận động, MTTQ tỉnh còn tham gia đỡ đầu các xã xây dựng NTM. Đến nay, MTTQ tỉnh đã đỡ đầu 4 xã, trong đó đã có 3 về đích gồm Khánh Lộc (huyện Can Lộc), Trường Sơn (huyện Đức Thọ), Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân). Năm nay, xã Sơn Thọ (Vũ Quang) chắc chắn cũng sẽ đáp đích NTM.

Mặt trận là nơi hội tụ đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách…điều đó thể hiện rõ nét nhất trong việc kết nối những tấm lòng thiện nguyện đối với đồng bào lũ lụt.

Nhân nói đến hoạt động cứu trợ, có thực tế nhiều đoàn không thông qua Ban cứu trợ tỉnh, huyện, dẫn đến sự chồng chéo và trao quà không phù hợp với từng giai đoạn sau lũ…

-Cứu trợ bằng bất cứ hình thức nào cũng đều trân trọng và đáng quý. Tuy nhiên, việc các nhà hảo tâm cứu trợ không thông qua Ban cứu trợ các cấp dễ dẫn đến sự chồng chéo.

Không thông qua kênh Mặt trận hoặc Ban cứu trợ các cấp, đoàn cứu trợ sẽ không biết được mức độ thiệt hại, khó khăn của từng đối tượng cụ thể để hỗ trợ xứng đáng. Điều này dễ gây thắc mắc giữa người dân với người dân khi nhận nguồn cứu trợ.

Thực tế, cứu trợ lũ lụt có 2 giai đoạn, thứ nhất là giai đoạn cứu trợ khẩn cấp, giai đoạn 2 là khôi phục sản xuất. Khi đã qua giai đoạn cứu trợ khẩn cấp, lúc này người dân cần đến cây, con giống, thuốc bảo vệ thực vật, sửa sang nhà cửa do lũ lụt làm hư hỏng, sách, vở, trang thiết bị, thuốc trong các trạm y tế.

Trong giai đoạn này nếu các nhà hảo tâm đưa nhu yếu phẩm thiết yếu thì sẽ xảy ra vấn đề là nhà nhà có gạo, nhà nhà có mỳ tôm, trong khi người dân không thể bán các sản phẩm này để lấy tiền mua cái cần thiết khác.

Món quà nào của nhà hảo tâm cũng rất nghĩa tình, rất đáng trân trọng nhưng làm thế nào để hỗ trợ người dân một cách thiết thực nhất, mong các nhà hảo tâm lựa chọn cách thức cứu trợ phù hợp với từng giai đoạn và mang lại hiệu quả lớn nhất cho người dân.

Còn vai trò của cán bộ Mặt trận trong nhiệm vụ này, thưa ông?

– Đã là người Mặt trận luôn luôn phải gần dân, sát cơ sở. Đó vừa là trách nhiệm của chúng tôi vừa là tình cảm vốn phải có của người cán bộ với dân, nhất là trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Trong lúc mưa to, gió lớn, cán bộ Mặt trận phải đến từng nhà vận động người dân nhanh chóng di dời, sắp xếp, chuẩn bị đối phó với mưa lũ.

Khi nước rút, cán bộ Mặt trận phải xắn tay cùng nhân dân khắc phục hậu quả đồng thời tiếp nhận, phân bổ từng phần quà của đồng bào cả nước chia sẻ sao cho công bằng nhất, khách quan nhất. Nhiều người vì “vác tù và” mà quên đi việc nhà mình cũng bị ngập lụt là điều bình thường. Chỉ cần dân no ấm, hạnh phúc là chúng tôi yên tâm rồi.

Hầu như năm nào Hà Tĩnh cũng phải gánh chịu những cơn cuồng nộ của thiên nhiên bởi đây là vùng đất được mệnh danh là “chảo lửa, túi mưa”. Theo ông, bài toán căn cơ nào có thể giúp người dân Hà Tĩnh giảm thiểu được tối đa thiệt hại do lũ lụt gây ra?

– Để giải được bài toán này không có cách nào khác là phải sống chung với lũ. Nhưng để sống chung với lũ thì người dân ngoài việc có kỹ năng còn phải có tiềm lực để chống chọi với lũ.

Ở các địa phương thường xuyên xảy ra lũ lụt có những cách làm hay để giảm thiểu thiệt hại như tự tạo ra các bè tránh lũ cho người, vật, gia súc, gia cầm…đây được coi là kỹ năng.

Còn tiềm lực thì cần sự hỗ trợ của tỉnh, Trung ương đó là hỗ trợ người dân vùng lũ xây nhà tránh lũ, di dời người dân vùng ngập lụt lên vùng cao.

Hiện nay, nhà tránh lũ chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Còn chủ trương di dời vùng ngập lụt cũng mới thực hiện được một phần nhỏ, người dân vùng lũ đang rất kỳ vọng vào chủ trương này.

Năm 2017, MTTQ Hà Tĩnh sẽ làm gì để phát huy vai trò giám sát của mình trong lĩnh vực môi trường, nhất là đối với Formosa Hà Tĩnh?

– Sau sự cố môi trường biển, cùng với cả hệ thống chính trị, MTTQ các cấp đã tập trung hỗ trợ khẩn cấp gạo và tiền để ứng cứu trước mắt, huy động lực lượng xử lý môi trường và tích cực tuyên truyền, vận động người dân vùng bị thiệt hại tập trung khắc phục hậu quả; tổ chức giám sát việc cấp phát gạo, tiền hỗ trợ trước mắt và giám sát việc kê khai, thẩm định, phê duyệt và chi trả tiền cho người dân.

Đồng thời tăng cường giám sát chặt chẽ việc khắc phục 53 lỗi của Công ty Formosa, giám sát công tác quản lý nhà nước về môi trường của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, các cụm tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề và những địa bàn phức tạp về môi trường.

Năm 2017, MTTQ các cấp sẽ phối hợp với các tổ chức thành viên, tập trung tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động giám sát về công tác bảo vệ môi trường; thành lập các Đoàn giám sát tổ chức giám sát công tác quản lý nhà nước về môi trường, việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở các các khu công nghiệp, các cụm tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, các doanh nghiệp có xả thải ra môi trường, nhất là xả thải ra biển và dọc bờ sông, đầu nguồn nước….

Phối hợp tuyên truyền, phát huy vai trò của người dân, các cơ quan truyền thông trong việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý, đảm bảo phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hạnh Nguyên (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP