Rõ hình hài một khu kinh tế năng động
Ông Hồ Anh Tuấn ví Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 3-4-2006 của Chính phủ về việc thành lập KTT Vũng Áng (diện tích 22.781ha ở huyện Kỳ Anh) là một cú hích làm đổi đời người dân Hà Tĩnh. Ai từng sống ở mảnh đất khắc nghiệt này mới có thể cảm nhận được bản lĩnh “sống chung với lũ” của người dân Hà Tĩnh. Có lẽ, chính từ khát vọng muốn bứt lên khỏi sự nghiệt ngã của vùng “rốn lũ” mà 50 vạn dân ở 9 xã phía nam của huyện Kỳ Anh sẵn sàng di dời nhà cửa cùng 25 vạn ngôi mộ của ông bà tổ tiên, 50 công trình tôn giáo để bàn giao mặt bằng cho dự án. Hơn ai hết, họ hiểu rằng có KKT, người dân sẽ có việc làm, kinh tế của tỉnh sẽ khá hơn, bộ mặt của khu vực Bắc miền Trung sẽ đổi thay.
Một góc Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). |
Ông Hồ Anh Tuấn phấn khởi cho biết, đến nay đã có hơn 400 DN, nhà đầu tư đăng ký, trong đó có 90 dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 17 tỷ USD (có 40 dự án có vốn đầu tư nước ngoài). Riêng 11 tháng đầu năm 2014, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 3.882 triệu đồng và 5 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đầu tư 37,2 triệu USD. Một số dự án đã đi vào hoạt động và có sản phẩm bán ra thị trường, một số công trình, dự án lớn đang được đẩy nhanh tiến độ như: Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh; khách sạn Phú Vinh… Nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn đang hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III. “Chỉ trong 7 năm, chúng tôi đã thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ. Hình hài một KKT năng động đã rõ, với hệ thống nhà xưởng, công trình, cảng biển, nhà máy nhiệt điện, khu đô thị hiện đại… Thật mà như mơ” – ông Hồ Anh Tuấn nói.
Những chuyển động tích cực…
Ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, KKT hiện thu hút được DN, nhà đầu tư của 28 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Đài Loan) là DN nước ngoài có vốn đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ USD, tổng diện tích sử dụng cả đất liền và mặt nước trên 3.300ha. DN đã đầu tư xây dựng Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương, lấy Hà Tĩnh là trung tâm, kết hợp với các ngành sản xuất, gia công có liên quan khác để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành gang thép, biến nơi đây trở thành trung tâm sản xuất thép mang tầm vóc quốc tế. Dẫu bị ảnh hưởng bởi sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, song với các biện pháp chỉ đạo kịp thời của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh, mọi hoạt động của DN được thực hiện trở lại với tiến độ khẩn trương nhất. Ông Thái Chi Pháp, Trưởng đại diện Tập đoàn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa tại Việt Nam cho biết, hiện tại công ty đã triển khai xây dựng được 70% khối lượng công việc. Mọi lực lượng, phương tiện được công ty huy động ở mức tối đa để hoàn thành tiến độ, phấn đấu ra lò mẻ thép đầu tiên vào năm 2015.
Đánh giá về tác động của KKT, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, dự án đã và đang góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng trưởng GDP, thu ngân sách, giải quyết việc làm và sẽ sớm đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp. Nhờ KKT Vũng Áng, chỉ trong vòng 4 năm, thu ngân sách của Hà Tĩnh đã gấp 10 lần (năm 2010 đạt 1.200 tỷ đồng; năm 2014 đạt 12.000 tỷ đồng). Ông Lê Đình Sơn dự báo, nếu các công trình, dự án được thực hiện đúng tiến độ, cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ của tỉnh sẽ chiếm 90%; tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 10%, nhưng giá trị sẽ cao hơn bởi nông nghiệp trở thành vành đai xanh, cung cấp lương thực, thực phẩm sạch cho KKT. “Cùng với sự phát triển của các công trình phụ trợ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến của DN nước ngoài… kinh tế Hà Tĩnh đang từng bước hội nhập sâu, rộng với kinh tế quốc tế” – Ông Lê Đình Sơn cho biết thêm.
Tác động quan trọng nữa mà dự án mang lại chính là sự thay đổi tư duy của đội ngũ cán bộ. Phó Chủ tịch Lê Đình Sơn khẳng định, cán bộ phải nâng tầm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quá trình triển khai dự án đã khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. “Đội ngũ cán bộ, công chức của chúng tôi đã được rèn rũa, có bản lĩnh và trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm cải cách hành chính, giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư theo hướng thuận lợi nhất. Ngược lại, chúng tôi cũng học hỏi kinh nghiệm của các nhà đầu tư để quản lý, vận hành KKT hiệu quả hơn” – Ông Lê Đình Sơn quả quyết.
… Và những việc cần làm ngay
KKT hiện đang thu hút hàng chục vạn lao động phổ thông làm việc tại đây. Khi các DN lấp đầy, con số này chắc chắn sẽ cao hơn và sẽ cần thêm hàng vạn lao động kỹ thuật cao. Có một thực tế, yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài đối với nguồn nhân lực bao giờ cũng khắt khe hơn trong khi trình độ của lao động địa phương còn hạn chế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho biết, đào tạo nguồn nhân lực cùng với cải cách hành chính, thu hút đầu tư là 3 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Năm 2007, ngay sau khi các DN được cấp chứng nhận đầu tư, họ đã tuyển dụng các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học về đào tạo lại tại Trường Đại học Hà Tĩnh hoặc đưa sang nước ngoài. Họ còn hỗ trợ kinh phí cho các lao động trẻ đi học nghề. Cách làm đó đã thổi một luồng tư tưởng mới và tỉnh đã thay đổi tư duy, coi “đào tạo nguồn nhân lực” là khâu đột phá. Hiện tại, tỉnh thành lập trung tâm xúc tiến đầu tư và cung ứng nhân lực; hệ thống trường học cũng đã hướng vào mục tiêu đào tạo nhân lực phục vụ KKT.
Những dòng vốn FDI đang tiếp tục đổ về KKT Vũng Áng; đồng thời đặt lên vai chính quyền Hà Tĩnh trách nhiệm phải quản lý, vận hành KKT sao cho hiệu quả nhất. “Từ vụ việc tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã rút ra bài học sâu sắc để từ đó thực hiện công tác quản lý trên mọi lĩnh vực, bảo đảm an ninh trật tự tại KKT tốt hơn, giữ gìn môi trường kinh doanh an toàn, tạo niềm tin trong DN” – ông Lê Đình Sơn nói.
Cơn mưa cuối chiều làm trời ập tối. Hàng vạn lao động hối hả tỏa ra từ những nhà máy, công trình làm ách các ngả đường của KKT. Sẽ còn nhiều việc phải làm, trước là xây dựng hệ thống đường giao thông, bến xe buýt, khu nhà ở cho công nhân, là việc hoàn thiện hệ thống nhà xưởng, tuyển dụng lao động để đi vào sản xuất… Tất cả những việc cần làm đó, cán bộ và nhân dân Hà Tĩnh sẽ sát cánh cùng DN để thực hiện. Bởi hơn ai hết, họ hiểu đó là những việc cần phải làm để xây dựng cho tương lai phát triển của quê hương Hà Tĩnh.