Tin Hà Tĩnh

Khao khát “Ngôi nhà mơ ước"...

Giữa dải đất thiên nhiên khắc nghiệt, nhiều gia đình ở Hà Tĩnh vẫn không có nổi một căn nhà kiên cố để chống chọi với nắng mưa. Với những người dân nghèo nơi đây, tự làm một căn nhà là quá sức của họ.

Chúng tôi về huyện Nghi Xuân theo lời đề nghị của địa phương này để tìm hiểu các gia đình có hoàn cảnh vô cùng éo le, họ luôn khao khát có được “Ngôi nhà mơ ước” hằng có chỗ nương thân, an tâm sinh sống.

Ngôi nhà bỏ hoang của gia đình chị Thìn chực đổ mỗi khi mưa gió ập tới

Gia đình đầu tiên chúng tôi tìm đến là Tô Thị Thìn (SN 1980, trú tại thôn Cường Thịnh, xã Xuân Liên).

Chị Thìn sinh ra kém may mắn khi dáng người thấp bé hơn người bình thường, nhờ sự mai mối chị kết duyên vợ chồng với người xã bên cạnh, nhưng tréo ngoe chồng chị cũng bị bệnh động kinh.

Vợ chồng chị Thìn lấy nhau được bố mẹ ruột của chị Thìn cho ở riêng trong một căn nhà cấp bốn được xây dựng từ những năm 80 của thế kỉ trước.

Trong 10 năm chung sống với nhau, vợ chồng chị sinh được 2 cháu gái, khi đứa con gái út của chị biết đến trường cũng là lúc người chồng được gia đình đưa về bên nội chăm sóc vì sức khỏe ngày càng yếu.

Kể từ đó, 3 mẹ con chị Thìn nương tựa nhau trong căn nhà xây hơn 30 năm xuống cấp trầm trọng.

Ngôi nhà quá cũ nát nên gần 2 năm nay 3 mẹ con chị Thìn không dám sống phía trong

Thăm ngôi nhà của chị, chúng tôi không khỏi giật mình khi các bức tường nứt nẻ dọc ngang, phần da tường bóc tróc để hiện những lối gạch mục nát. Phía trên mái ngói đã hư hỏng, nhiều lối ngói chực rơi rụng mỗi khi cách cửa chính của ngôi nhà bị đóng mạnh.

Ông Tô Duy Linh (SN 1964, anh trai của chị Thìn) cho biết, ngôi nhà chỉ cần trận gió to sẽ đổ sập xuống, gần 2 năm nay, mẹ con chị Thìn không dám ở trong ngôi nhà này nữa. Hai đứa con gái được chị Thìn gửi cho người anh trai nuôi, còn chị vào tỉnh Khánh Hòa xin dọn dẹp tại một khách sạn để kiếm tiền nuôi con.

Qua liên lạc, chị Thìn cho biết, chị làm thuê mỗi tháng được gần 5 triệu đồng, nếu trừ chi phí ăn uống, thuê trọ mỗi tháng còn 2,5 triệu đồng, số tiền này chị gửi về cho các con ăn học, còn chuyện góp tiền để xây nhà chị chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Cả gia đình anh Mạnh 6 người sống trong căn nhà cấp bốn do mua nợ vật liệu mới có

Rời ngôi nhà cũ nát của chị Thìn, chúng tôi tìm đến gia đình anh Trần Văn Mạnh (SN 1987, trú thôn Yên Thành, xã Xuân Thành).

Anh Mạnh tàn tật từ nhỏ, đôi chân không đi lại được như người thường, nhưng anh may mắn lấy được người vợ chăm chỉ, hai vợ chồng anh Mạnh có với nhau 3 mặt con, các cháu đều khỏe mạnh, kháu khỉnh.

Cách đây 3 tháng, 6 người trong gia đình anh Mạnh một phen thất kinh khi cơn gió mạnh thổi bạt qua nhà khiến căn nhà gỗ đã bị mối mọt ăn phần nhiều lắc lư. Nhiều viên ngói rơi xuống sân vỡ nát, may mắn cả gia đình anh không ai bị thương tích.

Bà Phan Thị Tấn (mẹ của anh Mạnh) không khỏi sợ hãi khi sống trong ngôi nhà xuống cấp hàng chục năm qua

Anh Mạnh kể rằng, căn nhà anh được thừa hưởng từ ông bà để lại, đã làm rất lâu, hư hỏng hết. Trong nhà mẹ anh sức khỏe yếu không làm được việc nặng, anh bị tàn tật nên 6 miệng ăn trông cậy vào người vợ của anh làm công nhân tại TP Vinh.

“Với gia đình tôi có đủ cái ăn là may mắn lắm rồi, sống trong ngôi nhà xuống cấp nặng, muốn xây cái nhà nhỏ để yên tâm sống cũng không biết lấy tiền đâu ra” – anh Mạnh nói.

Sau lần “thập tử nhất sinh” được sự vận động của người thân, anh Mạnh làm đơn gửi chính quyền các cấp hỗ trợ tiền xây nhà mới.

Đơn của anh được huyện xét duyệt nhưng chưa có nguồn hỗ trợ tức thời, để tránh rủi ro xảy ra, gia đình anh Mạnh đã mua nợ vật liệu về rồi nhờ người làng phụ giúp ngày công xây dựng một căn nhà nhỏ.

Nhà xây mới, gia đình anh có chỗ ở an toàn, chiếc bàn thờ thờ người chú liệt sỹ của anh Mạnh cũng không còn bị thấm dột nước mỗi khi trời mưa.

“Nhà xây được rồi nhưng toàn bộ tiền mua vật liệu vẫn còn nợ người ta, giờ gia đình chỉ mong xã hội trợ giúp trả nợ để yên tâm sống chứ gia đình không biết khi nào mới kiếm ra tiền trả nợ được” – anh Mạnh nói.

Tác giả: Lê Minh – Phạm Tâm

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP