Dự án Nhà máy thép Vạn Lợi sau nhiều năm bỏ hoang, nay đã bị thu hồi chứng nhận đầu tư. Ảnh: Trần Tuấn
“Khai tử” nhà máy thép “khủng”
Ngày 20.12, một lãnh đạo BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, xác nhận với PV báo Lao Động, đơn vị này đã quyết định thu hồi chứng nhận đầu tư của DA Nhà máy thép Vạn Lợi có tổng mức đầu tư 1.764 tỉ đồng tọa lạc trên diện tích hơn 25,8ha thuộc Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng 1 (phường Kỳ Thịnh, TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sau 6 năm chậm tiến độ.
Đây là DA Nhà máy liên hợp gang thép có công suất 250.000 tấn/năm giai đoạn 1, giai đoạn 2 nâng lên 500.000 tấn/năm được cấp chứng nhận đầu tư ngày 15.6.2007, điều chỉnh lần 3 tháng 12.2009 với tổng mức đầu tư 1.764 tỉ đồng. Theo chứng nhận đầu tư, tháng 8.2010, nhà máy sẽ sản xuất thử ra phôi thép thương phẩm. Tuy nhiên, DA đã không thực hiện được như cam kết.
Trước đó, vào đầu năm 2015, BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có thông báo về việc sẽ chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép đầu tư của DA này với lý do Cty CP gang thép Hà Tĩnh – chủ đầu tư DA vì không thể thực hiện khởi động lại như cam kết.
Danh sách hàng loạt dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng bị thu hồi chứng nhận đầu tư, trong đó có nhà máy thép Vạn Lợi (trong vòng tròn)
Trong năm 2015, khi trả lời báo Lao Động, ông Hồ Văn Dũng – GĐ Cty CP gang thép Hà Tĩnh cũng xác nhận, Cty đang nợ một số ngân hàng cho vay vốn đầu tư vào DA tổng số tiền hơn 750 tỉ đồng.Khi DA chỉ còn lại “đống sắt vụn” là thiết bị, máy móc phơi nắng, phơi mưa mà các ngân hàng cho vay chưa kịp thanh lý tài sản thì giữa tháng 5.2015, bỗng dưng xảy ra vụ cháy nhà máy trong đêm, đến nay nguyên nhân vẫn chưa được công bố. Được biết sau gần 10 năm thực hiện DA, chủ đầu tư đã đổ vào dự án này hơn 1.000 tỉ đồng bao gồm toàn bộ trang thiết bị máy móc, phương tiện.
Hết hy vọng cho nhà máy tuyển quặng sắt 500.000 tấn/năm
Ra đời từ năm 2008 với mục đích cung cấp nguyên liệu quặng sắt cho Nhà máy thép Vạn Lợi nói trên, thế nhưng, do DA nhà máy thép đầu tư dang dở đã đẩy Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang (tổng mức đầu tư hơn 158 tỉ đồng, công suất 500.000 tấn/năm, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5.2009) “chết yểu” theo vì nguyên liệu khai thác ra không thể tiêu thụ. Với nguyên nhân đó, từ năm 2012, nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang đã ngừng hoạt động. Hơn 100 công nhân của nhà máy cũng mất việc từ đó.
Nhà máy quặng sắt Vũ Quang bỏ hoang lâu nay cũng xem như “chết” theo Nhà máy thép Vạn Lợi. Ảnh: Trần Tuấn
Ngày 20.12, ông Nguyễn Khắc Hội – Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ (nơi đóng nhà máy tuyển Quặng sắt Vũ Quang) – cho biết, hiện Nhà máy này vẫn bỏ hoang, không hoạt động. Còn về tương lai, số phận của nó thì hiện chính quyền vẫn chưa nhận được thông tin gì.
Im lìm nơi Dự án khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á
Ngày 19.12, PV Báo Lao Động có mặt tại khu vực moong mỏ của DA khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (trữ lượng hơn 544 triệu tấn, lớn nhất Đông Nam Á) ghi nhận không có một máy móc, nhân công nào hoạt động. Một khu vực rộng lớn đã bóc đất tầng phủ trước đây, giờ trở thành cái hồ lớn, những cồn cát lớn từ bãi thải đang từng ngày bồi lấp trở lại lòng mỏ mà trước đó đã đào bới.
Im lìm nơi mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: Trần Tuấn
Đại DA này khởi công bóc đất tầng phủ từ năm 2009, với kế hoạch đến quý 1.2011 sẽ hoàn thành bóc đất, đi vào khai thác quặng bình quân mỗi năm thu được 5 – 10 triệu tấn quặng, cung cấp cho các nhà máy luyện thép trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng, chỉ sau một năm bóc đất tầng phủ thì DA thiếu vốn, ngừng trệ cho đến nay.
Không chỉ ngừng khai thác, DA cũng ngừng trệ luôn kế hoạch di dời gần 4 ngàn hộ dân của 6 xã bãi ngang gồm: Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Trị, Thạch Lạc về 19 khu TĐC vì không có vốn thực hiện bồi thường, GPMB. Liên quan đến số phận của Dự án này, tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII (ngày 13 – 15.12), vấn đề xem xét, trả lời rõ liệu có thể khai thác được mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này hay không, bao giờ có thể khai thác… đã được nhiều đại biểu chất vấn, làm “nóng” nghị trường. Một ngày sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có cuộc họp bàn để xem xét, ra văn bản chính thức trình Chính phủ.
Clip im lìm nơi mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á:
Trần Tuấn