Việc Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan thứ 2 ra biển Đông cho thấy nước này không chịu dừng lại việc khẳng định chủ quyền phi lý của mình.
Tàu hải cảnh Trung Quốc gần giàn khoan Hải Dương-981 – Ảnh: Độc Lập/TNO |
Trả lời Thanh Niên, các chuyên gia cho rằng với việc công bố động thái trên ngay trong thời điểm Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đến Việt Nam, Trung Quốc một lần nữa cho thấy nước này chỉ “làm những gì mình muốn” để khẳng định cái gọi là chủ quyền trên biển Đông.
Bà Tôn Vân, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm phản biện chính sách Stimson (Mỹ) nói: “Sẽ phải còn chờ xem địa điểm hạ đặt cuối cùng của giàn khoan Nam Hải 9 là ở đâu, nhưng có vẻ động thái đưa nó ra biển Đông vào thời điểm này đã được tính toán kỹ lưỡng. Quyết định này cho thấy Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ con đường khẳng định cái gọi là chủ quyền theo phương thức cưỡng bức”.
Theo bà Tôn Vân, trong cách nhìn của lãnh đạo Trung Quốc, những “kiềm chế” từ nước này trong quá khứ đã không làm được gì để giúp cải thiện các tranh chấp trên biển và do vậy, Bắc Kinh bắt buộc phải thay đổi hiện trạng “bằng tất cả các biện pháp cần thiết”. Bà Vân nhận định: “Không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc sẽ dừng lại. Và mỗi khi tiến hành một động thái “dân sự” như hạ đặt giàn khoan như thế này, hầu như chắc chắn Bắc Kinh cũng chuẩn bị các nguồn lực quân sự và bán quân sự cần thiết để bảo vệ các tài sản “dân sự” như thế”.
Cảnh sát biển chưa phát hiện giàn khoan
Liên quan đến thông tin trên website của Cục Hải sự Trung Quốc loan báo về việc tiếp tục đưa giàn khoan thứ hai – Nam Hải 9 vào biển Đông, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 19/6, Trung tá Đặng Hồng Quân, Phòng Tuyên huấn, Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, mọi phương tiện hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đều được lực lượng cảnh sát biển phát hiện, theo dõi và sẵn sàng ứng phó nếu vi phạm pháp luật Việt Nam.
Giàn khoan dầu Nam Hải 9 của Trung Quốc. Ảnh: Chinanews. |
Theo ông Quân, cho đến thời điểm này, phía Cảnh sát biển Việt Nam chưa ghi nhận phương tiện nào như là giàn khoan mang tên “Nam Hải 9” tại khu vực biển mà webstie Cục Hải sự Trung Quốc loan báo.
Cảnh sát biển theo dõi sát sao giàn khoan Nam Hải 9
Trong khi đó, báo Tuổi trẻ dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm – tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Cảnh sát biển đã, đang và sẽ theo dõi sát sao giàn khoan Nam Hải 9 và chuẩn bị các phương án đối phó với mọi tình huống.
Trước đó, Cục Hải sự Trung Quốc hôm 17-6 đã ra thông báo điều giàn khoan thứ hai tới biển Đông. Thông báo trên website này nói giàn “Nan Hai Jiu Hao” (Nam Hải 9) từ ngày 18 tới 20-6 sẽ được tàu lai dắt Đức Gia kéo từ tọa độ 17 độ 38 phút vĩ Bắc, 110 độ 12 phút 3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc, 109 độ 31 phút kinh Đông trên biển Đông.
Tọa độ xuất phát của giàn Nam Hải 9 này chính là từ đảo Hải Nam trong khi điểm đến của nó là khu vực cửa vịnh Bắc bộ. Đây là khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang đàm phán để phân định giữa hai bên. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19/6, một chuyên gia về các vấn đề biên giới cho biết tọa độ mà giàn khoan Nam Hải 9 sẽ được kéo đến tương đương với vị trí cách 20 hải lý so với đường trung tuyến tính từ đường cơ sở đảo Hải Nam (Trung Quốc) và đường cơ sở của bờ biển miền Trung của Việt Nam. Tọa độ đó ở phía đông của đường trung tuyến, thuộc khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán phân định.
Cũng theo vị chuyên gia này, theo thông lệ quốc tế, mọi hoạt động tại khu vực chồng lấn, đang đàm phán phân định đều cần được các bên trao đổi, nhất trí với nhau, không bên nào được có các hành động đơn phương gây phức tạp tình hình.
Quan chức Quốc hội: Quyết không để gian khoan thứ 2 vào biển Đông
Chiều 19/6, bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội – Trần Văn Hằng cho biết: “Lời phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đặc biệt là thông cáo số 2 của kỳ họp là một hình thức tuyên bố mạnh nhất thể hiện thái độ quyết liệt và rõ ràng của Quốc hội Việt Nam đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng |
Mới đây, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có thông báo về vấn đề này gửi đến nghị viện tất cả các nước trên thế giới, các đại sứ của ta cũng tiếp cận các nghị viện, trao công hàm, chuyển thư và nghị viện các nước cũng lên tiếng ủng hộ Việt Nam”, ông Hằng nói.
Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội nhắc lại thông cáo số 2 của kỳ họp Quốc hội đã khẳng định: “Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam… vi phạm luật pháp, cam kết quốc tế và thỏa thuận giữa hai Ðảng, Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc.
Quốc hội Việt Nam kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam”.