Dự án đầu tư

Huyện Kỳ Anh: Thu hồi giải tỏa đẩy người dân đến khốn cùng

Báo Người cao tuổi ngày 13/3/2013 có bài "Dự án kênh dẫn nước của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Pormosa Hà Tĩnh chính quyền bất công đến khó hiểu" cho hay, dự án đi qua nhiều xã, riêng xã Kỳ Hoa có 70 hộ bị ảnh hưởng.


>> “Dự án kênh dẫn nước của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Pormosa Hà Tĩnh chính quyền bất công đến khó hiểu”


Ông Thái Văn Thuận một nông dân sản xuất giỏi thiệt hại hàng tỉ đồng, bị bần cùng hóa. Hơn 5 tháng từ khi Báo Người cao tuổi lên tiếng, vẫn chưa thấy phản hồi từ phía chính quyền và doanh nghiệp…



Bồi thường mà như thế?


Ông Thuận bị mất mảnh vườn, nhiều cây trồng giá trị kinh tế cao nhưng tiền đền bù đất và tài sản chỉ có 119 triệu đồng. Trên 5.000 gốc chè, ông đào cây đã trưởng thành ở xa về trồng từ 7 năm trước, chi phí để chè sống và phát triển là 120.000 đồng/gốc, kể cả giá cây giống. Nay vườn chè là tài sản lớn, cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm. Tuổi thọ cây chè là cả trăm năm, mỗi có thể năm thu hoạch 40.000 đồng/gốc, nhưng chỉ đền bù 1.000 đồng/gốc. Một vạn gốc dứa xen canh, dự kiến cuối xuân 2013 sẽ thu 200 triệu đồng, chỉ đền bù 12 triệu (1.200 đồng/gốc), bằng tiền cây giống. Bức tường bao quanh vườn, xây dựng hết trên 300 triệu đồng, chỉ đền bù 25 triệu đồng? Ông Thuận nói: “Bị tôi phản đối, tháng 9/2012, ông Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Bổng hứa tăng mức đền bù thêm 23 triệu đồng, rồi Phó Chủ tịch Nguyễn Hoài Sơn động viên giao đất và hứa sẽ vận động doanh nghiệp hỗ trợ thêm 20 triệu đồng. Như vậy thì cũng chỉ có 160 triệu đồng, trong khi mảnh vườn này, nếu treo giá 2 tỉ đồng thì không phải bán, bởi chỉ riêng chè và dứa, một năm đã thu trên dưới 400 triệu đồng rồi. Đó là chưa kể năm 2011, tôi vay Ngân hàng 700 triệu đồng, xây dựng cơ sở vật chất để thành lập HTX nông nghiệp trồng rừng và chăn nuôi, định đầu năm 2012 sẽ đi vào hoạt động thì bất ngờ bị thu hồi giải tỏa. Thế là toàn bộ cơ sở hạ tầng đầu tư vào đây trở thành tro bụi”.


Cụ Trần Xuân Thành 55 tuổi đảng, bị thu hồi vườn cam 3.223m2, tháng 3/2012 kiểm kê thì 542 cây đang phát triển, nhưng sau đó chính quyền bảo là “trồng sau mốc” chỉ đền bù đất 26.000 đồng/m2 còn cam thì không đền bù? Ngày 30/7/2012 cụ đến Ban GPMB mới biết có quyết định thu hồi đất kí ngày 15/6/2012, lúc này cam đã được một tuổi. Còn trước đó không hề biết bị quy hoạch, vậy lấy gì để bảo là cây trồng sau mốc?


Dự án từ… trời xuống


Đến thăm ông Thuận sau 5 tháng Báo Người cao tuổi lên tiếng, ông đưa vợ đi bệnh viện vừa về, gặp mấy người làm thuê trong trang trại năm trước đến đòi nợ. Ông Thuận ngậm ngùi nói: “Đang làm ăn phát đạt thì bị thu hồi giải tỏa, tài sản chỉ được đền bù bằng 3% – 5% tổng giá trị, thế là thành con nợ. Nợ Ngân hàng, nợ người làm thuê, hai con đang học đại học và cao đẳng, không tiền phải nghỉ học, vợ bệnh liên miên, không tiền mua thuốc… Nếu không bị thu hồi thì gọi tôi là tỉ phú cũng không sai nhưng bị chính quyền đối xử quá hà khắc. Chỉ riêng chuyện kiểm kê từ tháng 3 năm trước, một vạn gốc dứa đã có quả, đến tháng 5 năm nay mới thi công nhưng chính quyền không cho chăm bón, thu hoạch, làm mất 2 vụ dứa, 3 vụ chè 800 triệu đồng. Trong khi đền bù chỉ như “bố thí” mà không cho dân tận thu để bù đắp thì thật nhẫn tâm”?


Xem đĩa video trước cưỡng chế, thấy mảnh vườn thật đẹp, những cây chè cao quá ngực, lá xum xuê, những cây trầm gió, xoài… 2 – 3 tuổi được kiểm kê, vậy mà chính quyền bảo là trồng sau mốc? Ông Thuận phải mất mười mấy năm mới tạo lập được mảnh vườn quý giá như thế nhưng bị thu hồi, hậu quả còn hơn cả thiên tai địch họa. Ông khiếu nại, chính quyền không xem xét điều chỉnh, cứ mặc nhiên để dân chịu thiệt quá mức như vậy? Cây chè có giá hàng trăm nghìn, chỉ đền bù một nghìn; quả dứa bán 25.000 đồng, chỉ đền bù 1.200 đồng/gốc. Thửa đất mỗi năm tạo ra một giá trị 400 triệu đồng, chỉ đền bù 57 triệu đồng; cây trồng được kiểm kê đàng hoàng lại nói trồng sau “mốc”. Sau “mốc” tức là sau kiểm kê, sau quyết định thu hồi, như vậy thì không thể có trong biên bản kiểm kê?


Điều rất nghiêm trọng là hầu hết các dự án ở huyện Kỳ Anh đều làm trái trình tự thu hồi đất. Theo Điều 39 Luật Đất đai và Điều 130 Nghị định 181/2004 thì khi thu hồi đất, UBND huyện phải báo trước ít nhất là 180 ngày. Chưa kể trước đó phải thông báo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho dân biết. Nhưng ở đây, dự án nào cũng đột ngột giống như từ trên trời rơi xuống, không hề báo trước. Sau đó, nhiều cây trồng, vật nuôi bị chính quyền nói là “trồng sau mốc” để không đền bù. Trường hợp bà Trần Thị Lương ở thôn Hòa Lộc, xã Kỳ Trinh hay ông Nguyễn Việt Hồng ở thị trấn Kỳ Anh… mà Báo Người cao tuổi đã nhiều lần đề cập, nhưng huyện không sửa sai, tỉnh cũng không chấn chỉnh? Nếu biết thu hồi hồ cá thì bà Trần Thị Lương không dại gì thả 24 vạn cá giống tốn trên 1 tỉ đồng để rồi hơn 3 tháng sau, thành tay trắng. Nếu được báo trước thì ông Trần Xuân Thành không trồng 542 cây cam, ông Thái Văn Thuận cũng không trồng 10.000 gốc dứa, không đầu tư 700 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thành lập HTX Nông nghiệp để rồi bị giải tỏa, trở thành con nợ. Chưa nói giá đền bù mà việc thu hồi đột ngột, sai trình tự quy định đã đẩy biết bao hộ dân đến bước đường cùng?


Ông Thái Văn Thuận nói: “Nếu không nghĩ đến vợ con thì tôi đã tìm đến cái chết để thoát nợ”? Nghe ông nói, ai cũng ngậm ngùi. Thiết nghĩ, các cơ quan có trách nhiệm và những người có lương tâm cần lên tiếng, đừng để chính quyền huyện tùy tiện muốn làm sao cũng được!


Trần Mỹ & Nhóm PV

NCT

  Từ khóa: khốn cùng , giải tỏa , thu hồi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP