Truyền thống - Phát triển

Huyện Hương Khê 150 năm hình thành và phát triển

Huyện Hương Khê được thành lập vào cuối năm Đinh Mão (11-1867); bao gồm 5 tổng (gồm: Quy Hợp, Chu Lễ, Phương Điền, Phúc Lộc, Hương Khê) được tách ra từ huyện Hương Sơn.

Từ tháng 8 năm 2000 thì có 5 xã cắt ra sáp nhập với một số xã của Đức Thọ, Hương Sơn thành huyện Vũ Quang. Hiện nay, toàn huyện có 21 xã,1 thị trấn; diện tích tự nhiên 126.273,60 ha, trong đó đất lâm nghiệp trên 80%; Dân số của huyện là 101.657 người (năm 2015).

Một góc Thị trấn Hương Khê. Ảnh: Minh Chiến

Tên huyện Hương Khê được đặt theo phong thổ. Phong thổ có các thứ sản vật thơm, “hữu xạ” cho nên “tự nhiên hương”. Hương Khê có gỗ trầm hương, một loại gỗ thơm đặt biệt, có quế thơm và mít thơm. Hương Khê có loại cầy hương mang theo mùi ngận đặc biệt quyến rũ. Hương Khê có gạo nếp thơm. Ngày xưa có loại nếp ngữ, nếp rẫy “lạ lùn”, và nếp cái, đến mùa lúa trỗ, hương nếp bay ngào ngạt, nhất là vào mùa cốm. Hương thơm các loại cây ăn quả, nhất là Bưởi Phúc Trạch, “Năm 1938, bưởi Phúc Trạch đã được thưởng mề đay trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương”; có Cam Khe mây, hương thơm bay khắp gần xa vẫy gọi khách thập phương.  Hương Khê được thành lập được 150 năm (1867 – 2017) thì trong đó 108 năm đất nước phải đương đầu với hai thế lực ngoại xâm là Pháp và Mỹ (1867 -1975), 15 năm với biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Trải qua 150 năm hình thành và phát triển, Nhân dân Hương Khê đã đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng quê hương đất nước.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Nhân dân Hương Khê càng tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương mình như: thành Sơn Phòng gắn với nhà Vua yêu nước Hàm Nghi, với khu rừng Vụ Quang – căn cứ địa của nghĩa quân Phan Đình Phùng; sự ra đời của Đảng bộ huyện năm 1930, một trong những Đảng bộ huyện được thành lập sớm nhất của Đảng cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, trong cao trào cách mạng 1930 – 1931, nhiều nơi trong huyện Hương Khê đã xuất hiện các làng Xôviết; với các cuộc biểu tình thị uy, trừng trị bọn cường hào gian ác ở các địa phương,… tiêu biểu như cuộc biểu tình Rộôc Cồn; Từ khi có sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hương Khê đã vùng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, cùng Nhân dân trong tỉnh và cả nước làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), Hương Khê là huyện căn cứ địa hậu phương trọng yếu thuộc vùng tự do Thanh – Nghệ -Tĩnh, một ATK (an toàn khu) quan trọng của Ủy ban kháng chiến hành chính Trung Bộ và Liên khu IV. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975), Hương Khê là huyện tiền tuyến biên cương của Miền Bắc, hậu phương trực tiếp của chiến trường Miền Nam, chiến trường Lào, nổi tiếng với Phà Địa lợi, với Ngầm Lộc Yên, với căn cứ địa của Bộ chỉ huy Binh đoàn 559, với trường cấp 2 Hương Phúc, với hình ảnh O du kích nhỏ giương cao súng, Dân quân Hương Trạch, tiểu đội nữ Dân quân Hương Thủy, Tự vệ Nông trường 20/4,… Từ năm 1975 đến nay, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Hương Khê đã ra sức khắc phục khó khăn, yếu kém, phát huy lợi thế về lao động, tài nguyên, nơi có đường sắt Bắc Nam (41 km) đi qua, đường mòn Hồ Chí Minh chạy dọc tuyến huyện (52 km), từng bước vươn lên về mọi mặt, vượt qua bao khó khăn, thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tiến lên cùng cả nước theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh; đến năm 2016 huyện Hương Khê đã đạt được những kết quả nổi bật như: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân trong 5 năm (2010 – 2015) đạt 14,6%. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 41,1%; CN-TTCN, XDCB 38,7%; Thương mại – Dịch vụ 20,2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng/năm, tăng gần 4 lần so với năm 2010. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 33.000 tấn. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 1.243 tỷ đồng (bằng 2,25 lần so với năm 2010); giá trị sản xuất/đơn vị diện tích đạt 71 triệu đồng/ha; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 48,2%, tăng 25,6% so với năm 2010. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 70,5%. Xây dựng mới 2.798 mô hình sản xuất có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên, trong đó có 110 mô hình có doanh thu trên 1,0 tỷ đồng/năm, 69 mô hình có doanh thu từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm.  Toàn huyện có 267 doanh nghiệp, 99 hợp tác xã, 236 tổ hợp tác.  Năm 2016, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 61 tỷ đồng (tăng 4,3 lần so với năm 2010).Về xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đạt 244 tiêu chí, bình quân 11,62 tiêu chí/xã; có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Gia Phố, Hương Trà, Phú Phong, Phúc Trạch), không còn xã dưới 09 tiêu chí. Tổng giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2015 đạt 497 tỷ đồng, tăng 32% so với 2010. Toàn huyện có 23.155 gia đình văn hóa, tăng 3,5%; 12.094 gia đình thể thao, tăng 11,3%; 123 làng, thôn, tổ dân phố văn hóa, tăng 21%; 36/63 trường đạt chuẩn Quốc gia; 19/22 xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Năm 2016, đào tạo nghề cho 1.566 lao động, giải quyết việc làm cho 1.634 lao động (bằng 109% KH). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 19,54%, cận nghèo 11,33%. 100% đơn vị cơ sở đạt tiêu chuẩn vững mạnh toàn diện, cụm ATLC – SSCĐ, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng lên. Toàn huyện có 43 tổ chức cơ sở Đảng, 6.800 đảng viên,  Đảng bộ huyện đạt “trong sạch, vững mạnh”;  huyện Hương Khê và 17 xã của huyện được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang”, một xã được phong tặng “Đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới”.
Nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương Hương Khê qua những chặng đường phấn đấu đi lên, phát triển và hội nhập; nâng cao nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân trong giai đoạn mới; tri ân các Anh hùng Liệt sỹ, các bậc tiền nhân, lão thành cách mạng, những gia đình có công với nước; đồng thời, để những người con đi xa thể hiện tình cảm với quê hương, tháng 11 năm 2017, Đảng bộ và Nhân dân Hương Khê tổ chức các hoạt động kỷ niệm như: Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển huyện Hương Khê từ khi thành lập cho đến nay; Biên soạn và xuất Bản cuốn sách Địa chí Hương Khê; Phát động thi đua, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị; xây dựng các công trình chào mừng; tổ chức thăm hỏi, gặp mặt cán bộ lão thành qua các thời kỳ; triển lãm ảnh, trưng bày các sản phẩm chủ lực của huyện; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, kết quả huyện; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; đăng cai giải đua thuyền toàn tỉnh tại Hương Khê và Tổ chức lễ mittinh kỷ niệm (tháng 11/2017).
Phát huy truyền thống tốt đẹp và niềm tự hào của huyện Anh hùng, dưới sự lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Đảng bộ huyện Hương Khê nhất định sẽ lãnh đạo Nhân dân hoàn thành mục tiêu kinh tế, xã hội mà Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra, đưa Hương Khê vươn lên thành huyện giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa xã hội, mạnh về quốc phòng, an ninh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trần Quốc Bảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP