Được coi là “bom tấn” trong làng chứng khoán nhưng cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – PLX) lại không gây ấn tượng như nhiều bom tấn khác. PLX nhanh chóng hụt hơi sau khi tăng trần.
Bên cạnh đó, Petrolimex khiến cổ đông thắc mắc vì lên kế hoạch giảm lợi nhuận 1.620 tỷ đồng nhưng lại tăng lương 31% cho dàn lãnh đạo.
Hụt hơi sau khi lên “đỉnh”
Trong ngày 21/4/2017, PLX trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán khi chào sàn TP.HCM. Cùng với Vietnam Airlines, Vietjet Air, ông lớn Petrolimex trở thành “bom tấn” chứng khoán trong thời gian gần đây.
Petrolimex lọt vào Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cũng như cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines và VJC của Vietjet Air, cổ phiếu PLX nhanh chóng nóng hầm hập ngay trong ngày chào sàn. Đầu phiên, PLX tăng trần lên mức 51.800 đồng/CP. Với mức giá này, vốn hóa thị trường của Petrolimex đạt 55.426 tỷ đồng. Petrolimex lọt vào Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, PLX không may mắn như HVN hay VJC. Trong khi HVN và VJC lần lượt tăng trần 2 phiên và thậm chí 4 phiên liên tiếp, PLX nhanh chóng hạ nhiệt. Giữa phiên, có thời điểm PLX giảm xuống chỉ còn 46.000 đồng/CP. Cuối phiên, PLX phục hồi, đóng cửa ở mức 48.900 đồng/CP sau khi tăng 5.700 đồng/CP. Đây là mức tăng khá nhưng vẫn khiêm tốn hơn khá nhiều so với giá trần.
Sang ngày 24/4 – phiên giao dịch thứ 2 của PLX trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PLX giằng co mạnh. Đầu phiên, PLX giảm 900 đồng/CP xuống 49.000 đồng/CP. Sau đó, dù phục hồi, PLX vẫn còn cách rất xa mức giá trần 52.300 đồng/CP.
Có thể thấy, PLX là một trong số ít “bom tấn” hạ nhiệt nhanh chóng. Đi cùng với việc không thăng hoa về giá, thanh khoản của PLX cũng “đuối” hơn nhiều blue-chip khác.
So với tổng lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường hơn 1 tỷ đơn vị, lượng giao dịch trong ngày chào sàn chỉ 4,8 triệu đơn vị được đánh giá là khá thấp.
Ngay trong ngày chào sàn, Petrolimex đăng ký bán luôn 20 triệu cổ phiếu quỹ. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 3/5 đến ngày 2/6 theo phương thức khớp lệnh.
Petrolimex cho biết Tập đoàn bán cổ phiếu quỹ nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu trên thị trường.
Kết quả hoạt động của Petrolimex không ổn định. Lợi nhuận sau thuế của Petrolimex biến động mạnh theo năm. Lợi nhuận năm 2013 tăng gần gấp đôi lên 1.579 tỷ đồng nhưng lại lỗ 9 tỷ đồng năm 2014.
Sang năm 2015, Petrolimex đảo chiều lãi 3.058 tỷ đồng. Tới 2016, Petrolimex báo lãi tăng đột biến lên 5.147 tỷ đồng.
Lãi giảm, lương sếp tăng
Petrolimex khiến nhiều người đặt ra câu hỏi khi lập kế hoạch kinh doanh khá “lạ”. Năm 2017, Petrolimex dự kiến sẽ đạt lợi nhuận sau thuế chỉ là 4.680 tỷ đồng, giảm 1.620 tỷ đồng, tương ứng 25,7% so với năm 2016.
Trong khi đó, so với 2015, lợi nhuận trước thuế của Petrolimex tăng 2.552 tỷ đồng, tương ứng 68%.
Petrolimex đã chỉ ra một số bất lợi khiến công ty phải lên kế hoạch giảm lợi nhuận. Đó là thị trường xăng dầu sẽ cạnh tranh quyết liệt khi có thêm đầu mối kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là sự tham gia của Idemitsu Q8. Bên cạnh đó, tỷ giá được dự kiến sẽ biến mạnh sẽ tác động nhiều tới các chỉ tiêu hoạt động của Petrolimex.
Vì vậy, Petrolimex khá dè dặt khi lên hoạch hoạch chia cho cổ đông. Theo đó, cổ tức tối thiểu năm 2017 chỉ là 12%.
Trong bối cảnh nhiều chỉ tiêu sụt giảm, Petrolimex khiến nhiều người bất ngờ khi đề xuất tăng lương cho dàn lãnh đạo.
Cụ thể, trong tờ trình Đại hội đồng cổ đông về phương án trả lương, thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị và trả thù lao thành viên Ban Kiểm soát Tập đoàn năm 2017, Petrolimex muốn chi 9,17 tỷ đồng cho Hội đồng quản trị, tăng 31% so với năm 2016. Quỹ thù lao cho Ban Kiểm soát dự kiến 4,37 tỷ đồng, tăng 25%.
Như vậy, bình quân, mỗi sếp trong Hội đồng quản trị nhận 1,15 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 95,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi sếp trong Ban Kiểm soát sẽ có cơ hội nhận 874 triệu đồng/người/năm, tương ứng 72,8 triệu đồng/người/tháng.
Đây không phải lần đầu tiên, Petrolimex được báo chí nhắc đến vì trả lương “khủng” cho dàn lãnh đạo. Trước đây, bất luận kinh doanh thua lỗ hay lợi nhuận sụt giảm, thù lao mà dàn sếp Petrolimex thường là con số bạc tỷ.
Tác giả: Bảo Linh
Nguồn tin: Báo VTC News