Địa Chí Hà Tĩnh

Hương Sơn: Xưa & Nay

Ai đó nói, “Đường vào xứ Nghệ loanh quanh, non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”.

Vậy, có thể xem Hương Sơn – huyện miền núi của đất Hà Tĩnh kiên trinh, lãng mạn và nhân văn là một phần không thể thiếu, nếu không nói là một trong những điểm nhấn đậm đặc nhất của bức hoạ đồ, bức thủy mặc. Có phải đó là vẻ đẹp thuần khiết, đến độ hiếm hoi của Trời phú hay là sự kết hợp, tạo dựng, bảo toàn của chính con người Hương Sơn trải qua nhiều thế hệ, vốn được bồi đắp bởi từng hòn đất, hạt cát thấm đựơm mồ hôi và cả máu của con người nơi đây.

          Tự hào thay, Đất và Người Hương Sơn – bản hùng ca tuyệt chiêu.

          Trở về ký ức

          Lịch sử xa xưa chưa có ai đề cập, nhưng rõ hơn là khoảng 850 năm trước đây, Hương Sơn là vùng đất được nhà Trần, nếu không khai sơn, lập địa thì cũng là kế tiếp thời kỳ bảo toàn, phát triển để xứ này đi lên từ trong gian nan, tần tảo, bần hàn. Thời Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng đã có dấu chân của con người Việt. Một trong những bằng chứng ở gần chợ Rạp – xã Phúc Dương ngày trước, nay là xã Sơn Phú, không xa mấy đất Cửa Truông, gọi là đường vào đại ngàn nằm ở làng Phúc Đậu, nay là xã Sơn Phúc, nơi đó, các nhà khảo cổ đã tìm ra di chỉ đồ đồng thuộc nền văn hoá Đông Sơn.

Theo dấu chân người xưa và lịch sử để lại, Hương Sơn xưa mang nhiều tên khác nhau tùy thời theo kiểu “tân quan tân chính sách”. Cổ nhất là huyện Việt Thường. Đời Đường thuộc châu Phúc Lộc. Đời Lý và đời nhà Hồ gọi là Đỗ Gia. Huyện Đỗ Gia chỉ tồn tại khoảng 400 năm (tính từ năm 1029 đến hết đời Trần).

Năm 1469 (tức là năm Quang Thuận thứ 10)  Vua Lê Thánh Tông cho vẽ lại bản đồ cả nước. Theo đó, huyện Cổ Đỗ và huyện Thổ Hoàng sát nhập làm một, mang tên huyện Hương Sơn (thuộc vùng thừa tuyên Nghệ An), Sau đó (1867) vua Tự Đức chia tách một số làng, xã nằm ở phía Nam của huyện để thành huyện Hương Khê sau này. Như vậy, thời đó Hương Sơn chỉ còn 5 tổng, gồm Đỗ Xá, Hữu Bằng, An Ấp, Dị Ốc và Thổ Hoàng.

Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả Hương Sơn như sau: Huyện Hương Sơn cách Phủ Đức Thọ về phía Tây khoảng 11 dặm. Phía Bắc giáp huyện Thanh Chương độ 18 dặm… Nhà nghiên cứu vùng đất Hà Tĩnh là một người Pháp, ông Roland Bulateau trong cuốn sách La province de Hatinh mô tả: Hà Tĩnh là tỉnh nhỏ, trước thuộc Nghệ An, mới tái lập vào năm 1875. Trước đó, vào năm 1831 tức năm Minh Mạng thứ 12 trấn Nghệ An chia làm hai tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh. Vậy là Hà Tĩnh được khai sinh vào năm 1831.

Năm 1976, Hà Tĩnh và Nghệ An nhập lại thành một tỉnh, lấy tên là Nghệ Tĩnh.Tháng 9 năm 1991, Nghệ Tĩnh lại tách ra để hai tỉnh trở về địa danh như cũ. (trong khi dân gian vẫn thường gọi người thuộc hai tỉnh là dân xứ Nghệ).

Núi Nầm Sông Phố

Với Hương Sơn, theo nhà nghiên cứu Roland  Bulateau là vùng đất đẹp nằm sát dãy Trường Sơn hùng vĩ vốn nhiều rừng rậm, đồi núi và ruộng đồng hay thung lũng đan xen. Bởi thế vùng này đất đai màu mỡ, dân chúng giàu có, phong cảnh hữu tình. Núi Đại Hàm (Mồng Gà) “hậu duệ” của núi Giăng Màn là ngọn núi cao nhất nằm giữa sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố, nay là các xã Sơn Long, Sơn Trà.  Núi Nầm (rú Vằng) ở làng Tiên Bì nay thuộc xã Sơn Thủy được coi là kho vàng (?) còn trẻ. Núi mang dấu ấn lịch sử là núi Hoa Bảy còn gọi là Thất Hoa Sơn hay Động Hoa Tiên thuộc làng Phúc Đậu, nay là xã Sơn Phúc.  Nơi đây là đại bản doanh của Nghĩa quân Cốc Sơn của người anh hùng dân tộc Nguyễn Tuấn Thiện, về sau gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Nơi này cũng như ở thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn (xã Sơn Tân) vua Lê và Nguyễn Trãi đã từng in dấu chân, tắm nước sông Ngàn Phố hay thưởng thức quả thị chín, thơm ở làng Phúc Đậu. Cây thị này đã có trên 7 thế kỷ.

Núi Thiên Nhẫn (xã Sơn Tân) là một huyền thoại đất và người. Núi này có 999 ngọn (mỏm) nhấp nhô, kéo dài  như đàn ngựa tóc bờm phi nước đại trong gió ngàn vốn chạy từ xóm Bích Triều (huyện Thanh Chương) bên Nghệ về dọc sông Ngàn Phố như một bức tranh có sông, có núi phân chia hai huyên Nam Đàn và Hương Sơn giàu tình non nước và truyền thống cách mạng.

Hễ ai đã có một lần, một lần thôi khi đến chiêm ngưỡng Thiên Nhẫn (núi trời) cũng phải phục lăn sự tài ba của Lê lợi và Nguyễn Trãi khi cả hai vị chọn nơi này xây thành lũy chống giặc Minh đến từ phương Bắc với cái tên Lục Niên. Đỉnh cao nhất là 254 mét, truông thành cao 178 mét. Thành cao, trời rộng, nước sâu cộng với  những bộ ốc thông minh, sáng tạo, kiên trinh như thế liệu có kẻ thù nào thời đó làm chủ được, thành Lục Niên ứng với 6 năm ròng nghĩa quân nhà Lê từ xứ Thanh vào đây giải phóng nước non, bờ cõi. Không xa Lục Niên, có đền thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, con người uyên bác được vua Quang Trung – Nguyễn Huệ mời đích danh làm cố vấn cao cấp.

Thời Văn Lang, kế đó là mười thế kỷ Bắc thuộc người phương Bắc, đất Phổ Dương, Thổ Hoàng, sau đổi là Hương Sơn đã có khoảng 12-13 làng cổ, được gọi là kẻ. Kẻ tương đương với làng, đồng nghĩa với làng sau này. Đó là những cộng đồng như:  Kẻ Mui, Kẻ Tàng, Kẻ Ác, Kẻ De, Kẻ Quát hay Kẻ Mõ, Kẻ Động, Kẻ E, Kẻ Sét… trong khi vùng thượng Hương Sơn như Kim Cương, Hà Tân, Voi bổ lại không hề có kẻ. Điều đó nói lên cộng đồng dân cư thường hay lập nghiệp ở gần chân núi hay dọc đôi bờ sông Ngàn Phố dựa theo kinh nghiệm sống của dân gian “Nhất cận thủy, nhì cận sơn”.

Ngàn Phố hay là Phố Giang bắt nguồn từ núi Đột Cốt nằm trên biên giới Việt – Lào qua vùng nước Sốt (nước nóng) nay là nhà máy làm ra nước uống như dạng La vi, qua vùng Quát nơi có Hải Thượng Lãn Ông nổi tiếng rồi qua Choi để đưa nước về Ngã Ba Tuần (Tam Soa) hợp thành dòng sông La trước khi nối với biển Đông ở Cửa Hội.

Sông là thế, núi là thế. Còn đường có lẽ nào lại quên con đường số 8 liệt oanh cả xưa và nay. Nó như giải lụa đào xuyên suốt chiều dọc của Hương Sơn, chạy song song với sông Ngàn Phố yểu điệu, nước xanh trong tựa mắt ngọc.

Còn một con đường nữa, con đường huyền thoại thời cận đại và hiện đại. Đó là  đường mòn ngày xưa nay là đường chiến lược, đường xuyên Việt mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, khởi nguồn từ Cao Bằng qua Ninh Bình, Thanh Hóa và khi về đất Hà Tĩnh là đường qua Hương Sơn, qua Phố Châu để hướng vào các tỉnh phía Nam. Đường mòn xưa nay là đại lộ xuyên Việt mang tên Bác Hồ kính yêu vốn có bề dày lịch sử không thể nào quên. Thời Lê Lợi chống giặc Minh; thời  Lê Duy Mật chống Trịnh; thời vua Hàm Nghi và Phan Đình Phùng, Cao Thắng chống Pháp đều tận dụng con đường huyết mạch này để làm nên chiến thắng mọi kẻ thù. Thời đại Hồ Chí Minh với ba nghìn ngày chống Pháp, ngót 7.000 ngày chống Mỹ, vị chi là 10.665 ngày đêm trên mọi nẻo của con đường này “quân đi như là đất rung”.

Năm tháng trôi đi, và con người cũng dần khôn lên, ma quái hơn để rồi hình thành, tạo dựng một nền văn hoá ẩm thực mang đặc trưng nương rẫy gắn với văn hoá cầm đũa từ đồng bằng sông Hồng tràn vào. Lối hát dặm, đò đưa của cư dân thuyền chài, của dân làng chơi, buôn bán hình thành, phát triển, bổ trợ cho nhau làm giàu thêm, đẹp thêm, mượt mà thêm dòng Ngàn Phố thân yêu. Có lẽ, hồn của sông, của núi, của thơ ca, nhạc họa nơi Hương Sơn, Ngàn Phố là từ đó chăng ?

Tương tự, một số cư dân của vài ba dòng họ từ một số tỉnh, thành ngoài Bắc di cư vào Nghệ, vượt qua Truông Mèn, Thiên Nhẫn…sang đất Hương Sơn, chẳng hạn như họ Tống Trần hay họ Nguyễn Khắc … Có tài liệu nói họ Đinh Nho có hậu duệ Đinh Tiên Hoàng nổi tiếng thời Cờ Lau là cư dân từ đất Cờ Lau, cố đô Ninh Bình di cư vào xứ Nghệ, vượt sông Lam, sông La tiến sát Đèo Ngang  nơi “cỏ cây chen lá đá chen hoa”.

Hương Sơn có diện tích 1.057 km2 với 127.000 dân với mật độ khoảng  120 người /km2.Trước giảm tô, cải cách ruộng đất (1954-1955) huyện có 15 xã, sau chia thành 29 xã và 2 thị trấn.

Đi xây Đời mới

Từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhất là sau cuộc cách mạng công nông long trời, lở đất vào tháng Tám năm 1945,  lịch sử vùng đất Hương Sơn thực sự sang trang mới với nền cộng hoà, dân chủ để ngày nay chung lưng đấu cật xây dựng cuộc đời mới – cuộc đời đi lên CNXH và hội nhập cộng đồng quốc tế như Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Bác Hồ ngàn vạn lần kính yêu từng nói, “Chủ nghĩa yêu nước gắn với chủ nghĩa xã hội”. Đó là sức mạnh của thời đại mới, tạo nên nước Việt Nam mới chỉ có trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, bất tử.

Cuộc trường chinh thời 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược đến hơn hai thập kỷ chống Mỹ cứu nước, người Hương Sơn từ già chí trẻ, bất phân tôn giáo, chính kiến xã hội một lòng kiên trinh, xả thân, cống hiến sức người, sức của và cả máu xương là thứ báu vật, thiêng của mỗi cuộc đời để góp phần xây dựng, bảo vệ non sông xứ sở yêu dấu của mình.  Cuộc chiến ba nghìn ngày này đã có 465 người con ưu tú của Hương Sơn đã ngả mình ngoài mặt trận. Nếu như thời 9 năm gươm khua, đạn nổ, Hương Sơn là vùng tự do nuôi kháng chiến. Xưởng in tiền, in bạc về đóng ở Thịnh Văn; xưởng quân giới chuyên đúc súng đạn mang tên Hà Huy Tập về dựng cơ đồ ở gần lạch Choi; xưởng Hoàng Văn Thụ về xã Kim Hoa; trường Thiếu sinh quân về Phố Châu, Phúc Dương. Chưa hết, Hương Sơn là vùng tự do nuôi bộ đội Cụ Hồ “thư giãn” trước và sau mỗi đợt chiến dịch sống mái với kẻ thù ở trong Nam hay bên Lào – đất của người anh em mà nhiều năm trời dân ta vốn quen “hạt gạo cắn  đôi, cọng rau bẻ nửa”.

Thời chống Mỹ – cuộc đối đầu không khoan nhượng với chủ nghĩa thực dân mới binh hùng, tướng mạnh lại cực kỳ xảo quyệt, biến Nghệ – Tĩnh nói chung, Hương Sơn nói riêng gần như suốt ngày chí đêm bom rền, nhà cháy, đường 8 bị cày xới, bom bi phá nát cả chuồng gà, chuồng trâu, trại hươu…của dân cày vốn dĩ quanh năm sống cuộc đời lam lũ một nắng và mấy mùa sương. Các xã Sơn Tân, Sơn Châu, Sơn Bình, Sơn Mỹ, Sơn Hòa, Sơn Lễ, Sơn Phúc, Sơn Kim, Sơn Bằng… là những địa danh bị bom đạn của kẻ thù chà xát nhiều lần cả trong chống Pháp lẫn chống Mỹ. Đó là chưa nói đến thiên tai thật ghê gớm, điển hình là hai trận lũ quét thuộc loại siêu tràn về trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI.

Kỳ lạ thay, người Việt mình, người Hương Sơn mình bất luận thời nào, đói no, khoai, cơm vẫn một lòng kiên trinh với cách mạng, sản xuất và chiến đấu, học hành và hát ca, yêu thương và sinh con đẻ cái… Bởi thế, thời nào cũng có anh hùng, tập thể anh hùng. Đó là vùng đất địa linh nhân kiệt hoà cùng thơ ca.

Hương Sơn là huyện anh hùng, 8 xã: Sơn Kim, Sơn Diệm, Sơn Châu, Sơn Bằng, Sơn Phố, Sơn Long cùng Lâm trường Hương Sơn và Đồn Công an vũ trang số 93 là những tập thể anh hùng của lực lượng vũ trang Việt Nam. Tự hào thay, thế kỷ 15 ở làng Phúc Đậu (xã Sơn Phúc) có người anh hùng nông dân Nguyễn Tuấn Thiện lập đội quân Cốc Sơn tại rú Hoa Bảy, phối hợp với nghĩa quân Lê Lợi từ xứ Thanh vào, đánh thắng quân nhà Minh trong trận Khuất Giang (vực rú Trụn năm trên trục đường 8) giải phóng toàn huyện Đỗ Gia – Hương Sơn và một vùng rộng lớn của Nghệ – Tĩnh – Bình.  Cũng ở làng Phúc Đậu vào thế kỷ 17- thời Vua Lê Cảnh Hưng phong tướng cho Nguyễn Thuỳ là người nông dân có công giữ gìn an ninh làng xóm của một vạn hộ dân Phúc Dương. Trước khởi nghĩa Tháng Tám 1945, Hồ Hảo, một đảng viên Cộng sản – Bí thư huyện uỷ Hương Sơn là người nông dân theo gương Phan Đình Phùng, Cao Thắng… giương cao ngọn cờ chống thực dân Pháp và bọn địa chủ phong kiến đè nén người Hương Sơn trong đêm dài tăm tối, nô lệ…

Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ lâu có một đường phố đẹp nằm ở quận 3 (một trong 2 quận trung tâm của Sài Gòn) mang tên Lý Chính Thắng. Đó là một trong những người có công với dân, với nước. Tên cúng cơm của ông là Nguyễn Đắc Huỳnh, người xã Sơn Lễ vào hoạt động cách mạng ở miền Nam; trong đó công lớn là sáng lập Tổng Công đoàn Nam Bộ rồi giữ chức Tổng Thư ký của Tổ chức này. Lý Chính Thắng là liệt sĩ có trái tim nóng bỏng đã ngừng đậpvào ngày 30-9-1946 trong trận chiến ác liệt tại An Phú Đông của Sài Gòn- Gia Định. Có lẽ, Hồ Hảo và Lý Chính Thắng là những liệt sĩ đầu tiên của Hương Sơn? Máu của trên 1.000 liệt sỹ vốn là con em Hương Sơn đổ xuống trong ba thập kỷ trận mạc, đã góp phần tô thắm lá cờ đỏ sao vàng của Tổ Quốc như Bác Hồ kính yêu đã nói. Tổ quốc, quê hương và tất thảy chúng ta không bao giờ được quên điều đó, bởi vì họ đã chết, họ đã hiến dâng để chúng ta sống trong thương nhau, đùm bọc của nghĩa đồng bào, tình anh em, đồng chí…

Toàn cảnh thị trấn Phố Châu

Hy vọng, rồi đây Thị trấn Phố Châu sẽ thành thị xã. Xa hơn, Phố Châu sẽ là thành phố trãi dài đôi bờ Ngàn Phố. Ngày đó đường phố ta sẽ rộng thênh thang, “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”.  Đến ngày đó, các công trình kiến trức to đẹp in bóng sông Ngàn, và tất nhiên ta có đầy quỹ đất để đặt tên các con đường của thành phố Phố Châu mang tên danh lam thắng cảnh, tên của các bậc tiền bối quê “choa”, tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, tên của Tuệ Tĩnh,  Hải Thượng Lãn Ông…

Tổ quốc mến yêu, núi rừng, sông suối, đồi chè xanh, ruộng lúa, nương ngô đất Hương Sơn anh hùng mãi mãi kính trọng, đời đời tri ân 39 Bà mẹ Việt Nam anh hùng thuộc các xã của Hương Sơn đã tự nguyện gửi những người con trai, con gái thân yêu và quý nhất của mình ra mặt trận trong những năm giặc dã và họ mãi mãi ra đi không bao giờ trở về. Thế là núi rừng quê ta có thêm không ít những hòn vọng phu của ba thập kỷ trận mạc; để lại sau mái tranh nghèo không ít những người Mẹ mất con, những thiếu phụ mất chồng khi họ vừa tròn tuổi đôi mươi, thậm chí cả những thiếu phụ vừa tuổi trăng tròn lẻ.

Tổ quốc ơi, thế gian này có đâu như đất của con Hồng cháu Lạc. Mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, ta gọi là đồng bào – một cụm từ tượng trưng cho sự thiêng liêng gắn kết giữa người và người, giữa làng và xóm… Bởi thế, trong hạnh phúc, trong đau thương, những Mẹ VNAH  và hết thảy người Hương Sơn một lòng, một dạ hiến dâng bất cứ thứ gì họ có, nếu Tổ quốc, quê hương vẫy gọi. Đó là chủ nghĩa nhân văn vốn ắp đầy xưa cũng như nay trong trái tim, trong khối óc, trong tâm hồn và dòng máu của mỗi người dân Hương Sơn, dù họ ở nơi quê nhà hay xa xứ đó đây.

Tam nông

Cùng với cả nước, Đảng bộ, Chính quyên và nhân dân Hương Sơn đã, đang tiến hành cuộc cách mạng gồm 3 chữ nông (tam nông) phấn đấu để nông dân, nông thôn và nông nghiệp nghiệp phát triển, đặng có cuộc sống ngày một tốt đẹp, ấm no, tình thương tràn trề bằng chính sức ta, lực ta, trí tuệ của ta. Ai đó trăn trở, quê hương đã qua 69 năm cách mạng rồi, nhưng xem ra còn quá nhiều việc phải làm để nhanh chóng hết phận nghèo. Âu đó cũng là điều chính đáng. Nhưng làm gì, làm thế nào, bao giờ làm, ai làm… là việc không hề đơn giản.

Hương Sơn  đất rộng nhưng  80% là diện tích rừng (700. 000 ha). Vậy là đất trồng lúa, khoai… chỉ có 20% hay là 20.000 ha là quá ít, trong khi nền kinh tế tri thức, khoa học và công nghệ chưa có mặt ở đây đúng nghĩa của nó. Hy vong cuộc cách tân tam nông sẽ làm được một cái gì đó để miền đất Hương Sơn trở nên giàu đẹp đúng nghĩa của vùng đất trời cho.

Năm  Giáp Ngọ – 2014 một năm đầy khó khăn, thách thức đã gần khép lại. trận lũ sau cơn bão11 đã qua đi.  Nhưng thành tựu xây dựng, phát triển mọi mặt của Hương Sơn không nhỏ. Đó là niềm tự hào của tất cả những ai có tình và trân trọng Hương Sơn.

Mùa Xuân Ất Mùi – 2015 sắp đã về.  Đó là thời điểm Hương Sơn vừa tròn tuổi 545 năm dựng nghiệp. Vậy chỉ còn 5 năm nữa thôi, năm 2019 Hương Sơn yêu dấu- địa linh nhan kiệt sẽ tròn 550 tuổi. Gió rừng Cầu Treo, sóng nước Ngàn Phố, bãi ngô , vườn chè Sơn Lễ, Sơn Châu, Sơn Bình… tỏa nắng mai như đang làm đẹp, tự tin vững chãi trong đi lên, phát triển bền vững của Đảng bộ, Chính quyền Hương Sơn bởi cuộc trường chinh xây dựng nông thôn mới đầy hứa hẹn đan xen thách thức.

Ngày cận kề Tết Ất Mùi – 2015.                                            

Nguyễn Xuân Lương 

HƯƠNG SƠN – NGÀN PHỐ: VÙNG ĐẤT VĂN HÓA THI THƯ .

  Từ khóa: xưa nay , Hương Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP