Trời sáng, ông Phước vẫn không thấy bà Mai về như mọi ngày để lấy xe đạp chở cháu đi học. Vừa lúc ấy, nghe người làng gọi lớn báo tin “bà Mai bị nước cuốn trôi rồi” thì ông Phước thả dép hoảng hốt chạy bộ theo bờ cát, ngược lên phía dòng sông. Ở nơi ấy, ông thấy chiếc nốc của nhà mình đang trôi như chiếc lá giữa dòng, còn bóng dáng quen thuộc của bà Mai thì không thấy đâu.
Ông Võ Văn Đức, chủ tịch UBND xã Sơn Giang, nhìn về phía cầu Tràn kể lại: “Khi nghe anh Hòa bán quán bên bờ sông báo tin có người chết đuối, tôi chạy ra ngay. Anh Hòa bảo lúc 6g30 thấy một người ngụp lặn dưới sông mà không biết người ấy làm gì, đến khi thấy chiếc nốc không người chèo của bà Mai trôi ra khỏi gầm cầu Tràn mới đoán bà bị trôi”. Việc đầu tiên ông Đức làm là hướng dẫn người ra cắm cọc tại vị trí bà Mai bị chìm, rồi cử người đi mua một can nước mắm cho mười người dân chài uống để lặn xuống dòng sông giá rét tìm thi thể bà Mai.
Trong mười thợ lặn đó có ba con trai của bà Mai là Nguyễn Văn Ái, Nguyễn Văn Quốc, Nguyễn Văn Bộ. Do bố mẹ một đời làm nghề sông nước nên ba anh em Ái cũng theo nghề này nhưng đây là lần đầu tiên họ lặn xuống sông tìm người chết đuối, mà người đó lại là mẹ mình. Ái kể: “Trời và nước lạnh buốt, lặn chạm đáy sông ít phút là phải đạp chân đẩy người lên vì toàn thân tê cóng. Khúc sông rộng hơn trăm mét, sâu chừng 5m nên phải liên tục ngoi lên lấy sức để lặn tiếp. Ba anh em bàn nhau chia ba hướng xung quanh cái cọc đã được định vị để ngụp lặn tận đáy nhưng vẫn không thấy thi thể mẹ. Quần nát dòng sông suốt buổi sáng hôm đó, cuối cùng người đẩy thi thể bà Mai lên khỏi mặt nước chính là người cháu ruột của bà tên Nguyễn Văn Huyên.
Tại ngôi nhà nghèo của bà Mai, tôi gặp con út của bà là Lan đang học lớp 7. Lan vừa khóc vừa nói: “Đêm nào mẹ cũng ngủ với con, đến tầm 4g sáng thì mẹ dậy đi thả lưới, 6g bắt đầu “lận” lưới (lần từng mắt lưới để lấy cá) nhưng không hiểu sao hôm đó mẹ lại đi sớm thế. Do sông ít cá nên lưới của mẹ chỉ dính toàn cá bù, cá diệc và cá lấn cấn. Bữa nào được ít thì đem về nhà ăn, may mắn lắm mới kiếm được vài ký mang lên chợ Phố Châu bán được 40.000-50.000 đồng. Mẹ cứ chắt bóp hằng ngày như thế cho con đi học. Giờ mẹ lâm nạn chắc con phải nghỉ học”.
Một người con trai của bà Mai nói: “Cả đời mẹ làm nghề lưới nhưng do nhà chỉ có một chiếc nốc nên cháu phải đi kéo lưới thuê chỗ khác. Mấy năm nay cha đau ốm nên mẹ càng nóng ruột xoay xở kiếm tiền lo thuốc thang cho cha, trời rét mấy mẹ cũng xuống sông đi lưới một mình từ mờ sáng. Nếu đi lưới có hai người thì chưa chắc mẹ đã bị nước cuốn trôi”.
Hôm đưa thi thể bà Mai về nhà, những đứa con của bà kéo chiếc nốc về bến sông, trên nốc chưa có một con cá nào.
VŨ TOÀN – GIA BẢO