Cần Giúp Đỡ

Hương Sơn: Mất sức 78% nhưng chưa được hưởng chế độ bệnh binh

19 năm công tác trong ngành dược liệu tại Cục sản xuất kinh tế hậu cần (Tổng cục Hậu cần) với vai trò là công nhân quốc phòng, bà Phan Thị Mong (Sơn Phú, Hương Sơn, Hà Tĩnh) mỏi mòn làm chế độ nhiều năm nhưng vẫn không có hồi âm.

Bà Phan Thị Mong đang chờ sự hướng dẫn và văn bản trả lời của cơ quan chức năng liên quan đến trường hợp của bà. Ảnh: TG
Bà Phan Thị Mong đang chờ sự hướng dẫn và văn bản trả lời của cơ quan chức năng liên quan đến trường hợp của bà. Ảnh: TG

Không cơ quan nào hồi âm(?)

Theo bà Phan Thị Mong (SN 1960) năm 1978 bà được tuyển vào làm công nhân quốc phòng tại Trạm dược liệu 2, Cục quân y, Tổng cục Hậu cần. Năm 1979-1980 bà được cử đi học dược tá tại tỉnh Thanh Hóa và sau đó về công tác tại Trạm dược liệu 2 cho đến khi được nghỉ việc mất sức để hưởng chế độ bảo hiểm vào tháng 11/1997. Quyết định nghỉ việc mất sức để hưởng bảo hiểm của bà do Đại tá Nguyễn Hữu Hảo, Phó Cục trưởng, Cục sản xuất Kinh tế – Hậu cần ký ngày 1/11/1997. Theo quyết định này thì chế độ bảo hiểm của bà Mong do Bảo hiểm xã hội Quân đội giải quyết. Trước đó, ngày 10/12/1996, Trạm dược liệu 2 đã cấp cho bà Mong giấy chứng nhận bệnh tật số 01. Theo đó, bà Mong mắc các chứng bệnh liên quan đến dạ dày, ruột, bệnh tim, bán tắc ruột sau mổ đẻ, di chứng cột sống do lao động nặng.

Trước tình trạng bệnh tật nêu trên, ngày 14/12/1996, viện Quân y IV đã thành lập hội đồng giám định y khoa để giám định bệnh tật của bà Mong. Kết quả khám tại đây ghi nhận, bà Mong bị dính ruột, đau bụng thường xuyên ảnh hưởng đến tiêu hóa và sức khỏe; Hở van 2 lá, suy tim độ 2; U nang buồng trứng. Với kết quả khám nêu trên, căn cứ vào tiêu chuẩn bệnh tật quy định tại thông tư liên tịch số 12/TT-LB ngày 26/7/1995 của liên Bộ Y tế – LĐ,TB&XH, Hội đồng giám định y khoa viện Quân y IV kết luận bà Phan Thị Mong có tỉ lệ mất sức là 78%. Bà Phan Thị Mong cho biết, với tỉ lệ mất sức nêu trên, theo quy định cũ, bà đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần vào ngày 1/11/1997 do bảo hiểm xã hội quân đội chi trả. Bà Mong cho rằng, khi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được ban hành năm 2005 và các nghị định sau đó hướng dẫn thi hành pháp lệnh này thì bà nằm trong trường hợp đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận bệnh binh và hưởng chế độ bệnh binh. Tuy nhiên, sau nhiều năm trời, bà và chồng bà đã hoàn thành các thủ tục liên quan nhưng đến nay bà vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào liên quan từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Huyện đội kiến nghị xem xét giải quyết

Theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên khi xuất ngũ về gia đình được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận bệnh binh” thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; Hoạt động ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ ba năm trở lên; Hoạt động ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chưa đủ ba năm nhưng đã có đủ mười năm trở lên công tác trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; Đã công tác trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đủ mười lăm năm nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí; Làm nghĩa vụ quốc tế; Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh”.

Còn theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/1/2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, điều 31 quy định điều kiện xác nhận người bị mắc bệnh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là bệnh binh: “Đã có đủ 15 năm công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân nhưng không đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí”. Bà Mong cho biết, đối chiếu với các quy định nêu trên cho thấy bà đã có đủ 19 năm công tác trong quân đội, có giấy chứng nhận bệnh tật là 78% và không đủ thời gian để hưởng hưu trí thì sẽ được xem xét xác nhận là bệnh binh và hưởng chế độ bệnh binh.

“Năm 2011, tôi và chồng tôi đã làm các thủ tục gửi cơ quan chức năng địa phương để được hưởng chế độ bệnh binh. Ngày 15/7/2011, Thượng tá Nguyễn Văn Thảo, Thủ trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Hương Sơn đã ký công văn số 385/CV gửi Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh về việc bổ sung hồ sơ truy lĩnh trợ cấp bệnh tật cho tôi” – bà Mong cho biết. Văn bản này được gửi kèm theo đơn đề nghị, giấy chứng nhận bệnh tật, biên bản giám định bệnh tật của bà Mong. Với văn bản này, bà Mong và gia đình những tưởng sẽ được xem xét giải quyết chế độ, vậy nhưng, đến nay, sau nhiều năm chờ đợi, bà Mong vẫn chưa nhận được hồi âm liên quan.

Minh Anh

BÀI MỚI ĐĂNG