Thầy Trần Trọng Bình, hiệu trưởng Trường THCS Bằng Phúc (xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn), nói nhà trường quyết tâm không để học sinh gián đoạn việc học do lũ, nhưng để học sinh đến trường trở lại sau lũ quả là một việc khó khăn.
Em Uông Trọng Bình, lớp 6A Trường THCS Bằng Phúc, là một trong 256 học sinh khó khăn của xã Sơn Phúc vừa được nhận quà và tiền từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ hỗ trợ. Bình kể: nhà em có bốn anh chị em, hai chị gái lớn đang học ĐH, trung cấp trên Hà Nội. Chị gái thứ ba (15 tuổi) đang học cấp III trường huyện. Bình là út, thay bố làm người đàn ông duy nhất trong nhà, vì ngay trước trận lũ 20 ngày bố Bình đã qua đời. Lũ về, gà vịt trôi theo lũ, rau màu chìm ngập chết thối, giờ mấy mẹ con chỉ trông chờ vào 2 sào chè trồng trên đồi. Bình rụt rè bày tỏ: “Từ lúc bố còn sống và cả mẹ bây giờ đều luôn nhắc: không được nghỉ học, phải học để mai này ấm vào thân. Em rất muốn học, rất muốn đến trường nhưng lũ về, nhà em chẳng còn cái gì nữa. Giờ mình mẹ nuôi bốn chị em học hành rất cực nhọc. Em chưa biết mình sẽ học như thế nào nữa…”.
Tương tự trường hợp của Bình là trường hợp của học trò nghèo Nguyễn Đình Phúc (lớp 8 Trường THCS Bằng Phúc). Ba năm trước bố Phúc, một người tâm thần, đã “ra đi”, để lại cho người vợ (mẹ Phúc, hiện 49 tuổi) bố mẹ già, con thơ và người em ruột (28 tuổi) bị bệnh tâm thần và bại liệt.
Mời chúng tôi vào nhà, ngôi nhà xiêu vẹo ván gỗ, nền đất vẫn còn loét nhoét nước, chị Hà Thị Thi (mẹ Phúc) ái ngại khi trong nhà chỉ có mỗi cái bàn nhỏ cũ kỹ, ẩm mốc với cái ghế ướt nhoẹt sau lũ, nước uống cũng không có. Chị Thi nói như phân trần: “Nước lũ tràn vào giếng, giờ nước rút đi thì nước giếng vẫn đục bẩn, muốn dùng phải có phèn chua, thuốc khử trùng, nên vẫn phải đi xin nước về dùng. Nhà chỉ được chia 7 sào ruộng, nhưng 3 sào trong đó chỉ trồng đậu phộng nên quanh năm thiếu ăn. Khi bố hắn còn sống, những lúc tỉnh vẫn nói mong con được đi học. Người trọng bệnh còn nghĩ, nói được như thế, chẳng nhẽ người lành lặn như tôi lại không nghĩ ra. Để thằng Phúc đi học bây giờ thì căng cho tôi lắm. Ông bà thì già, chú hắn lại bị liệt, có hắn ở nhà cũng xoay xở đỡ lắm… Nhưng có học vẫn hơn, nhà nghèo lắm thì phải cố thôi”.
Thầy Nguyễn Trường Giang, phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hương Sơn, cho biết gần như tất cả 88 trường học các cấp trên địa bàn huyện (mầm non, tiểu học, THCS và THPT) đều bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 11 và trận lũ lịch sử ngày 16-10. Có đến 50/88 trường học ngập chìm trên 1m nước. Nhiều trường bị tốc mái, đổ tường, đồ dùng học tập, giảng dạy của thầy trò cũng hư hại nặng nề. “Đất miền Trung nghèo khó, người Hương Sơn còn khó khăn thiếu thốn hơn. Lúc này là lúc cần nhất sự hỗ trợ, sẻ chia của xã hội để nâng bước các em đến trường”, thầy Giang bày tỏ.
Ban tổ chức Đêm kết nối yêu thương – tiếp sức học sinh vùng lũ tiếp tục nhận được đóng góp từ các đơn vị và cá nhân: Công ty CP cơ điện lạnh Ree 100 triệu đồng, các văn nghệ sĩ trong chương trình À Ố show đang biểu diễn tại Nhà hát TP.HCM tặng 50 triệu đồng, Câu lạc bộ Thiên Phước ủng hộ 1.200 quyển tập trắng (tương đương 10 triệu đồng), đại biểu Quốc hội – luật sư Trương Trọng Nghĩa: 5 triệu đồng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Minh (phó giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch TP.HCM): 1 triệu đồng và nhiều bạn đọc khác…
Ban tổ chức chương trình rất mong nhận được đóng góp, hưởng ứng của bạn đọc chia sẻ cùng các em học sinh vùng bão lũ miền Trung.P.Đ.
ĐỨC BÌNH – NGUYÊN KHÔI
Tuổi Trẻ