Họ là những TNXP từng đội mưa bom bão đạn để giữ gìn con đường huyết mạch 15A, đường Trường Sơn qua huyện Hương Khê, Hà Tĩnh thời kỳ 1968-1972 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một thời hào hùngTừ thông tin của ông Lê Hải Đăng – Trưởng ban liên lạc Đại đội chủ lực giao thông (ĐĐCLGT) Hương Khê, chúng tôi đã tìm gặp những nhân chứng sống của lực lượng TNXP từ hơn 40 năm trước. Tiếp chúng tôi và những đồng đội cũ, chị Phan Thị Hường (SN 1950) ở thôn Hạ Sơn, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê vẫn chưa quên những năm tháng hào hùng trên tuyến đường lửa từ phà Địa Lợi đến La Khê, Tân Ấp (Quảng Bình).Chị Hường nhớ lại: Năm 1972, lúc đó tròn 22 tuổi, chị tình nguyện tham gia vào ĐĐCLGT Hương Khê, nhận nhiệm vụ san lấp hố bom, thông đường giao thông ở các trọng điểm như Hương Hà, Địa Lợi, Hương Thịnh trên tuyến đường 15A qua huyện Hương Khê. Trẻ, khỏe, nhanh nhẹn, chị được bầu là A trưởng, chỉ huy một tổ 15 nữ TNXP.
Cuối năm 1972, trong một lần đang làm đường thông tuyến ngay gần phà Địa Lợi, máy bay Mỹ đã oanh kích rải bom, 6 người trong tổ của chị Hường chỉ kịp chui vào một chiếc hầm ngay bên đường. Không may trận bom đó đánh trúng hầm chị và các đồng đội trú ẩn khiến 4 người hy sinh (sau này đều đã được công nhận liệt sĩ), gồm: Nguyễn Thị Hồng quê ở xã Hòa Hải; Hồ Thị Đường, Nguyễn Thị Thanh đều ở Phương Mỹ và Lê Thị Tỵ ở xã Hương Giang, huyện Hương Khê; 2 người bị thương là Phan Thị Vân và chị Hường phải vào cấp cứu tại trạm xá. Chứng kiến trận bom ác liệt đó, ông Bạch Đình Độ (72 tuổi) ở xã Hòa Hải, nguyên Bí thư Chi đoàn ĐĐCLGT Hương Khê, thuộc huyện Đoàn Hương Khê, kể lại: Lúc đó là khoảng 12 giờ ngày 15.10.1972, đoạn đường tại ngã ba gần phà Địa Lợi bị tắc. Nhận được lệnh của Chủ tịch UBND huyện lúc đó là Phan Văn Đệ, đơn vị đã cử A trưởng Phan Thị Hường điều tổ của mình làm nhiệm vụ. Sau khi nhận nhiệm vụ, tổ của chị Hường chia ra 2 tốp, một ở phà Địa Lợi, một lên Hương Thịnh (giờ gọi là xã Gia Phố). Trong lúc lực lượng TNXP đang thông đường thì máy bay Mỹ oanh tạc, các chị chạy vào hầm nấp và bị bom thả trúng cửa hầm làm 4 người hy sinh, 2 người bị thương, trong đó có A trưởng Phan Thị Hường… Gió bão đời thường Chị Phan Thị Hường không cầm nổi nước mắt khi kể: Năm 1974, sau khi rời ĐĐCLGT, chị về quê lấy chồng và sinh sống tại xã Hòa Hải. Cuộc sống làm ruộng vất vả nhưng đối với chị, vất vả hơn là phải thường xuyên chịu những cơn đau thần kinh tái phát, hễ động trời là đầu như muốn nổ tung. Gần 10 năm nay, việc ruộng đồng gần như đều trông vào con cái, có những trận đau làm chị nằm bẹp cả tháng trời, tiền bán lúa, bán lạc không đủ tiền mua thuốc. Căn nhà cấp 4 xiêu vẹo từ ngày vợ chồng lấy nhau đến nay không có tiền để sửa lại, các khoản sinh hoạt hàng ngày đều trông chờ vào tiền chế độ nạn nhân chất độc da cam của chồng (chồng chị đi bộ đội về mù cả 2 mắt). Cách đây 3 tháng, chồng chị mất, các chế độ cũng bị cắt hết. “Từ năm 2004 đến nay, tôi nhiều lần làm hồ sơ TNXP nhưng đến nay vẫn không được hưởng chế độ gì” – chị Hường kể. Ông Đinh Hồng Tuyên (SN 1948) ở xóm 8, xã Hương Đô, Hương Khê, cựu TNXP ĐĐCLGT Hương Khê thời kỳ 1966-1969, làm nhiệm vụ thông tuyến từ phà Địa Lợi đến La Khê kể: Sáng 9.7.1968, tôi và đồng đội đang lấp hố bom tại địa điểm cầu Chợ Vạn, nay thuộc xã Gia Phố, thì bị bom lân tinh cháy 2 bàn chân, phải điều trị hơn một tháng. Đến đầu năm 1969, đơn vị giải thể, tôi về quê. Từ 1972 đến năm 1974, tôi phải phẫu thuật cắt bỏ 2 bàn chân 3 lần vì hoại tử do bom lân tinh gây nên… Nói đến đây, ông Tuyên nhổm người kéo chiếc quần dài xuống, chỉ còn trơ lại 2 cùi chân teo tóp. Mắt ông ướt nhoè. Vợ ông Tuyên cũng tham gia TNXP thuộc ĐĐCLGT Hương Khê. Từ ngày rời đơn vị, bệnh tình tái phát, thời gian ông bà ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Mỗi tháng ông bà chắt chiu, bòn góp được khoảng 500.000 đồng từ bán rau, hoa quả trong vườn để sống qua ngày. Năm 2004, ông bà cùng với đồng đội làm hồ sơ xin hưởng chế độ cho TNXP nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận, chưa được hưởng. “Khắt khe và cứng nhắc”Trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Tuệ ở xã Lộc Yên – cựu TNXP thuộc ĐĐCLGT Hương Khê nêu rõ: Đến nay đã có 135 TNXP thuộc ĐĐCLGT Hương Khê được công nhận, được hưởng chế độ như thương binh, còn lại 40 người thì 4 người đã mất, 36 người chưa được thừa nhận vì một số hồ sơ người làm chứng không khớp, có hồ sơ đủ điều kiện nhưng trong quá trình cán bộ Bộ LĐTBXH về rà soát lại thì các đối tượng đang phải đi điều trị tại bệnh viện không về kịp để đối chứng bổ sung. Có 2 hồ sơ đủ điều kiện nhưng do Phòng LĐTBXH huyện ghi sót danh sách gửi lên cấp trên nên không được xét duyệt. Theo cựu TNXP Đinh Hồng Tuyên, “quan điểm xử lý của tổ rà soát hồ sơ rất cứng nhắc và khắt khe với lực lượng TNXP chúng tôi”. Ông Tuyên cho biết thêm: “Sau khi Nhà nước có chính sách đối với TNXP, chúng tôi đã làm hồ sơ và quá trình cống hiến như thế nào, chúng tôi ghi thế. Đặc biệt là về người làm chứng, không chỉ tôi mà rất nhiều đồng đội đều ghi hồ sơ người làm chứng là A trưởng Trần Đình Bá và ông Trần Thanh Tự vừa là cán bộ Phòng giao thông huyện vừa thuộc ĐĐCLGT Hương Khê cùng ăn ở, trực tiếp chỉ huy hiện trường thông đường với chúng tôi. Nhưng trong quá trình làm hồ sơ lý lịch cá nhân, ông Bá và ông Tự ghi là cán bộ Phòng Giao thông huyện Hương Khê mà không ghi cụ thể là cán bộ phòng phụ trách và trực tiếp chỉ huy hiện trường ĐĐCLGT Hương Khê, nên qua rà soát, tổ thẩm định không chấp nhận và họ không cho chúng tôi sửa lại người làm chứng”.
Ông Phan Văn Đệ- nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Hương Khê cho biết: “Tôi rất đau lòng vì anh em cùng là lực lượng TNXP với nhau, cùng ăn ở, chiến đấu nhưng làm hồ sơ thì người được, người không”. Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Bùi Ngọc Du – Phó phòng LĐTBXH huyện Hương Khê cho hay: Thực tế thì tất cả các trường hợp này đều tham gia TNXP thuộc ĐĐCLGT Hương Khê, nhưng do trong quá trình làm hồ sơ, các đối tượng khai không khớp nên không được chấp nhận. Bà Lê Thị Thu – Trưởng phòng Người có công thuộc Sở LĐTBXH Hà Tĩnh cho biết: Các đối tượng đã được Bộ về giải quyết từ năm 2009-2010, đây là dạng hồ sơ tồn đọng giải quyết xong một lần, những hồ sơ nào không được thì đã trả cho các đối tượng. Từ năm 2010, tỉnh đã có văn bản cuối cùng dừng giải quyết về các đối tượng này.
Hữu Anh
Dân Việt