Điểm đầu hệ thống kênh mương chìm được nâng cấp nằm trơ trọi giữa bãi đất nhưng không được đấu nối với đập Ông Đọn. |
Nguyên nhân đơn giản chỉ là toàn bộ hệ thống kênh mương dài khoảng 1 km, nhưng nhà thầu chỉ thi công 640m ở giữa mà không thực hiện đấu nối đầu vào (đập lấy nước) và cũng chẳng cần quan tâm đến đầu ra (nước thoát ra ruộng). Không nâng cao được hiệu quả là một lẽ, hệ thống kênh thoát nước được đầu tư hơn 1 tỷ đồng còn bị tắc nghẽn ngay sau ngày hoàn thành, bởi quá trình thi công, đất đá vùi lấp 2 đầu kênh mương, làm ảnh hưởng đến 34 ha đất canh tác của 153 hộ dân thuộc HTX Hưng Châu (Phúc Đồng).
Theo điều tra của chúng tôi, trước khi được nâng cấp, sửa chữa, toàn bộ tuyến mương bằng đất này tồn tại từ nhiều năm nay. Dù không cung cấp thường xuyên lượng nước được lấy từ đập Ông Đọn, nhưng đó là kênh dẫn duy nhất phục vụ 34 ha đất canh tác của các hộ dân.
Theo ông Phan Văn Hồng, người dân xóm 3, xã Phúc Đồng: “Những năm gần đây, hệ thống mương thi thoảng bị tắc do đất đá vùi lấp, nhưng chỉ cần một thao tác nhỏ là nước lại chảy tràn vào ruộng. Tuy nhiên, khi triển khai tuyến QL 15A, chúng tôi khốn đốn suốt một thời gian dài vì kênh mương luôn bị vùi lấp. Mặc dù, kênh mương hoàn thành nhưng nước từ đập không chảy vào kênh vì bị bít đầu nguồn”.
Trưởng thôn 3, xã Phúc Đồng – Trần Văn Tuấn bức xúc: “Khi triển khai thi công cống ngầm, lẽ ra phải tính toán đến các điểm đấu nối để con mương không bị tắc, nhưng họ (chủ đầu tư) lý giải do thiếu vốn nên chỉ làm được 640m. Cách giải thích như vậy theo chúng tôi là thiếu thuyết phục. Bởi, trong quá trình thi công, gia đình ông Đặng Viết Long đã sẵn sàng cho kênh ngầm đi vào vườn để thu hẹp khoảng cách nhưng chủ đầu tư vẫn từ chối”.
“Vì tuyến kênh mương này dài hơn 1 km, nhưng chỉ có 640m nằm trong tuyến QL 15A nên nguồn vốn xây dựng công trình cũng chỉ “gói gọn” trong khoản tiền hoàn trả mặt bằng từ phía đơn vị thi công. Không thể có thêm kinh phí để đấu nối và hoàn thiện từ điểm đầu đến điểm cuối” – Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB tuyến QL 15A Nguyễn Tiến Dũng phân trần.
Về việc người dân tham gia “chia lửa” để giảm bớt chi phí của công trình nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích tập thể, ông Dũng viện dẫn: “Bây giờ họ đồng ý cho cống ngầm chui qua vườn, nhưng nếu sau này họ “trở chứng”, hoặc triển khai xây dựng các công trình khác, buộc phải đập phá cống kênh mương ngầm thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
Có thể chủ đầu tư khước từ thiện chí của người dân vì tính đến hậu quả về lâu dài là cần thiết và dễ hiểu. Tuy nhiên, đầu tư xây hệ thống kênh mương trị giá hơn 1,1 tỷ đồng ở… “khúc giữa” để đất đá bồi lấp cả đầu vào lấy nước lẫn đầu ra, chẳng khác gì chủ đầu tư chặn nguồn nước tưới của 34 ha đất nông nghiệp.
Cứ cho rằng, “tới đây, trách nhiệm về phần việc còn lại thuộc về HTX nông nghiệp Hưng Châu và chính quyền xã Phúc Đồng, nhưng nếu các đơn vị này không có kinh phí và khả năng thực hiện” như lời ông Dũng thì hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước “ném” vào hệ thống cống ngầm không biết nhằm mục đích gì!?
Tệ hại hơn, công trình sau khi được nâng cấp, cải tạo lại lâm vào cảnh… “lợi bất cập hại”, không biết người dân sẽ tưới tiêu như thế nào cho đồng ruộng của mình?
Hoài Nam – Vũ Viễn