Ô tô được giảm hàng loạt thuế, phí
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122 ngày 1/9/2016 và Nghị định số 125/NĐ-CP ngày 16/11/2017.
Chính phủ miễn, giảm hàng loạt thuế phí kích thích ngành ô tô Việt Nam |
Nghị định 57 bổ sung thêm Điều 7b “về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn 2020-2024”.
Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, được áp dụng từ ngày 10/7/2020 và với quy định của Nghị định 125/2017/NĐ-CP các doanh nghiệp phải cam kết đạt sản lượng nhất định mới được quyền hưởng các thuế suất thuế nhập linh kiện 0%
Cụ thể, với xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi lanh từ 2.500 cc trở xuống, doanh nghiệp phải đạt tổng sản lượng sản xuất tối thiểu 8.000 xe vào năm 2018 và nâng dần lên 13.500 xe vào 2022. Với mẫu xe riêng, phải đạt sản lượng tối thiểu 3.000 xe vào năm 2018 và 5.000 xe vào 2022.
Bên cạnh sửa đổi Nghị định 125, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn sau dịch Covid-19, trong đó có giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô trong nước đến hết năm 2020.
Ngoài việc giảm phí trước bạ 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng trong năm 2020, Chính phủ còn cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020; thời gian gia hạn không muộn hơn thời điểm ngày 31/12/2020. Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước.
Như vậy, có thể nói liền một lúc Chính phủ giảm 2 sắc thuế, phí ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất xe hơi và chi phí phải trả thêm cho người mua xe hơi trong nước, điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến thị trường xe Việt.
Hiện, Bộ Công Thương cũng đang đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét loại bỏ một số bất cập về thuế phí bất đối xứng cho xe hơi tại Việt Nam. Trong đó, đề nghị giảm, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt theo % tỷ lệ nội địa hoá xe hơi. Tức là bất kỳ xe ô tô sản xuất ở đâu nếu sử dụng linh phụ kiện sản xuất tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hoá tối thiểu sẽ được miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chí phí giảm, chỉ chờ động thái từ doanh nghiệp xe
Theo mức thuế suất thuế nhập khẩu linh phụ kiện, tuỳ theo loại linh kiện, cụm linh kiện mức thuế nhập linh kiện ô tô của Việt Nam đang áp dụng là từ 25% đến 55% theo mức thuế MFN (tối huệ quốc trong WTO). Các thị trường mà Việt Nam nhập linh kiện, cụm linh kiện lớn nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…
Dù Việt Nam có tham gia các hiệp định FTAs thế hệ mới theo điều kiện mở rộng như ASEAN+1, ASEAN+3 với các nước đối tác trên, song linh kiện, cụm linh kiện, máy khung xe vẫn được quy định là hàng hoá nhạy cảm cao, quy định riêng chưa được hưởng ưu đãi 0%.
Việc được bỏ thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện sẽ tương tự xoá bỏ từ 25% đến 55% chi phí tăng thêm cho sản xuất xe hơi trong nước, cơ sở để giảm chi phí, giá thành, từ đó giảm giá bán lẻ xe hơi.
Hiện, do bất lợi về quy mô và không có hệ sinh thái sản xuất hoàn chỉnh, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải chịu chi phí sản xuất gấp 20% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, nhiều doanh nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước vẫn phụ thuộc nguồn linh kiện nhập khẩu từ 60 - 80% từ nước ngoài, đối với xe con, dường như tỷ lệ này là 90%.
Các thiết bị phải nhập hầu hết là động cơ, cụm linh kiện, hệ thống khung xe, gầm xe, sơn, hệ thống điện… Trong nước chủ yếu chỉ nội địa hoá được hệ thống điện cơ bản, ghế da… Chính vì phải nhập khẩu nhiều, thuế nhập khẩu cao nên chi phí sản xuất xe trong nước bị đội lên, giá thành sản xuất xe lớn, khó cạnh tranh so với nước ngoài.
Từ năm 2020 trở đi, Việt Nam sẽ từng bước phải miễn giảm thuế nhập xe nguyên chiếc theo lộ trình khi tham gia vào CPTPP và EVFTA. Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải miễn giảm, tiến đến xoá bỏ hoàn toàn với xe từ các nước EU như từ Đức, Pháp, Ý hay trong CPTPP là xe của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…
Với mức giảm thuế từ 45 đến 75% tuỳ theo chủng loại xe, chắc chắn xe không thuế từ EU hay từ các nước phát triển sẽ có lợi thế lớn khi Việt Nam bắt buộc phải mở cửa theo quy tắc của các sân chơi thương mại tự do mà mình tham gia.
Trong nước, hiện sức cạnh tranh của các doanh nghiệp bản địa và liên doanh đang tăng dần nhưng các ông lớn vẫn chia nhau thị trường nhỏ hẹp. Năm 2019, Việt Nam chỉ tiêu thụ được hơn 400.000 chiếc, chỉ bằng 1/3 so với mức xe tiêu thụ của Thái Lan, 1/2 của Indonesia.
Các ông lớn như VinFast, Trường Hải, Thành Công, Toyota, Honda, Ford hay Mercedes dù có từng thị trường riêng tại Việt Nam, song vẫn chưa có doanh nghiệp nào xuất khẩu xe ô tô với số lượng lớn ra khu vực và thế giới.
Với việc giảm thuế, phí kể trên, Chính phủ đã tạo cơ hội rất lớn cho ngành sản xuất xe hơi trong nước, gián tiếp giúp các doanh nghiệp xe giảm chi phí, giảm giá để cạnh tranh. Điều duy nhất người tiêu dùng và xã hội chờ đợi chính là liệu việc giảm chi phí này có giúp các doanh nghiệp xe giảm giá nhanh hay không và giảm bao nhiêu để phù hợp với chính sách ưu đãi và từ đó mở rộng thị trường xe.
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân Trí