Văn Hoá Hà Tĩnh

Hướng đi nào cho du lịch Hà Tĩnh?

Với 137 km bờ biển, 43 km đường biên giới liền kề với nước bạn Lào, nhiều di tích danh thắng như bãi biển Thiên Cầm, Xuân Thành, Nam Giới – Quỳnh Viên, Đèo Con, Nước Sốt -Sơn Kim, Ngã Ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, đền Chế Thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, khu lưu niệm Nguyễn Du, khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập,…

Hà Tĩnh không thể gọi là địa phương nghèo về tiềm năng du lịch. Cái khó nhất của du lịch Hà Tĩnh nằm ở hạ tâng yếu kém, thời tiết khí hậu không thuận lợi, sự đầu tư cho du lịch còn quá mỏng. Cái khó làm bó cái khôn nên thu ngân sách từ du lịch còn quá ít ỏi. Nhiều “khoảng trống” trong đầu tư du lịch chưa được lấp đầy…


Khó từ ngã bảy ngã ba khó về


Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của bờ biển cũng như các di tích danh thắng của Hà Tĩnh, gần chục năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp khắp cả nước và trong tỉnh đã đầu tư vào các lĩnh vực của du lịch như: Khách sạn nhà hàng, Resof, trung tâm thương mại-khách sạn, siêu thị, du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch núi và tâm linh… Hiện nay, toàn tỉnh có 140 cơ sở lưu trú, trong đó 1 KS đạt tiêu chuẩn 4 sao, 8 KS đạt tiêu chuẩn 3 sao, 17 KS đạt 2 sao, 19 KS 1 sao, 5 trung tâm lữ hành đã có kết nối tour tuyến với các khu du lịch trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, còn có một hệ thống nhà nghỉ, khu du lịch sinh thái nhỏ với vốn đầu tư từ 5- 7 tỷ đồng phục vụ du khách với mức giá rẻ.


Đã có “sao” rồi nhưng hệ thống khách sạn nhà nghỉ ở Hà Tĩnh vẫn không níu chân du khách được lâu. Chỉ được 4 – 5 tháng dập dìu đối với du lịch biển, còn lại là bão dông triều cường, mưa phùn gió bấc từ tháng 9 đến tháng 3 , thậm chí tháng 4 năm sau. Dễ hiểu vì sao ngày hè, du khách gọi KS nhà hàng ở Thiên Cầm là những “máy chém” với giá phòng ở có khi lên đến 1- 1,5 triệu đồng, giá hải sản đắt gấp đôi những nơi khác. Hà Tĩnh cũng không phải là trung tâm thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Khách lưu lại lâu chủ yếu là người đi công tác dài ngày , con em xa quê vào các dịp lễ tết và công việc gia đinh. Nhưng số này cũng không nhiều và không thường xuyên.


Đã khó khăn do thời tiết và khí hậu, du lịch Hà Tĩnh còn khó khăn về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng. Nằm giữa đoạn eo của “khúc ruột miền Trung”, không gần các trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế lớn, di sản thiên nhiên thế giới, đường đi lối về lại không thuận lợi, Hà Tĩnh dễ dàng bị bỏ qua trong hành trình của du khách. Yêu mến Hà Tĩnh lắm người ta mới về, nhưng sau chuyến hành trình mệt nhọc bằng tàu hỏa hay xông xênh cùng mây gió trên máy bay, xuống Vinh ( Nghệ An), lại phải nối tiếp hành trình 50 km nữa mới về đến nơi. Hà Tĩnh đã không ga tàu hỏa, không sân bay, nhiều tuyến đường lại bị xuống cấp, hư hỏng, nhỏ hẹp như đường 8 (Lên khu du lịch nước Sốt- Sơn Kim), Quốc lộ 15 B (Ba Giang đi Đồng Lộc)… Cũng vì đường sá cách trở nên Công ty du lịch Quỳnh Viên đầu tư 200 tỷ đồng vào hệ thống nhà nghỉ sinh thái ven biển Thạch Hải mấy năm nay bị thua lỗ nặng. Công ty CP Nước khoáng và du lịch Sơn Kim thưa thớt du khách. Nằm trong tình hình chung của một tỉnh nghèo, ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch còn quá ít ỏi.


Muôn bề khó khăn như vậy, cộng thêm suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát ở Việt Nam nên mặc dù còn nhiều “khoảng trống” lớn trong du lịch Hà Tĩnh nhưng các nhà đầu tư cũng ngại ngần. Theo báo cáo của Sở KH &ĐT, từ năm 2003 đên nay, có 15 dự án của các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đăng ký lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng đến nay mới chỉ có 5 doanh nghiệp đã và đang thực hiện là Công ty TNHH Hoàng Ngân, Công ty CP Mai Ngọc, Công ty CP Đầu tư phát triển và du lịch Hồng Lĩnh, Xí nghiệp tư doanh Trường Thọ, Công ty TNHH Tre Nguồn với tổng số vốn gần 338 tỷ đồng.


Trong bộn bề của nhiều công trinh, dự án trọng điểm, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nhiều nơi. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm du khách ngại ngần khi đến với Hà Tĩnh


Chưa ló cái khôn


Khó khăn của ngành “công nghiệp không khói” Hà Tĩnh là điều không ai phủ nhận. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý di tích LSVH cũng chưa tìm hết cách để thu được tiền về cho ngân sách . Du lịch văn hóa tâm linh là thế mạnh của Hà Tĩnh. Những năm gần đây người về với Chùa Hương Tích (Thiên Lộc-Can Lộc) mỗi năm có khoảng 25 đến 30 vạn lượt người. Đây một “điểm nhấn” của du lịch Hà Tĩnh. Công ty cổ phần du lịch Hồng Lĩnh đã đầu tư 120 tỷ đồng vào hệ thống cabin cáp treo, 10 tháng năm 2012 thu về ngân sách nhà nước 5 tỷ đồng.


Di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc trung bình mỗi năm có khoảng 2,5 vạn lượt người. Kế đó là đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, đền Chợ Củi (Hoàng Mười) mỗi năm khoảng 1-1,5 vạn lượt người. Các di tích LSVH khác như Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, Hải Thượng Lãn Ông cũng là những địa chỉ thu hút khá đông du khách. Thế nhưng, du khách sau khi về với các di tích LSVH để chiêm bái lại phải ra đi vì thiêu nơi vui chơi giải trí, ăn nghỉ liên hoàn thuận lợi. Ngoài Chùa Hương ra, do nhiều khu di tích không bán vé ( Ngã Ba Đồng Lộc, đền Chế Thắng phu nhân-Kỳ Anh), tiền công đức và lệ phí không quản lý được (như đền Chợ Củi – Xuân Hồng – Nghi Xuân) nên khoản thu về cho ngân sách là rất ít. 6 tháng đầu năm, toàn ngành nộp ngân sách gần 21,9 tỷ đồng.

Bài 1: Du lịch Hà Tĩnh muôn bề khó

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông đẹp và có giá trị lịch sử văn hóa nhưng đường đi khó khăn đã cản trở bước chân du khách


Một điều không thể không nói đến là sự thiêu chuyên nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Mối quan hệ gắn kết giữa các khu du lịch, di tích LSVH với các khách sạn rất lỏng lẻo. Nhân viên lễ tân nhiều khách sạn hiểu biết ít về các di tích LSVH trong tỉnh để có thể giới thiệu cho khách. Anh Nguyễn Tiến Trình – GĐ TT lữ hành Thành Sen cho biết: “Hiện nay, giữa các khách sạn, nhà hàng và khu du lịch, di tích LSVH với công ty lữ hành chưa thực sự gắn kết nên các công ty lữ hành chưa có điều kiện quảng bá sản phẩm, hình ảnh du lịch Hà Tĩnh.”


Được biết TT Lữ hành Thành Sen đã có kết nối tour, tuyến với Hàn Quốc, Malaixia, Singapor, Lào, Thái Lan, Trung quốc và đang tiến hành kết nối với nhiều nước khác. Công ty du lịch Hà Tĩnh, Mail tour, Tân Hồng…đã có kết nối tua-tuyến ngoại tỉnh và ngoài nước nhưng việc quảng bá của các công ty còn hạn chế nên đã có những người Hà Tĩnh vẫn liên hệ tua ở Nghệ An


50% lao động trong ngành du lịch chưa được qua đào tạo nghề. Một số KS tư nhân hầu như chưa chú trọng đến công tác đào tạo nghiệp vụ khách sạn du lịch cho nhân viên nên chất lượng phục vụ thấp. Nhiều doanh nghiệp biết du lịch biển chỉ mang tính chất thời vụ nhưng vẫn đổ một lượng tiền không nhỏ vào đầu tư khách sạn cao cấp, trong khi đó “khoảng trống” lớn nhất ở Hà Tĩnh hiện nay là du lịch giải trí cho người dân, nhất là thanh thiếu niên. Họ khao khát được vui chơi thuởng ngoạn phong cảnh và thử cảm giác mạnh để có những phút giây sảng khoái sau những ngày học tập, lao động mệt nhọc. Đây là điều mà các doanh nghiệp du lịch ít quan tâm tới.


Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Võ Hồng Hải – Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh nhận định: “Nhìn tổng thể, du lịch Hà Tĩnh phát triển chưa mạnh, nguyên nhân chính nằm ở những khó khăn khách quan về địa lý, thời tiêt khí hậu, cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, không như nhiều địa phương khác, Hà Tĩnh mới làm quen với kinh tế du lịch vài chục năm nay nên kinh nghiệm chưa nhiều. Hiện nay Sở đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; đề án: “Cơ chế chính sách phát triển du lịch” cũng đã hoàn thành chuẩn bị trình HĐND tỉnh. UBND tỉnh đã công bố quy hoạch chi tiết khu văn hóa du lịch Nguyễn Du. Ngành đang trăn trở, tiếp cận với các nguồn lực để tìm hướng đi lên cho du lịch Hà Tĩnh. Trong bối cảnh hiện nay là không dễ nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực.”


Thực tiễn cho thấy phát triển du lịch mang lại lợi ích không chỉ về kinh tế mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ở nhiều tỉnh, ngành “công nghiệp không khói” mang về nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Hà Tĩnh với những hạn chế như đã nói, chúng ta không hy vọng có nguồn thu khổng lồ từ du lịch nhưng cũng mong muốn khai thác hết tiềm năng lợi thế của thiên nhiên và các giá trị văn hóa lịch sử của cha ông để cài thiện đời sống nhân dân và tạo nên một gương mặt Hà Tĩnh với những nét riêng thu hút bạn bè du khách khắp nơi tìm về…


Thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch


Năm 2012, ngành VHTTDL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để đẩy mạnh hợp tác và phát triển du lịch. Một số chuyên gia cho rằng, Hà Tĩnh nên tìm con đường đi riêng cho du lịch không giống với các tỉnh bạn. Con đường của du lịch Hà Tĩnh là du lịch văn hóa, tâm linh và kết nối với du lịch trong nước, khu vực, tận dụng lợi thế của du lịch biển lúc thời tiết tốt. Nhưng dù là loại hình nào thi khi theo tua, tuyến hay các chuyến đi tự phát, du khách cũng cần đuợc đi bằng các phương tiện thuận lợi, trên các con đường thênh thang rộng mở, ít khói bụi.


Hiện nay, cầu Bến Thủy 2 đã thông nhưng khách vẫn phải chen chúc trên con đường 1A chật hẹp. Đường 8, con đường Việt Nam đẹp nhất nay trở thành xấu xí và ổ gà, cản trở bước chân du khách về với khu lưu niệm Trần Phú, Phan Đình Phùng (Đức Thọ) du lịch nước khoáng nóng Sơn Kim, khu di tích Hải Thượng Lãn Ông (Hương Sơn), làm chậm lại lộ trình kết nối tua-tuyến với Lào-Thái. Ông Võ Văn Hiệp – Giám đốc Công ty CP Nước Khoáng và du lịch Sơn Kim cho biết: “Nguồn nước khoáng nóng nguyên chất bơm từ lòng suối lên rất tốt cho sức khỏe con người nhưng thử nghỉ xem, lặn lội mấy chục km qua những con đường gồ ghề để tắm được rồi lại phải trở về trên những con đường đầy bụi và ổ gà, mất hết cả sảng khoái, thử ai còn muốn đi. Mấy năm gần đây, du khách đến với chúng tôi thưa vắng hẳn”


Bài cuối: Hướng đi nào cho du lịch Hà Tĩnh?

Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên không thu hút được khách du lịch do trở ngại về đường đi


Được biết, từ nhiều nguồn vốn, gần đây một số tuyến đường mới mở như đường ven biển Thạch Khê-Vũng Áng, đường Long Sơn đi Mỏ sắt Thạch Khê, các tuyến đường từ TP Hà Tĩnh đi về phía biển tạo cơ hội cho các du khách đến với vùng du lịch Nam Giới-Quỳnh Viên, Thiên Cầm, lễ hội đền Lê Khôi. Nhưng có những cung đường chưa hoàn thành nên việc đi lại của du khách vẫn khó khăn.


Khu du lịch biển Thiên Cầm quy mô vẫn còn nhỏ hẹp, các tuyến đường nội đô vẫn chưa thông thoáng, bãi tha ma nằm ở cửa ngõ ra vào khu du lịch vẫn chưa được di dời. Cần phải có một nguồn vốn không nhỏ để giải quyết những vấn đề này và nếu chỉ trông chờ vào ngân sách tỉnh thì chưa biết đến bao giờ. Được biết, vừa qua UBND tỉnh và Sở VHTTDl đã có buổi làm việc với tổ chức ADB để tìm nguồn vốn từ chương trình phát triển du lịch các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Hy vọng đây là “lối thoát” giúp cho du lịch Hà Tĩnh vượt ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay. Nhưng theo Giám đốc Sở VHTTDL Võ Hồng Hải, cấp ủy chính quyền các địa phương và các ngành liên quan cũng cần tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp trong việc cấp giấy phép hoạt động cũng như công tác giải phóng mặt bằng các dự án để doanh nghiệp yên tâm đầu tư tại Hà Tĩnh.


Tăng cường quảng bá du lịch


Yếu tố không kém phần quan trọng để phát triển du lịch là quảng bá. Hiện nay vấn đề quảng bá du lịch của Hà Tĩnh vẫn còn yếu. Dọc các tuyến đường chính dẫn về các khu di tích vẫn còn thiếu những quảng cáo tấm lớn, những biển dẫn tích với những hình ảnh hấp dẫn mời gọi du khách, nhất là tuyến đường IA dẫn về khu VHDL Nguyễn Du, Ngã Ba Đồng Lộc, đường I A, 8A dẫn về khu di tích Hải Thượng Lãn Ông…


Mặc dầu chùa Hương, đền chợ Củi, đền Chế Thắng phu nhân …là những nơi thu hút đông du khách nhưng hệ thống biển dẫn tích, bia ghi danh chưa phong phú, băng ra-đi-ô phát đi lời giới thiệu có nơi cũng không. Chưa kể là các bài thơ viết về gốc tích, ca ngợi công đức các vị anh hùng rất được ít người biết đên. Chỉ có lời chào mời mua hàng hóa, vàng mã, viết sớ , làm lễ … là nhiều và vang to ở các cổng ra vào, đặc biệt tại là tại đền chợ Củi. Các di chỉ, địa chỉ khảo cố học quý giá như Cồn Sò (Thạch Lạc), 3 khẩu súng thần công thời nhà Nguyễn cùng nhiều hiện vật quý giá vẫn đang nằm im chờ du khách đến viếng thăm.


Bài cuối: Hướng đi nào cho du lịch Hà Tĩnh?

Những khẩu thần công Bảo quốc an dân ở Bảo tàng Hà Tĩnh chưa được nhiều người biết đến


Các thông tin quảng cáo trên mạng Internet bằng nhiều thứ tiếng chưa có. Tại các hội chợ thương mại-du lịch, các doanh nghiệp chưa tận dụng cơ hội để quảng cáo thế mạnh tiềm năng của mình. Các đặc sản biển, đặc sản rừng của Hà Tĩnh như mực, tôm, cá Vũng Áng, Cửa Nhượng, nước mắm Thạch Kim, bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, chè Hà Tĩnh, cu-đơ Cầu Phủ…chưa được nhiều người biết đến. Các trung tâm lữ hành chưa chú trọng tuyên truyền quảng bá, mời gọi du khách bằng hệ thống ca-ta-lo, tờ rơi..tại các khách sạn. Nguồn lực đầu tư cho quảng cáo còn quá ít.


Theo ông Thái Văn Sinh – Giám đốc Trung tâm quảng bá VHTTDL, mỗi năm Trung tâm chỉ được 500-600 triệu đồng để quảng bá du lịch, trong khi đó Nghệ An mỗi năm 2,5 tỷ. Khi các tỉnh bạn đã tham gia hội chợ ở Lào, Thái và Căm pu chia, quảng bá du lịch sang châu Âu thì Hà Tĩnh chưa bao giờ gíám tham gia hội chợ du lịch Sài Gòn, năm 2012 mới chỉ dám đến Quảng Trị, Huế và Thanh Hóa mà thôi. Thời gian tới, tỉnh cần dành một khoản ngân sách đáng kể cho việc quảng bá du lịch. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương cũng như ngành VHTTDL để tăng cường quảng bá, mời gọi du khách về Hà Tĩnh.


Đào tạo nhân lực – vấn đề cấp bách


Nghề chưa nuôi nổi người nên đội ngũ làm nghề tiếp viên, hướng dẫn viên du lịch chưa chú trọng đầu tư chất xám đẻ phục vụ du khách. Đó là một thực tế. Nhưng nhìn từ góc độ khác, chính con người cũng phải nỗ lực tạo ra nghề và tạo ra thương hiệu riêng cho Du lịch Hà Tĩnh. Nếu ai đã từng đến với các khu du lịch ở Ninh Bình, Thành phố Huế, Nha Trang, Củ Chi-Bến Dược v.v sẽ thấy sự đầu tư công phu, niềm say mê nghiên cứu, sự tận tụy hướng dẫn, phục vụ du khách của đội ngũ tiếp viên, hướng dẫn viên ở đây. Các hướng dẫn viên có thể tốt nghiệp các khoa Việt Nam học, khoa Lịch sử, khoa Văn hóa của các trường Đại học nhưng cũng có khi chỉ tốt nghiệp Cao đẳng, trung cấp du lịch. Với họ, khách hàng là thượng đế. Họ không chỉ đưa khách đi, thuyêt minh hướng dẫn về các di tích, cội nguồn các câu chuyện, tình tiết lịch sử, minh họa bài nói bằng các tác phẩm văn học mà còn là người tư vấn để khách được sử dụng các dịch vụ vừa túi tiền, tiện lợi và đảm bảo chất lượng.


Ở Nha Trang, dù là một nhà nghỉ tư nhân, tiếp viên cũng có đủ ca-ta-to, tờ rơi để giới thiệu du khách đi thăm các địa chỉ du lịch. Sự liên kết chặt chẽ đến độ chỉ sau một cuộc điện thoại của lễ tân, du khách đã có vé đi Vinpean hoặc các đảo với giá nguyên gốc. Nếu đi các đảo, đã có xe của công ty du lịch đón và trả tại cửa khách sạn, thuyền của công ty đó đưa xuống bến và trả về bờ, ăn uống trên thuyền công ty lo, giả cả phải chăng. Các hướng dẫn viên vừa là tiếp viên, bồi bàn, lại là các ca sĩ, nhạc công phục vụ du khách. Họ còn phải lo cả chuyện bảo vệ tính mạng cho khách suốt dọc hành trình.


Tính chuyên nghiệp còn thể hiện rõ ở việc công khai giá cả các dịch vụ trên chuyến đi và hướng dẫn viên luôn nhắc nhở để du khách khỏi bị mất tiền oan vào những dịch vụ chất lượng thấp hoặc không cần thiết. Thái độ thân thiện, cởi mở, phong cách phục vụ hết mình, đó là điều mà đội ngũ nhân viên các công ty du lịch, các khu di tích LSVH ở Hà Tĩnh nên học tập. Được biết gần đây Trường Cao đẳng VHNT Nguyễn Du đã đầu tư các thiết bị dạy học và mở nhiều lớp đào tạo nghề du lịch. Tuy vậy, việc đào tạo mới chỉ là bước đầu và đang cần sự đầu tư về nhiều mặt mới đáp ứng được yêu cầu.


Một vùng đất cổ Việt Thường, nhiều danh nhân, lắm hào kiệt, là đất nhạc, đất thơ, đất anh hùng nuôi lớn những chiến công, xây đắp nên những huyền thoại… Đó là “tài nguyên” mà các doanh nghiệp du lịch Hà Tĩnh cần chú trọng khai thác. Cùng với việc thu hút nguồn lực, lựa chọn đối tác đầu tư, tăng cường quảng bá, ngành VHTTDL Hà Tĩnh cần có kế hoạch đào tạo dài hạn và ngắn hạn đội ngũ cán bộ công nhân viên ngành du lịch. Việc tuyển dụng cũng cần theo tiêu chí rõ ràng, chú trọng bồi dưỡng nhân tài. Có như thế thì du lịch Hà Tĩnh mới vượt qua khó khăn, tận dụng tiềm năng lợi thế đẻ phát triển bền vững, làm giàu có thêm bản sắc của một vùng văn hóa


Minh Huệ – Anh Hoài

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP