Nông Thôn Hà Tĩnh

HTX chế biến nước mắm Kỳ Xuân giúp phụ nữ thoát nghèo

Cùng với bước chuyển mình của quê hương trong công cuộc đổi mới, những năm gần đây, người dân nghèo trên vùng bãi ngang Kỳ Xuân (Kỳ Anh) đã không ngừng cố gắng biến quyết tâm thoát khỏi đói nghèo thành những việc làm cụ thể. Những mô hình phát triển kinh tế xuất hiện trên địa bàn ngày càng nhiều và HTX Chế biến nước mắm của phụ nữ Kỳ Xuân là một trong những mô hình tiêu biểu.


Nói về sự ra đời của mô hình phát triển kinh tế trên vùng quê nghèo, chị Nguyễn Thị Thức – Chủ nhiệm HTX cho biết: “Những năm trước đây, miền quê chúng tôi còn đói nghèo và lạc hậu lắm. Sau những chuyến đi về cơ sở khảo sát nhu cầu việc làm, tìm hiểu đời sống của hội viên, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh đã gợi ý cho chúng tôi phát huy tiềm năng, lợi thế của quê hương để từng bước thoát khỏi đói nghèo. Hiệp hội chế biến nước mắm của những gia đình phụ nữ đói nghèo đã ra đời trong sự nâng đỡ ấy”.


Khó có thể nói hết khó khăn, bỡ ngỡ của những buổi đầu thành lập, thế nhưng, quyết tâm vượt qua đói nghèo từ chính bàn tay, khối óc của mình, để không phụ sự tin tưởng của hội cấp trên dường như đã trở thành khẩu hiệu, nguồn sức mạnh để chị em không ngừng cố gắng.


Nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn, đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của phụ nữ cùng với các lớp tập huấn, những chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm đã giúp các chị vượt qua khó khăn để chào đón mẻ sản phẩm đầu tiên. 2 năm sau kể từ ngày thành lập, sản phẩm nước mắm của phụ nữ Kỳ Xuân đã được đăng ký thương hiệu, nhãn mác, bắt đầu xuất hiện tại các hội chợ và từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhờ thế, những thành viên của hiệp hội đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, góp phần GQVL cho hàng chục lao động.


Vùng quê đói nghèo, lạc hậu giờ đây đã dần khởi sắc nhờ sức mạnh vượt khó của con người, nhờ biển mẹ hào phóng ban phát những chuyến ra khơi vào lộng nặng đầy tôm cá, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề chế biến thủy hải sản trên địa bàn. Chị Thức cho biết: “Ở đây có gần 100 thuyền đánh bắt gần và xa bờ nên việc thu mua sản phẩm rất dễ dàng. Bình quân mỗi năm chúng tôi thu mua và chế biến hơn 60 tấn cá và 30 tấn mắm tôm. Riêng năm nay, HTX xuất ra thị trường khoảng 10.000 lít nước mắm, góp phần giúp 10 gia đình hội viên thoát khỏi đói nghèo. Bản thân gia đình tôi cũng là một hộ nghèo nay đã vươn lên khá giả từ nghề nước mắm, phát triển dịch vụ du lịch biển và trồng rừng…”.


Cũng như gia đình chị Thức, nhiều thành viên HTX có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như các chị: Hồ Thị Lỉu, Hoàng Thị Lệ, Phan Thị Hồng, Hoàng Thị Thuyên… cũng đã dần vươn lên thoát khỏi đói nghèo, có việc làm thường xuyên và cho thu nhập ổn định từ hoạt động chế biến nước mắm và dịch vụ du lịch biển. Vươn lên từ trong nghèo đói, đến nay, HTX chế biến nước mắm của các chị đã có tổng nguồn vốn gần 1 tỷ đồng, trong đó vốn lưu động 670 triệu đồng, đóng góp cổ phần 250 triệu đồng và vốn dự trữ 50 triệu đồng.


Một năm mới đã cận kề, với những thành viên ở HTX, niềm vui dường như được nhân lên khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng lớn và được giá hơn so với truớc. Nhưng bên cạnh niềm vui trước mắt, các chị vẫn luôn trăn trở với phương hướng để duy trì, mở rộng và phát triển HTX một cách lâu dài. Đó là sự tạo tạo điều kiện của chính quyền trong việc cho thuê mặt bằng để mở rộng sản xuất, xây dựng kho cấp đông để chủ động nguồn nguyên liệu và đặc biệt là đảm bảo VSATTP, vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất.


Anh Thư

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP