Hàng ngày bà tất bật từ sáng đến tối trên chiếc xe đạp cũ kỹ với công việc lượm ve chai với hy vọng kiếm được chút tiền nuôi chồng cùng 3 đứa con bệnh tật.
Theo chân anh Nguyễn Huy Tính (Phó Bí thư Đoàn xã Thuận Lộc), chúng tôi băng qua quãng đường ruộng lầy lội, đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà nhỏ tuyềnh toàng nằm bên mép sông, không cổng ra vào và vườn chuối còi cọc, xác xơ ngay ngõ.
Bước chân vào nhà là hình ảnh một người con gái với thân hình nhỏ bé, cái lưng gù, chân tay teo tóp, bụng chửa “vượt mặt” đang ngồi một mình ở góc giường. Nhìn quanh nhà không có cái gì đáng giá, ngoài chiếc tivi và bộ bàn ghế cũ kỹ. Anh Tính cho biết, những đồ vật đó đều do hàng xóm cho.
Lúc chúng tôi đến, bà Hiệp cũng vừa mới đi lượm ve chai về, rót nước mời khách, bà kể về hoàn cảnh gia đình mình: “Năm 1989, tôi tình cờ quen biết ông Cao Văn Lệ trong một lần đánh cá, rồi nảy sinh tình cảm. Gia đình tôi phản đối kịch liệt vì đi lấy một người chồng tàn tật, nhưng cuối cùng cũng xuôi. Chồng tôi bị liệt chân phải, đi lại rất khó khăn nên không thể lao động, tôi trở thành trụ cột bất đắc dĩ của gia đình”.
Chuỗi bất hạnh bắt đầu đổ xuống từ khi bà sinh đứa con đầu lòng Cao Thị Hằng (1992), mới sinh ra nó đã bị khuyết tật bẩm sinh. Cái nghèo cái khó cứ thế đeo bám cuộc đời người phụ nữ ấy từ nhiều năm qua, mà theo bà kiếp này chẳng dám mơ đến hai chữ đủ ăn, chứ nói chi đến có tiền cho con chữa bệnh.
Gia đình bà Hiệp thuộc diện hộ nghèo, với đồng tiền ít ỏi kiếm được từ nhặt ve chai, bà phải lo đủ thứ, từ việc ăn uống tới việc học hành của con cái, thêm vào đó là tiền chữa bệnh cho chồng và con gái…
Sinh con ra đã mang tật nguyền, lại không đủ tiền ăn học nên Hằng đã phải nghỉ học từ năm lớp 6. Cuộc sống tưởng chừng đỡ khó khăn hơn khi năm 2015, Hằng theo học tại Trung tâm Khuyết tật ở TP. Hà Tĩnh. Vậy mà, bất hạnh vẫn không buông tha cho bà khi lại phải chứng kiến cảnh con gái với cái bụng chửa không chồng.
Bà Hiệp ngậm ngùi tâm sự: “Thấy con bụng ngày càng to, nghĩ con có bệnh lạ gì nên gia đình đưa con đi khám thì mới biết nó đã có thai bảy tháng. Nhưng rồi bất hạnh lại cứ ập đến khi bác sĩ chẩn đoán đứa con trong bụng Hằng bị não úng.
Giờ tiền vay mượn cho cái Hằng đi mổ còn khó nói chi đến việc có tiền chữa bệnh cho cháu sau này. Mọi việc cứ thế đổ dồn lên đầu người đàn bà khốn khổ này. Rồi những chuỗi ngày tới đây sẽ ra sao khi mà bà chỉ biết nhặt ve chai để nuôi sống gia đình…”, nói đến đây giọng bà nghẹn lại.
Quệt ngang dòng nước mắt, bà nói tiếp: “Trên đời này chắc không có đứa nào khổ như cái Hằng. Từ khi mang bầu không có một chút gì bồi dưỡng, gia đình ăn gì thì nó ăn cái đó. Tội nghiệp nó, gia đình tôi đã cố đi tìm bố đứa trẻ, nhưng đều vô vọng”.
Ngồi nghe chuyện, thấy mẹ khóc, Hằng tâm sự: “Biết mẹ khổ em thương lắm, giờ chỉ có mong được khỏe mạnh như người bình thường để có thể kiếm tiền chữa bệnh cho đứa con sắp sinh, không còn là gánh nặng cho mẹ và gia đình”.
Được biết, hai người em là Cao Thị Vân (1993) và Cao Văn Bình (1996) cũng đã phải nghỉ học đi làm ăn xa, nhưng trong một lần đi làm Bình không may bị tai nạn giao thông nên phải về nhà nằm điều trị.
Ông Nguyễn Trọng Nghi (Bí thư Chi bộ thôn Tân Hòa) cho biết, hoàn cảnh của bà Hiệp rất éo le và khó khăn nhất không chỉ ở thôn mà cả ở xã Thuận Lộc. Hàng tháng, ông Lệ và Hằng nhận được số tiền trợ cấp cho người tàn tật là 270.000đ/người. Song, số tiền đó chẳng thấm vào đâu với nhưng khó khăn hiện tại của gia đình. Qua đây, mong muốn các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân giúp đỡ để gia đình bà vơi đi nỗi khổ.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ
Bà Phan Thị Hiệp thôn Tân Hòa, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh)