Văn hoá Dân gian

Hồng Lĩnh: Lễ hội báo ân Đô đài ngự sử Bùi Cầm Hổ

Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng Giêng âm lịch, phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh) và con cháu họ Bùi lại tổ chức Lễ hội báo ân Đô đài ngự sử Bùi Cầm Hổ.

Bùi Cầm Hổ sinh năm 1390, mất năm 1483. Tương truyền, lúc thân mẫu Bùi Cầm Hổ chuyển dạ thì bỗng dưng từ núi Hồng Lĩnh xuất hiện một con hổ đi ra và thét lên mấy tiếng, sau đó đứa bé được sinh ra, đặt tên Bùi Cầm Hổ, có nghĩa là “họ Bùi bắt được Hổ”.

Tuổi thơ của Bùi Cầm Hổ lớn lên tại quê hương Đậu Liêu, sau này ông ra kinh thành Thăng Long học hành tiến tới. Có một câu chuyện về “Cháo lươn giải oan cho người oan” đã nói lên trí thông minh, sáng suốt hơn người thời học trò của Bùi Cầm Hổ để minh oan cho người người phụ nữ về tội giết chồng do bát cháo lươn, triều đình dân chúng thán phục trí tài cao của Ngài.

Về sau, Bùi Cầm Hổ có 30 năm được phong làm quan trong triều đình nhà Lê thời Hậu Lê và có đóng góp công trạng to lớn cho đất nước muôn dân. Ông được sung chức đi sứ nhà Minh 3 lần vào những năm 1433, 1437, 1439.

Về hưu, ông có nhiều đóng góp xây dựng quê hương Đậu Liêu như: đắp đập ngăn khe đưa dòng nước từ núi Hồng Lĩnh về tưới cho cánh đồng Kẻ Treo.

Sau khi Bùi Cầm Hổ mất, nhân dân đã lập đền thờ ghi nhận công lao to lớn của ngài với nước với dân. Năm 1992, đền thờ của ngài được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Để tỏ lòng thành kính của ông, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, con cháu dòng họ Bùi khắp mọi miền tổ quốc và con em đang học tập, lao động ngoài nước đã đầu tư hàng tỷ đồng để tôn tạo và xây dựng di tích. Năm 2013, đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để đúc tượng đồng và xây dựng 1 số hạng mục, tôn tạo lại khuôn viên ở khu vực đền nên lễ hội năm nay được tổ chức linh thiêng với sự góp mặt của đông đảo con cháu họ Bùi từ khắp nơi trong cả nước, chính quyền các cấp và người dân về dâng hương dự lễ cầu cho quốc thái dân an, nhân dân ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu.

Thu Hằng – Thanh Trúc/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP