Năm 1986, hộ ông Kiều Đình Tùng và bà Nguyễn Thị Lộc được cấp một mảnh đất bám QL1A, nay thuộc địa phận phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh. Ngày 13.1.1992, ông Tùng, bà Lộc có lập một giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho em gái ông Tùng là bà Kiều Thị Quý. Nội dung hợp đồng ghi chuyển nhượng cho bà Quý nhà ngang, về đất đai nêu: “Toàn bộ diện tích đất đai sau khi giao đủ tiền thì hộ Quý có quyền sử dụng lâu dài”. Hợp đồng này năm 1994 được ông Hồ Văn Vinh trưởng công an ký, đóng dấu xác nhận; không có chữ ký của bên nhận chuyển nhượng.
Theo bà Lộc, gia đình bà không bán đất cho bà Quý. Nguyên nhân của hợp đồng nói trên là do trước đây, chồng bà và hai cô em gái (trong đó có bà Quý) góp vốn làm ăn. Sợ anh trai lỗ vốn, bà Quý bàn với anh chị làm giấy bán đất để làm bằng chứng. Sau đó mọi việc tưởng đã trôi vào dĩ vãng.
Thế nhưng, thông qua ông Nguyễn Ngọc Vịnh – cán bộ địa chính phường Trung Lương, năm 2008, bà Quý đã được UBND TX.Hồng Lĩnh cấp giấy chứng nhận QSD đất mang tên bà và chồng (ông Nguyễn Tuấn Túy) trên phần đất mà gia đình bà Lộc đang sử dụng. Ông Tùng, bà Lộc tố cáo UBND TX Hồng Lĩnh đã kết luận ông Vịnh lợi dụng chức vụ quyền hạn giả mạo chữ ký giáp ranh (hộ ông Tùng – bà Lộc) để cấp sổ đỏ đứng tên bà Quý – ông Túy trên mảnh đất mà ông Tùng, bà Lộc đang sử dụng. Sau đó, UBND TX Hồng Lĩnh đã ra quyết định hủy bìa đất do ông Vịnh lập hồ sơ giả mạo.
Clip về vụ tranh chấp đất đai.
Khởi kiện đòi đất
Sau đó, bà Quý quay ra khởi kiện bà Lộc (lúc này ông Tùng đã mất) để đòi đất. Căn cứ của bà Quý là giấy chuyển nhượng đất lập năm 1992 nói trên. Điều đáng nói là trong văn bản này không ghi rõ diện tích đất cũng như giá chuyển nhượng. Phía sau giấy chuyển nhượng, ngoài phần nội dung và xác nhận của công an xã, có nội dung vẽ hình thể mảnh đất, một nội dung khác ghi bên bà Quý đã giao cho bà Lộc 6 triệu đồng (không có ngày tháng). Tuy nhiên, các nội dung này nằm ngoài hợp đồng và không có chữ ký của bà Lộc, ông Tùng. Phía sau hợp đồng (trang 2) có dòng chữ: “Bám mặt đường quan: Phía trước 14m Sau 14m, sát”. Tiếp theo là dòng chữ: “Số tiền o dượng đã giao đủ kể từ giờ phút này o có quyền sử dụng đất đai hợp pháp số tiền đã giao đủ (là năm triệu tám trăm…” và chữ “Lộc”.
Nội dung chữ viết nói trên, qua hai lần giám định tại Viện Khoa học Hình sự thuộc Tổng cục Cảnh sát (ngày 29.12.2014 và 27.5.2015) cho kết quả khác nhau, một lần nêu không xác định được chữ viết của ông Tùng hay bà Lộc, một lần xác định nội dung nhận tiền là do bà Lộc viết. Thế nhưng, kết luận giám định của Phòng Giám định Kỹ thuật Hình sự (Bộ Quốc phòng) ngày 15.9.2015 lại xác định đó là chữ viết của ông Tùng và bà Lộc.
Ngoài ra, còn có một sơ đồ vẽ hình thể các thửa đất thuộc trang 3 của bản hợp đồng nhưng cả 3 lần giám định đều không xác định được là chữ viết của ai. Mặc dù không có cơ sở về kích thước các cạnh của thửa đất tranh chấp, bà Kiều Thị Quý vẫn xác định diện tích mà ông Tùng – bà Lộc đã chuyển nhượng cho bà là 375m2(?).
Như vậy, nội dung hợp đồng chuyển nhượng còn mập mờ, chưa có căn cứ rõ ràng, kết quả giám định “vênh” nhau. Vậy mà TAND TX Hồng Lĩnh vẫn xác định được cụ thể diện tích đất tranh chấp, mặc dù phía sau hợp đồng chỉ ghi cạnh chiều ngang của mảnh đất. Theo Điều 12 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự ngày 29.4.1991: “Tùy theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những điểm chủ yếu sau đây: a) Đối tượng của hợp đồng là tài sản hoặc một việc; b) Số lượng, chất lượng; c) Giá cả; d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên; e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng”. Như vậy, hợp đồng nói trên đã vi phạm về mặt nội dung: Không nêu rõ số lượng, giá cả. Do đó, nếu đi vào thực tế thì không thể thực hiện được. Các nội dung “thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện; Quyền và nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng” cũng không có. Về điều kiện hợp đồng ghi rõ khi nào bên mua giao đủ tiền thì sẽ có quyền sử dụng đất, nhưng không ghi rõ giá, số tiền; phía dưới có nội dung nhận tiền nhưng không có ngày tháng.
Cũng theo khoản 3, điều 15 văn bản nói trên: “Khi một bên hợp đồng bị nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của hợp đồng, bị đe doạ hoặc bị lừa dối, thì có quyền yêu cầu Toà án xác định hợp đồng vô hiệu”. Rõ ràng hai bên đã có sự nhầm lẫn về nội dung (không xác định được số lượng, giá cả). Còn theo trình bày của bà Lộc thì bên bán bị lừa dối.
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Nghệ An nêu quan điểm: “Việc Tòa án thụ lý vụ việc dân sự cần được dựa trên các căn cứ vững chắc, có hiệu lực pháp lý, bảo đảm các điều kiện thi hành án. Một hợp đồng không rõ ràng, vi phạm nhiều nội dung như vậy mà vẫn được thụ lý là khó hiểu. Trong trường hợp có bản án, thì cũng không thể thi hành”.