Trước đó, từ ngày 19/10, dịch lợn tai xanh bắt đầu phát sinh tại xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên. Đến ngày 20/11, tổng số xã bị dịch tăng lên 5 xã gồm: Cẩm Thăng, Cẩm Phúc, Cẩm Dương, Cẩm Nam (Cẩm Xuyên) và Thạch Bình (TP Hà Tĩnh). Tổng số lợn phải tiêu hủy là trên 1.100 con.
Để khống chế dịch lợn tai xanh hoành hành tại các xã nói trên, Chi cục Thú y tỉnh, Cơ quan Thú y vùng III (Cục Thú y, Bộ NN&PTNT) cùng với các địa phương đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp chống dịch trực tiếp tại các xã đang có dịch, từ tiêu hủy hơn 1.100 con bị nhiễm bệnh, đến tiêm phòng bao vây vùng dịch và vùng đệm đến xử lý tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi.
Tổng cộng cơ quan chức năng đã cấp hơn 30.000 liều vắc xin tai xanh cho các địa phương tiêm bao vây vùng dịch; cấp 1,1 tấn hóa chất Benkocid phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi.
Người dân xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) thu gom, đưa lợn chết vì dịch đi tiêu hủy.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho hay, đến thời điểm này về cơ bản Hà Tĩnh đã khống chế được đợt dịch này.
Theo ông Việt, trước những nguy cơ dịch tai xanh có thể tái phát trên diện rộng trong khi điều kiện ngân sách hạn chế, nhất là phải tập trung nguồn lực cho việc khắc phục hậu quả lũ lụt, nên vừa qua UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh 30.000 liều vacxin phòng bệnh tai xanh và 30.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi từ nguồn dự trữ quốc gia, phục vụ công tác tiêm phòng và xử lý môi trường khẩn cấp, bao vây, khống chế, dập tắt kịp thời các ổ dịch, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, từ đề nghị đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và tỉnh cũng vừa nhận được các lô thuốc nêu trên.
Thảo Nguyên