Một cảnh luyện tập của vệ sĩ Triều Tiên (Ảnh: KCTV) |
Một quá trình khổ luyện
Người ta có thể bắt gặp hình ảnh này qua đoạn video hiếm hoi được truyền thông Triều Tiên đăng tải vào năm 2014. Lee Young-guk, người từng là vệ sĩ của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1970 đến cuối những năm 1980, cũng cho biết ông đã trải qua một quá trình đào tạo tương tự trước khi trở thành cận vệ cho lãnh đạo Triều Tiên.
"Đó là một quá trình khổ luyện. Nhưng để làm gì? Tất nhiên là để xây dựng lòng trung thành. Một khẩu súng không mang lại chiến thắng, taekwondo nhằm phục vụ mục đích tinh thần, tạo dựng sự trung thành”, hãng tin Deutsche Welle dẫn lời ông Lee cho hay.
Ông Lee được triệu tập huấn luyện để trở thành vệ sĩ của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il khi còn là một học sinh phổ thông. Tất cả ứng viên như ông đều phải trải qua các bài kiểm tra năng lực cũng như sàng lọc tiểu sử gia đình. "Yếu tố quan trọng nhất là tiểu sử gia đình. Họ tập trung vào những câu hỏi dạng như có ai trong họ hàng thân thích của anh từng là một tù nhân chính trị hay từng đào tẩu hay không”, ông Lee nói.
Ông Lee đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra và sau một năm ông trở thành vệ sĩ của lãnh đạo Triều Tiên. Trước khi bắt đầu công việc, ông phải trải qua quá trình rèn luyện vô cùng khắt khe. Ngoài luyện tập thể lực, ông và các đồng nghiệp được truyền đạt tư tưởng rằng họ được sinh ra để cống hiến và bảo vệ cho nhà lãnh đạo.
Ông Lee Young-guk (Ảnh: DW) |
"Bạn phải giỏi bắn súng. Tiếp đến là võ Taekwondo, hay những thứ như phi dao, bơi lội. Đây là những đòi hỏi đầu tiên, tiếp đến đòi hỏi sự trung thành với lãnh đạo", ông Lee tiết lộ.
Năm 1988, ông Lee buộc phải từ bỏ công việc vệ sĩ, không phải vì ông làm việc không tốt mà vì một người họ hàng khác của ông trở thành lái xe riêng cho nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Theo quy định, mỗi gia đình không có quá 2 thành viên làm việc trực tiếp cho nhà lãnh đạo Kim.
Sau đó ông Lee vẫn làm việc trong chính quyền Triều Tiên, nhưng đến năm 1994, ông tìm cách đào tẩu. Đào tẩu không thành, ông bị bắt giam trong nhà tù khổ sai ở Triều Tiên gần 5 năm. Năm 2000, ông trở thành một trong hàng chục nghìn người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc.
Những tầng lớp an ninh bảo vệ lãnh đạo Triều Tiên
Triều Tiên đặc biệt coi trọng vấn đề an ninh cho nhà lãnh đạo. Người ngoại quốc tham dự bất cứ sự kiện nào có mặt của nhà lãnh đạo Triều Tiên đều phải trải qua một quá trình kiểm duyệt an ninh vô cùng nghiêm ngặt, và phải bỏ lại tất cả những thiết bị điện tử như điện thoại.
Ri Yong Guk, một người Triều Tiên đào tẩu từng làm việc trong đội ngũ an ninh của cố lãnh đạo Kim Jong-il, viết trong một cuốn hồi ký năm 2013 rằng, ông Kim được bảo vệ bằng 6 lớp an ninh khác nhau mỗi khi thị sát các đơn vị quân đội, nhà máy hay trang trại trong nước.
Hoạt động bảo vệ an ninh hiện nay cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un, con trai cố lãnh đạo Kim Jong-il, được cho là thậm chí nghiêm ngặt hơn. Ví dụ, trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng vũ trang hồi tháng 2 năm nay, Triều Tiên đã triển khai 3 đơn vị an ninh khác nhau để bảo vệ cho ông Kim Jong-un.
12 vệ sĩ chạy bộ hộ tống xe của ông Kim Jong-un hôm 27/4. (Ảnh: Reuters) |
Bộ Chỉ huy Cảnh vệ Triều Tiên được biết đến là đơn vị quân đội chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho giới lãnh đạo nước này. Nhân viên của Bộ Chỉ huy Cảnh vệ Triều Tiên chính là những người đã chạy bộ để hộ tống xe chở ông Kim Jong-un đến Khu phi quân sự liên Triều hôm 27/4 dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Ông Kim Jong-un được cho là cũng tuyển mộ một đội nữ vệ sĩ. Lần hiếm hoi các nữ vệ sĩ này xuất hiện trước ống kính truyền thông là vào tháng 1/2013.
Bức ảnh được truyền thông Trung Quốc đăng tải thời điểm đó cho thấy, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và phu nhân Ri Sol-ju dự một buổi hòa nhạc, phía sau hàng ghế của họ là các nữ vệ sĩ mặc áo vest đen. Theo mô tả, các nữ vệ sĩ của ông Kim Jong-un rất lạnh lùng và luôn chú ý mọi động tĩnh xung quanh để bảo vệ nhà lãnh đạo.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí