Những ngày qua, khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn, Mỹ đã quyết định triển khai thêm 2 tàu khu trục tên lửa tiến gần đến bờ biển Triều Tiên nhằm gây sức ép và răn đen chính quyền Kim Jong-un trước những hành động “dại dột”. Nhưng với các lãnh đạo cấp cao của quân đội Mỹ, đặc biệt là các tướng lĩnh của Hải quân, hành động đưa tàu vào gần bờ biển của Triều Tiên khiến họ nhớ lại một nỗi xấu hổ đã xảy ra cách đây 45 năm. Khi đó, một tàu chiến của Mỹ đã bị Triều Tiên bắt sống mà không thể trở tay kịp còn thủy thủ đoàn bị bắt làm con tin mãi đến 11 tháng sau mới được thả về.
Sự việc diễn ra vào ngày 23/1/1968, theo các tài liệu của hải quân Mỹ, hôm đó chiến hạm USS Pueblo đang di chuyển trong vùng biển quốc tế, cách hải phận Triều Tiên khoảng 15 dặm thì đột nhiên thuyền trưởng và các thủy thủ trên tàu phát hiện ra mình đã bị bao vây tứ phía bởi một tàu săn ngầm và 3 tàu phóng ngư lôi của quân đội Triều Tiên còn trên đầu họ là 2 chiếc tiêm kích MIG -21 đang lượn vòng gầm thét. Đáng chú ý tàu USS Pueblo là một tàu trinh sát tình báo điện tử mà vẫn không thể phát hiện ra việc bị tiếp cận như thế nào.
Trong tình hình nguy cấp, đại úy Lloyd Bucher, một trong những sỹ quan chỉ huy của tàu USS Pueblo đã sử dụng chính máy bộ đàm của mình để gửi đi một bức điện cầu cứu đến các lực lượng phòng vệ của Nhật Bản. Nội dung bức điện sau này được tiết lộ như sau: “Đã bị bắt và bị yêu cầu đi theo về đến Wonsan (Triều Tiên). Có 3 thủy thủ bị thương và một người bị cụt chân. Những khẩu pháo MG 50 cal chưa hề được sử dụng, thậm chí còn chưa kịp bỏ bạt che. Đang hủy toàn bộ những thiết bị (điện tử) quan trọng và cố gắng hủy được càng nhiều càng tốt. Xin hãy hỗ trợ chúng tôi”.
Nhưng USS Pueblo đã không hề nhận được bất kỳ một sự trợ giúp nào trong khi cơ hội chạy thoát của họ là vô cùng nhỏ nhoi. Cuối cùng con tàu đã bị bắt sống và áp tải về Triều Tiên. Toàn bộ thủy thủ đoàn bị tống giam.
Các tài liệu và băng ghi hình tuyên truyền của Triều Tiên thì tuyên bố những tù binh này đều được đối xử tử tế còn tài liệu và lời khai của các thủy thủ sau này cho rằng họ đã bị bỏ đói và tra tấn trong suốt gần một năm bị giam giữ ở Triều Tiên.
Donald McClarren, một thủy thủ của Pueblo sau này khi giải trình trước chỉ huy hải quân Mỹ và tiết lộ trên tờ Washington Post rằng sau những trận đòn tra tấn liên tục, ông ta thậm chí nghĩ rằng mình đang sắp sửa bị mang đi thủ tiêu: “Trong khi tôi đang ngồi đó, viên sỹ quan đứng sau chiếc ghế đã rút súng ngắn và chĩa vào đầu tôi cùng với tiếng ‘cạch’ mở chốt an toàn. Một ý nghĩ chạy qua đầu tôi lúc đó là, phải chăng tôi sắp được nghe một tiếng ‘đoàng’ và cảm nhận được sự đau đớn khi viên đạn xuyên qua đầu tôi trước khi mọi thứ trở nên trắng xóa”.
Còn đại úy chỉ huy Bucher thì khai là ông ta đã bị đe dọa sẽ bị mang đi hành quyết cùng với đó là những trận đòn thường xuyên. Tài liệu của Hội cựu binh tàu USS Pueblo cho biết, ban đầu, viên đại úy này bị nhốt riêng nhưng sau đó được nhốt chung buồng với các thủy thủ khác cùng với lời đe dọa từng người một sẽ bị hành quyết nếu ông ta không thú nhận đang tiến hành hoạt động do thám, tình báo Triều Tiên.
Vào thời điểm tàu USS Pueblo bị bắt, quân đội Mỹ đang dồn toàn lực cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam nên Washington đã quyết định không có hành động quân sự nào nhằm vào Bình Nhưỡng. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải thoát các thủy thủ trên tàu.
Sau rất nhiều cuộc đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng, ngày 23/12/1968, Hoa Kỳ đã phải chính thức đưa ra lời xin lỗi đối với Triều Tiên, thừa nhận tàu chiến của họ xâm nhập trái phép lãnh thổ Triều Tiên, thực hiện các hoạt động tình báo và đổi lại là thủy thủ đoàn được trao trả tự do còn con tàu vẫn bị giữ ở lại Triều Tiên.
Trao trả tự do cho các thủy thủ của tàu Pueblo ngày 23/12/1968
Ngày nay, con tàu USS Pueblo vẫn đang được neo lại một cảng ở trên sông Teadong, Bình Nhưỡng và trở thành một trong những điểm tham quan rất hấp dẫn.
Trên lý thuyết, tàu USS Pueblo vẫn được tính là một chiến hạm đang đi làm nhiệm vụ của Hải quân Hoa Kỳ và cũng là chiếc tàu chiến duy nhất của quân đội nước này bị bắt làm tù binh, chưa được trao trả.
Sự cố tàu Pueblo bị bắt đến nay vẫn được coi là một trong những “vết nhơ khó có thể gột rửa” của quân đội Mỹ. Khi bị bắt, gần như toàn bộ số tài liệu mật trên tàu vẫn còn nguyên bởi số bị tiêu hủy quá ít. Liên lạc điện đài giữa USS Pueblo và lực lượng an ninh hải quân ở Kamiseya (Nhật Bản) vẫn thông suốt, Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ biết rất rõ tình hình nguy cấp của tàu Pueblo và đã hứa sẽ cho không quân ra hỗ trợ… Nhưng rốt cuộc, USS Pueblo đã bị bỏ rơi bởi nguyên nhân là không có máy bay nào trực chiến. Các tài liệu của hải quân Mỹ sau này cho biết, khi Pueblo bị bao vây, tàu sân bay USS Enterprise đang ở cách đó 510 hải lý (khoảng 940 km) cùng với 4 tiêm kích F-4B đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhưng những chiếc máy bay này lại không có vũ khí không đối hải hoặc không đối đất nên việc giải cứu USS Pueblo là không thể. Thuyền trưởng của USS Enterprise khi đó ước tính họ cần khoảng 1.5 giờ để có thể trang bị cho những máy bay này đi giải cứu con tàu. Đến khi Tổng thống Lyndon Johnson được báo cáo sự việc thì Pueblo đã bị bắt và những phương án giải cứu đều trở nên vô nghĩa.
Lam Giang
Thanh niên