Việt Nam

Hành động của Trung Quốc đã đến “giới hạn sự kiềm chế”?

Đó là một trong những câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 26/6.

Hành động của Trung Quốc đã đến “giới hạn sự kiềm chế”?

Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 26/6.

Trung Quốc có thêm nhiều hoạt động gây căng thẳng

Mở đầu cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết bên cạnh tình hình thế giới, Bộ Ngoại giao nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề biển Đông.

Vì vậy, ông Lê Hải Bình cho biết đã mời đến cuộc họp báo ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển và ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư nhằm giải đáp thắc mắc liên quan đến các vấn đề thực địa.

Tiếp đến, ông Lê Hải Bình thông báo việc Trung Quốc tiếp tục có những hành động leo thang căng thẳng tại Biển Đông..

Cụ thể, ông Bình nói: Những ngày qua trong khi giàn khoan Hải Dương 981 cùng một số lượng tàu hộ tàu và máy bay hoạt động trong thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc lại có thêm nhiều hoạt động khiến cho tình hình phức tạp hơn.

Chiều 18/6, Cục hải sự Trung Quốc thông báo giàn khoan Nam Hải 9 đã trên Biển Đông. Từ ngày 18-20/6, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện giàn khoan này di chuyển đến khu vực mà Trung Quốc thông báo.

Tiếp đó, Cục hải sự Trung Quốc thông báo, tàu khảo sát thăm dò địa lý địa cầu sẽ hoạt động ở Biển Đông tại khu vực mà giàn khoan Nam Hải và tàu ngoài cửa biển bắc bộ chưa được phân định. Đặc biệt những hành động này của Trung Quốc được thực hiện ngay sau khi Ủy viên Quốc vụ viên Dương Khiết Trì thăm Việt Nam.

Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng thay đổi nguyên trạng trái phép trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc còn phát hành bản đồ bao trùm toàn bộ Biển Đông.

Đặc biệt nghiêm trọng, vào 23/6, tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam đang thực thi pháp luật tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm húc gây hư hại nặng.
Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nói trên, không có hành động tương tự trong thời gian tới, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Đây là hành động nghiêm trọng, nguy hiểm tới an toàn tính mạng. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động gây căng thẳng cũng như bồi thường thiệt hại.
Chuyển sang phần hỏi đáp:

– Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo gần đây cho rằng tàu Việt Nam quấy rối, chủ động tấn công đâm va vào tàu Trung Quốc. Các ông bình luận sao về vấn đề này?

Ông Hà Lê – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam: Chúng tôi cực lực phản đối và bác bỏ các thông tin phía Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp báo ngày 24/6. Phía Trung Quốc hoàn toàn bịa đặt khi cho rằng tàu Việt Nam cố tình đâm va tàu Trung Quốc.

Tôi xin nhắc lại, các tàu cá của Việt Nam cũng như tàu kiểm ngư, cảnh sát biển hoạt động trên vùng biển Việt Nam là hành động bình thường, hoàn toàn theo luật pháp quốc tế.

Từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng biển Việt Nam, các tàu Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc cố tình đâm va, dùng biện pháp manh động, nguy hiểm để cản trở. Các hành động này là chủ động, có tổ chức, được tính toán kỹ từ trước, nhắm cố tình gây thiệt hại cho tàu Việt Nam.

Tính đến thời điểm này, xin thông báo có 27 tàu kiểm ngư bị đâm va, gây thiệt hại, có 15 kiểm ngư viên bị thương.

Về thông tin phía Trung Quốc cho rằng sáng 23/6, tàu Việt Nam đi vào vùng tác nghiệp của Trung Quốc, chúng tôi xin được thông tin lại như sau: Trong khi thực hiện nhiệm vụ, tàu kiểm ngư Việt Nam đã bị 4 tàu Trung Quốc bao vây đâm va, gây hư hại nặng. Đáng nói hành động này hoàn toàn có sự tính toán trước.

Lúc 9h20 ngày 23/6, cách giàn khoan 981 khoảng 11,5 hải lý, tàu kiểm ngư 951 đã bị hai tàu kéo chủ động áp sát, phun nước. Sau đó tàu kéo Trung Quốc 09 dùng tốc độ cao đâm vào tàu kiểm ngư Việt Nam, không cho tàu Kiểm ngư vòng tránh, để tàu khác đâm trực diện vào tàu Kiểm ngư Việt Nam. Tàu Việt Nam đã bị hư hỏng toàn bộ phòng y tế, gây thiệt hại các thiết bị trên tàu.

Chứng minh cho những hành động này, ông Hà Lê đã công bố 1 đoạn video clip:

Công bố clip chứng minh “Các tàu Việt Nam chưa bao giờ đâm va vào tàu Trung Quốc mà chỉ có tàu Trung Quốc chủ động đâm va vào tàu Việt Nam”.

Trong cuộc họp báo đầu tiên ngày 7/5, ông Ngô Ngọc Thu có nói mọi sự kiềm chế đều có giới hạn. Vừa rồi đã chiếu hành động của Trung Quốc tiếp tục có những vi phạm, theo ông những hành động như vậy đã tiến tới giới hạn sự kiềm chế chưa?

Ông Ngô Ngọc Thu: Trong buổi họp quốc tế lần đầu tiên, liên quan tới việc đâm va tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam. Tôi có khẳng định chúng tôi hết sức kiềm chế, kiên trì những cũng tới giới hạn nhất định.

Chủ trưởng Việt Nam mong muốn giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Đây là ưu tiên số 1. Vì vậy mặc dù bị Trung Quốc đâm va cản trở cho nên chúng tôi vẫn kiên trì kiềm chế, nhằm thực hiện chủ trường của nhà nước. Còn các bước đi của Nhà nước Việt Nam, khi chủ quyền xâm hại thì Nhà nước sẽ tiến hành mọi biện pháp bảo vệ. Chúng tôi là lực lượng thực thi pháp luật, chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp nhà nước yêu cầu.

– Trong chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc tới Việt Nam, hai bên đã có thống nhất giải quyết các vấn đề để sớm ổn định tình hình. Tuy nhiên, sau chuyến thăm này, tình hình Biển Đông lại càng thêm căng thẳng. Các ông nhận xét sao về vấn đề này?

Ông Lê Hải Bình: Mọi vấn đề muốn giải quyết cần có sự thiện chí từ hai phía. Nếu từ một phía thì không thể giải quyết được.

– Trung Quốc vừa phát hành bản đồ “nuốt trọn” Biển Đông. Xin ông cho biết quan điểm của Việt Nam?

– Ông Lê Hải Bình: Xin khẳng định việc phát hành bản đồ đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.  Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của Trung Quốc. Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc đã bị không chỉ Việt Nam mà nhiều nước phản đối.

 – Sắp tới Việt Nam có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế không, nếu có thì sẽ là bao giờ?

– Ông Lê Hải Bình: Tôi đã khẳng định nhiều lần Việt Nam đã, đang sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền. Biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình được thế giới ủng hộ. Hiện Việt Nam đang nghiên cứu, cân nhắc kỹ thời điểm sử dụng biện pháp này.

– Hiện có nhiều tour du lịch sang Việt Nam bị hủy bỏ, nhiều khách Trung Quốc không sang Việt Nam nữa vì lo ngại sự an toàn. Các ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Ông Lê Hải Bình: Về quan điểm cho rằng khách du lịch Trung Quốc phải hủy tour đến Việt Nam vì lo ngại vì an toàn, tôi xin trả lời như sau: Sau sự việc đáng tiếc xảy ra ở Bình Dương, Hà Tĩnh, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực giải quyết tình hình. Đến nay các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc bị ảnh hưởng đã được đảm bảo an toàn và họ đã hoạt động trở lại. Đến nay, các khu vực có người Trung Quốc đều được đảm bảo an toàn.

– Tôi được biết Việt Nam dự kiến sẽ đền bù hơn 7 triệu USD cho doanh nghiệp bị đập phá vụ gây rối ở Bình Dương và Vũng Áng, nay mới có khoảng 200 ngàn USD được giải ngân, xin các ông cho biết về điều này?

– Ông Lê Hải Bình: Ngay sau khi có sự việc xảy ra, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương xác định thiệt hại, xây dựng phương án đền bù. Về con số cụ thể tôi sẽ chuyển câu hỏi đến Bộ Kế hoạch và đầu tư.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP