Chia sẻ với chúng tôi về nghề phục chế đồ hiệu, chị Nguyễn Thùy Chi (SN 1990, Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội), người có 7 năm trong nghề, cho biết: “Vài năm trở lại đây nhu cầu phục chế và sửa chữa đồ hiệu (spa cho quần áo, túi xách, giày dép) trong nước ngày càng tăng cao. Bởi vì theo tâm lý, khách hàng không muốn gửi đồ hiệu của mình qua bên hãng phục chế do những thủ tục rườm rà, giá cả đắt đỏ”.
Thợ đang sửa túi cho khách (Ảnh: Nhật Linh) |
Chị Chi tâm sự, nghề tân trang đồ hiệu cũng gặp nhiều rủi ro. Trong đó phải kể đến tai nạn từ các “thượng đế”. Câu chuyện bị khách đe dọa cách đây ít lâu khiến chị Chi từng rất bức xúc.
Chị kể, lần đó, quý bà giàu có mang một đôi giày cao gót có giá 50 triệu đồng đến nhờ xưởng của chị đánh xi lại. Đôi giày này bị bong quai, lớp đế bị mòn và phần da có dấu hiệu bị xỉn màu, ẩm mốc. Ngoài ra, quá trình đánh xi cho giày, thợ sửa chữa còn phát hiện đôi giày cao gót này bị chuột cắn, nhiều chỗ nham nhở.
Do người phụ nữ giàu có là khách quen nên chị Chi không thông báo cho khách mà tự ý bảo thợ trám lại các vết bị chuột cắn và phục chế các hỏng hóc cho đôi giày thành như mới. “Nếu không phải chuyên gia am hiểu chắc sẽ không phát hiện đôi giày đó đã được trám lại”, bà chủ 9X kể.
Đến hẹn, chị Chi nhắn khách qua lấy đồ. Khi nhận đôi giày từ nhân viên, người phụ nữ này bất ngờ bực tức mắng nhân viên cửa hàng vì tội làm ăn gian dối.
Người phụ nữ này đổ cho phía cửa hàng đã đánh tráo chiếc giày đắt tiền của mình bằng một chiếc giày nhái bởi giày của bà ta bị chuột gặm chứ không nguyên vẹn như vậy.
Nữ nhân viên cửa hàng dùng lời lẽ nhẹ nhàng để giải thích cho bà ta hiểu. Thế nhưng nữ đại gia không lắng nghe mà quay ra tát nữ nhân viên. Đôi giày đang cầm trên tay cũng được người phụ nữ này ném thẳng vào người cô nhân viên tội nghiệp.
Vị khách đe dọa, nếu không trả lại giày, bà ta sẽ "không để cửa hàng được kinh doanh yên ổn". Nữ nhân viên choáng váng vì hành xử của vị khách quen, đành gọi điện thoại cho bà chủ về giải quyết. Khi nghe chị Chi phân tích rõ, người phụ nữ này biết mình sai nên xin lỗi chị nhân viên bị đánh.
Công việc phục chế hàng hiệu đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận đến từng chi tiết của người thợ (Ảnh: Nhật Linh). |
Chị Chi nói: “Trước khi nhận đồ của khách, bao giờ tôi cũng cho thợ chụp lại ảnh hiện trạng từng chi tiết. Ban đầu khách chỉ bảo đánh xi tuy nhiên tôi đã bảo thợ sửa lại nguyên vẹn giúp họ.
Đến lúc tôi đưa ảnh chụp trước và sau, đồng thời nói sẽ bảo thợ tháo các vết trám ra, trả lại hiện trạng như ban đầu cho khách thì bà ấy không còn lý do để gây sự nữa”. Theo chị Chi, đó là một trong rất nhiều những “sự cố” cay đắng trong nghề này.
Vẫn theo lời bà chủ này, người làm nghề sửa chữa đồ hiệu không ít tuy nhiên không phải ai cũng có chuyên môn thẩm định được hàng đó là chính hãng hay hàng nhái. Bởi những mặt hàng nhái cao cấp nhìn bề ngoài không khác gì hàng xịn.
Chị Chi chia sẻ, một số mặt hàng nhái mua ở một số quốc gia Châu Á cũng có đầy đủ hóa đơn thanh toán, thẻ từ, giấy bảo hành, hộp và vải bọc y hệt như hàng hãng… Thợ sửa chữa nếu không có kinh nghiệm, sẽ rất khó phân biệt được.
Một đồng nghiệp của chị Chi từng phải đền cho khách vì thiếu kinh nghiệm thẩm định. Lần đó, anh thợ sửa túi này nhận làm mới chiếc túi cho cô gái trẻ xinh đẹp.
Chiếc túi vốn là hàng nhái cao cấp, anh thợ mới vào nghề nên không phân biệt được. Đến lúc trả hàng cho khách, cô gái làm ầm lên, nói anh thợ đã tráo túi hàng hiệu của mình. Cô gái bắt anh thợ mang qua xưởng nhà chị nhờ thẩm định. Khi kiểm tra, chị Chi xác nhận đây chính là túi nhái cao cấp.
Anh thợ tính nóng nảy, nói qua lại mấy câu với khách hàng. Cô gái tức tối bỏ về... Hôm sau, trước cửa hàng của anh có mấy cô gái trẻ mang loa thùng đến làm ầm ĩ nói cửa hàng làm ăn lừa đảo, đòi anh phải trả túi. Anh sợ ảnh hưởng đến uy tín phải gọi cô gái đến thương lượng.
Cuối cùng, anh này đành bỏ 1 nghìn USD, đặt chiếc túi chính hãng từ nước ngoài, đưa cho cô gái để “mua” sự yên ổn. Sau này, anh thợ tìm hiểu ra, mới biết mình bị vị khách xinh đẹp này gài bẫy...
Dù gặp không ít các câu chuyện dở khóc, dở cười nhưng chị Chi cũng từng được chứng kiến câu chuyện xúc động khiến chị ấn tượng mãi. Chị kể, cửa hàng chị ngoài tân trang hàng hiệu, bên chị còn mua bán các loại túi đã qua sử dụng.
Tối 20/10, cách đây 3 năm, khi nhân viên chuẩn bị đóng cửa hàng thì bất ngờ một người đàn ông khoảng 50 tuổi đi chiếc xe đạp đến.
Nhân viên cửa hàng nói với khách: “Cháu sắp đóng cửa rồi, chú có việc gì mai hãy quay lại”. Lúc này, người đàn ông nói muốn mua tặng vợ chiếc ví.
Ông lẳng lặng rút ra mấy cọc toàn tiền lẻ trước sự ngỡ ngàng của cô gái trẻ. Ông nói: "Vợ tôi thích chiếc ví màu nâu ở đây. Lần trước tôi hỏi, nhân viên bảo giá của nó là 3 triệu. Hôm nay tôi gom đủ rồi, cô bán cho tôi. Giờ bà ấy đang nằm trong viện, không biết có qua được đêm nay không".
Nhân viên vào thông báo với chị Chi, nghe qua câu chuyện, chị Chi ra gói chiếc ví và mang tặng người đàn ông đó...
"Người đàn ông đó từ chối không nhận mà khẩn khoản trả tiền mua ví. Ông ta nói đây là quà tặng vợ nên cứ để ông trả tiền", chị Chi nhớ lại.
Tác giả: Nhật Linh - Thanh Hải
Nguồn tin: Báo VietNamNet