Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo. Ảnh: Quốc hội. |
Ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Phú Cường đánh giá, về tổng thể, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Đảng, Quốc hội đề ra.
Tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016-2021 là trên 350.000 tỷ đồng. Nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,2% GDP cuối năm 2020.
Về đầu tư công, báo cáo chỉ rõ có hàng nghìn dự án giai đoạn 2016-2021 chậm tiến độ, trong đó đáng chú ý hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ; hàng nghìn dự án điều chỉnh quyết định đầu tư, trong đó có nhiều dự án phải điều chỉnh dự án nhiều lần; nhiều dự án vi phạm thủ tục đầu tư, có thất thoát, lãng phí; nhiều trường hợp phải xử lý hình sự.
Một số dự án hoàn thành, nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả đầu tư, để hoang hóa, lãng phí; nhiều dự án dở dang, dừng thực hiện dự án hoặc thi công đến điểm dừng kỹ thuật… nhưng chậm hoặc chưa kịp thời rà soát, cắt giảm, gây thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất, gây khó khăn bức xúc cho doanh nghiệp và người dân. Nhiều dự án BT dở dang, các dự án BOT đã hoàn thành gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...
Theo đó, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch lộ trình để tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án sử dụng vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA chậm tiến độ.
Cùng với đó, xử lý dứt điểm các tồn đọng các dự án BT dở dang. Nghiên cứu phương án bố trí vốn NSNN để mua lại các dự án đầu tư theo hình thức BOT gặp khó khăn, vướng mắc do nhà nước điều chỉnh cơ chế, chính sách, đầu tư mới các dự án không hợp lý, gây thua lỗ, phá vỡ phương án tài chính ban đầu để bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh. Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công dở dang, không thể tiếp tục thực hiện hoặc thấy rõ không hiệu quả cần sớm đánh giá, dừng thực hiện...
Đối với lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn nhà nước, công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 được Đoàn giám sát đánh giá là rất chậm, còn nhiều bất cập; vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp nhà nước chưa được bảo toàn; nhiều dự án đầu tư còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí; cơ bản các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất (được quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư từ các nhiệm kỳ trước) chậm tiến độ nhiều năm…
Đây là những thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực nhà nước và tiếp tục thua lỗ, thất thoát, lãng phí nếu không đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào vận hành theo kế hoạch; việc sắp xếp, đánh giá kết quả hoạt động các quỹ tài chính ngoài NSNN còn chậm; một số quỹ tài chính ngoài NSNN còn để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá và có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch, lộ trình đề ra.
Làm rõ số thất thoát, lãng phí, thua lỗ các dự án sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước, các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than; các chi phí phát sinh do chậm tiến độ triển khai các dự án theo kế hoạch. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất,… để sớm đưa các dự án vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư...
Tác giả: Đình Vũ
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư