Trong trận Hải chiến Trường Sa 1988, lính TQ dùng súng 37 ly – vốn chỉ dùng cho phòng không – hạ nòng xả vào chiến sĩ của ta đang trôi dạt trên biển không hề bắn trả.
Lực lượng chênh lệch
Ngày 4/3/1988, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân họp nhận định: Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường qua lại của ta tiếp tế, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa. Vì vậy, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hạ quyết tâm đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khẩn trương, bởi trong cùng một lúc hải quân ta phải triển khai đóng giữ cả 3 đảo trong điều kiện phương tiện, trang bị của ta cũ, thô sơ, lực lượng hạn chế.
Trong khi đó, hải quân Trung Quốc sau khi chiếm giữ trái phép Chữ Thập, Châu Viên, Tư Nghĩ, Ga Ven và Xu Bi ngày càng tỏ rõ ý đồ chiếm ba đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng của 2 hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 đến 12 tàu chiến gồm: khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ; tàu hỗ trợ gồm 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và một pông-tông lớn.
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, lực lượng Hải quân Việt Nam huy động 3 tàu vận tải bao gồm các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605. Hai tàu HQ-604 và HQ-605 là các tàu vận tải cỡ nhỏ, lượng giãn nước chỉ 50 tấn. Chỉ có tàu HQ-505 là tàu vận tải cỡ lớn, nguyên gốc là tàu HQ-504 Quy Nhơn thuộc lớp LST-491 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa được ta tịch thu và cải tiến, có lượng giãn nước 3.698 tấn toàn tải, dài 100m, rộng 15m được trang bị một pháo hạm 76mm, 8 pháo 40mm và 12 pháo 20mm. Boong tàu có khả năng tiếp nhận một trực thăng hạng nhẹ.
Vị trí và lực lượng của Hải quân nhân dân Việt Nam trong trận chiến bảo vệ Trường Sa 14-3-1988
Tàu HQ-505 tàu lớn nhất của ta lúc bấy giờ. Tuy nhiên so về mặt vũ khí thì các tàu này thua xa các tàu của Hải quân Trung Quốc tham gia xâm chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao gồm 3 tàu khu trục tới khu vực gồm: Tàu 502 lớp Giang Nam/065; Tàu 556 , lớp Giang Hộ II/053H1; Tàu 531, lớp Giang Đông/053K.
BÀI LIÊN QUAN
- Đại tướng Lê Đức Anh và lời thề thiêng liêng ở Trường Sa
- Hải chiến Trường Sa 1988: Những tàu chiến mang dã tâm Trung Quốc
- Nước mắt lính đảo ở Trường Sa
Tàu 556 thuộc Type 053H1 lớp Giang Hộ có lượng choán nước tiêu chuẩn 1.425 tấn; đầy tải 1.702 tấn; dài 103,2 m, rộng 10,8 m, mớm nước 3,05 m. Tốc độ 26 hải lý/h, thủy thủ đoàn 190 người, trang bị 6 tên lửa chống hạm SY-1 tầm bắn 150 km, 2 pháo 100 mm, 4 súng hai nòng 37 mm, 2 hệ thống pháo phản lực phóng loạt chống ngầm 5 nòng Type 81 (RBU-1200) ASW RL (30 quả đạn)
Tàu 531 thuộc lớp Giang Đông – Type 053K và tàu 502 thuộc lớp Giang Nam Type 065 là tiền thân của Type 053K. Đây là lớp tàu khu trục hạng nhẹ được Hải quân Trung Quốc phát triển và chế tạo với số lượng lớn làm tàu hộ vệ tên lửa. Tàu có lượng choán nước tiêu chuẩn 1600 tấn, khi đầy tải là 1700 tấn, dài 103 m, rộng 10,8 m, mớm nước 3,1 m, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 200 người, vũ khí gồm 2 pháo 100 mm tầm bắn 22 km, 2 súng phòng không 2 nòng 37mm tầm bắn 8,5 km, 2 hệ thông phóng tên lửa phòng không tầm bắn 10 km, 2 hệ thống pháo phản lực phóng loạt chống ngầm Type 62 gồm 5-ống phóng ASW RL tầm bắn 1.2 km.
So sánh về mặt lực lượng rõ ràng các tàu của Hải quân Việt Nam không phải là đối thủ của các tàu khu trục Trung Quốc. Mặt khác cách điều động lực lượng cũng phản ánh phương châm của mỗi bên. Đối với Việt Nam là tiến hành thực hiện chủ quyền đưa quân đi xây dựng canh giữ các điểm đảo cũng như muốn duy trì hòa bình do vậy hầu hết các tàu đều là tàu vận tải chở vật liệu và lính công binh.
Ngược lại, Trung Quốc lại điều các tàu chiến cực mạnh, trang bị nhiều vũ khí hạng nặng nhằm thực hiện bằng được âm mưu xâm chiếm Trường Sa bằng vũ lực.
Khúc tráng ca bi hùng
Đối mặt với kẻ thù, các chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã giữ vững ý chí chiến đấu, không ngại hy sinh để làm thất bại âm mưu của đối phương
Ngày 12/3/1988, tàu 605 do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6 giờ ngày 14/3/1988. Sau 29 giờ hành quân bí mật, vượt qua sóng to, gió lớn, tàu 605 đến Len Đao lúc 5 giờ ngày 14/3 và cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền trên đảo.
9 giờ ngày 13/3/1988, tàu HQ-604 do đồng chí Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng và tàu HQ-505 do đồng chí Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin. Phối hợp với hai tàu 604 và 505 có 2 phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 83, bốn tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146 và 4 chiến sĩ đo đạc của Bộ Tổng Tham mưu.
Sau khi hai tàu của ta thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Trung Quốc từ đá Tư Nghĩa chạy về phía Gạc Ma, có lúc cách ta 500m.
17 giờ ngày 13/3, tàu Trung Quốc áp sát tàu 604 ta và dùng loa gọi sang khiêu khích. Cán bộ, chiến sĩ hai tàu 604 và 505 kiên trì neo giữ quanh đảo. Tàu chiến của Trung Quốc cùng 1 tàu hộ vệ, 2 tàu vận tải thay nhau cơ động, chạy quanh đảo Gạc Ma.
Trước tình hình đó, lúc 21 giờ ngày 13/3, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin. Khẩn trương thả xuồng máy, xuồng nhôm, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm ngày 13/3.
Thực hiện mệnh lệnh, tàu 604 cùng lực lượng công binh Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma, tiếp đó, lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Tổ quốc và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo.
Lúc này, Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ trang bị pháo 100mm đến hỗ trợ tàu có từ trước khiêu khích đe dọa ta rút khỏi đảo Gạc Ma. Ban chỉ huy tàu 604 họp nhận định Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp và đề ra quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.
6 giờ ngày 14/3/1988, Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo, tiến về phía cờ ta đang tung bay. Dựa vào thế đông quân, đối phương tiến vào giật cờ ta. Lập tức, thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội anh dũng giành lại cờ. Binh lính của đối phương đã dùng lưỡi lê đâm và bắn Nguyễn Văn Lanh bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương xông vào cứu, bị đối phương bắn, đã anh dũng hy sinh.
Không uy hiếp được bộ đội ta rút khỏi đảo, 7 giờ 30 phút ngày 14/3, Trung Quốc dùng hai tàu bắn pháo 100mm vào tàu 604, làm tàu ta bị hỏng nặng. Đối phương cho quân xông về phía tàu ta. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK, RPD, B40, B41 đánh trả quyết liệt, buộc lính Trung Quốc phải nhảy xuống biển trở về tàu của chúng.
Tàu HQ-604 dưới làn đạn tàn ác của kẻ thù
Trận đánh diễn ra mỗi lúc quyết liệt. Đối phương tiếp tục nã đạn, làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và hỏng nặng chìm dần xuống biển. Đồng chí Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng; đồng chí Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 cùng một số cán bộ, chiến sĩ tàu đã anh dũng hy sinh cùng tàu 604 ở khu vực đảo Gạc Ma.
Tại đảo Cô Lin, 6 giờ ngày 14/3/1988, tàu HQ-505 đã cắm 2 lá cờ trên đảo. Khi tàu 604 của ta bị chìm, đồng chí Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu 505 ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi bãi. Phát hiện tàu 505 của ta đang cơ động lên bãi, hai tàu của đối phương quay sang tiến công tàu 505. Bất chấp hiểm nguy, tàu 505 chạy hết tốc độ, trườn lên được hai phần ba thân tàu thì bốc cháy.
8 giờ 15 phút ngày 14/3, bộ đội tàu 505 vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu vớt cán bộ, chiến sĩ tàu 604 bị chìm. Tàu HQ-505 bị bốc cháy. Cán bộ, chiến sĩ của tàu dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, bảo vệ chủ quyền đảo Cô Lin.
Tàu HQ-505 ủi bãi bảo vệ Cô Lin
Ở hướng đảo Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14/3, tàu của đối phương bắn mãnh liệt vào tàu HQ-605 của ta. Tàu 605 bị bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15/3. Cán bộ, chiến sĩ của tàu dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn an toàn.
Lính TQ dùng súng phòng không bắn bộ đội ta
Khoảng một tháng sau, hải quân Việt Nam đưa 35 lính công binh và 7 lính hải quân cùng vật liệu xây dựng đổ bộ lên đá Len Đao xây nhà đánh dấu chủ quyền. Hòng lặp lại kịch bản Gạc Ma, trong ngày Trung Quốc đưa bảy tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp số quân Việt Nam trên đá. Tuy nhiên lần này được sự yểm trợ của không quân từ đất liền bay ra nên số tàu chiến của Trung Quốc tản ra, đụng độ không nổ ra, phía Việt Nam giữ được đá và hoàn thành việc xây dựng nhà trên đá.
Đảo Len Đao, hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió
Như vậy, mặc dù có sự thua kém rất nhiều về vũ khí trang bị với kẻ thù nhưng chúng ta đã ngăn chặn được âm mưu của đối phương. Ta vẫn giữ được hai trong ba vị trí trọng yếu là Len Đao, Cô Lin. Tuy nhiên vẫn còn đó Gạc Ma vẫn bị chiếm đóng và những liệt sỹ trong trận chiến 14/3 vẫn còn nằm dưới đáy biển.
Những người lính Việt Nam trong trận chiến ngày 14/3 đa số đều là lính công binh, tuổi đời còn rất trẻ. Trong tay họ khi lên cắm cờ, xây dựng mốc chủ quyền trên đảo đa số đều là tay không.
Anh hùng – đại tá Vũ Huy Lễ, người thuyền trưởng của tàu HQ-505, xúc động: “Tôi nhìn sang vùng biển Gạc Ma, thấy nhiều đồng đội vừa ngã xuống. Không thể để anh em nằm lại giữa biển khơi, chúng tôi đưa xuồng sang cứu. Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc dùng súng AK bắn phá, không để chúng tôi cứu thương. Mặc, chúng tôi vẫn bình tĩnh, tiếp tục bơi xuồng sang. Suốt buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đã vớt được 44 thương binh và tử sĩ”.
Đại tá Nguyễn Văn Dân – nguyên phó tham mưu trưởng Vùng 4 – cho biết khi tiếng súng đang nổ, ông đang trên tàu HQ-614 từ đảo Đá Đông chạy đến Gạc Ma. Khi tàu HQ-614 đến nơi, trận hải chiến đã kết thúc. “Chúng tôi quay ra tìm kiếm anh em của ta nhưng tàu chiến Trung Quốc liên tục ngăn cản. Lính Trung Quốc quá dã man! Họ dùng súng 37 ly – vốn chỉ dùng cho phòng không – hạ nòng xả vào chiến sĩ của ta đang trôi dạt trên biển không hề bắn trả. Họ còn nổ súng cản trở tàu ta làm nhiệm vụ cứu thương dù chúng tôi đã treo cờ chữ thập đỏ hoặc chĩa nòng pháo sang đe dọa”.
Ngày 31/3/1988, Tư lệnh Hải quân lệnh cho Vùng 4, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146; các hải đội 131, 132, 134 của Lữ đoàn 172 chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao; đồng thời lệnh cho Vùng 1, Vùng 3 và Lữ đoàn 125 ở Hải phòng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường.
Bộ Tư lệnh Hải quân điều động 41 tàu thuyền và phương tiện nổi của Lữ đoàn 125, Cục Kinh tế, Vùng 1, Vùng 3, Vùng 5, Trường sĩ quan Hải quân, Nhà máy Ba Son, X51 tiếp nhận 3 tàu của nhà nước, 3 tàu của Tổng cục Hậu cần và 2 tàu của Quân khu 5 đến phối thuộc hoạt động khi cần thiết
Trải qua hơn 5 tháng, Quân chủng Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ CQ-88, đóng giữ và bảo vệ thắng lợi 11 đảo mới với 32 điểm đóng quân.