>> TP Hà Tĩnh: Vợ liệt sỹ gần ba năm đi tìm lại đất ở của mình
Liên quan đến vụ việc này, Báo Đời sống & Tiêu dùng đã có bài “Đất bị chuyển nhượng khi còn tranh chấp, vợ liệt sỹ gửi đơn kiến nghị” phản ánh việc: Bà Hồ Thị Hương (vợ liệt sỹ, trú tại số nhà 206, đường Nguyễn Công Trứ – Khối phố 1, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) đã nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan chức năng để đòi lại mảnh đất gia đình bà đúng ra được sử dụng, khi sự việc chưa được giải quyết, thửa đất đang tranh chấp vẫn được chính quyền địa phương cho chuyển nhượng.
Sau khi báo chí phảnh ánh, ngày 12/11, gia đình bà Hương nhận được một văn bản qua đường bưu điện chuyển đến, bên ngoài bao thư thì thể hiện nội dung gửi cho bà Hồ Thị Hương nhưng nội dung văn bản bên trong thể hiện việc kính gửi lại gửi cho bà Hoàng Thị Cẩm Hà, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Thửa đất đang tranh chấp nhưng UBNDTP. Hà Tĩnh vẫn cho chuyển nhượng
Hơn nữa, văn bản gửi kèm không ghi số ban hành, do ông Trần Quang Đạt – Chánh Văn phòng TP. Hà Tĩnh ký.
Trước nội dung và thể thức của văn bản này, bà Hương tỏ ra thắc mắc và không hiểu vì sao, tên tuổi của bà đã được ghi rõ ràng nhưng UBND TP. Hà Tĩnh lại gửi cho người khác! Hơn nữa, xét về mặt pháp lý, việc gửi Văn bản mà người nhận là một người, người kính gửi là một người khác là hoàn toàn không có ý nghĩa, không cơ sở pháp lý để người nhận thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo văn bản trên.
“Do vậy, tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm của người gửi văn bản trên trong trường hợp này. Nếu UBND thành phố Hà Tĩnh cho rằng phải thực hiện một nghĩa vụ nào đó thì tôi đề nghị được nhìn thấy văn bản quy định cụ thể về việc này” bà Hương nói.
Bà Hương cũng đề nghị UBND TP. Hà Tĩnh xem xét, làm rõ, một văn bản không có số ban hành, không do người có thẩm quyền ký thì liệu rằng đã phù hợp quy định pháp luật hay chưa? Hơn nữa, liên quan đến lĩnh vực tranh chấp quyền sử dụng đất, Điều 203, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rất cụ thể đó là: “Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.
Văn bản gửi cho bà Hồ Thị Hương nhưng bên trong bì thư lại gửi cho người khác
Theo bà Hương, việc UBND thành phố Hà Tĩnh đã tự ý giải quyết, kết luận các nội dung bà Hoàng Thị Cẩm Hà yêu cầu liên quan đến việc ngăn cản quyền sử dụng đất, giải quyết việc lấn chiếm… là hoàn toàn vượt quá thẩm quyền, không phù hợp với quy định của pháp luật.
“Ngoài ra, theo mục 1 nội dung văn bản mà UBND thành phố Hà Tĩnh cho rằng: Diện tích đất trên thuộc quyền quản lý của Nhà nước thì đề nghị UBND thành phố cho tôi biết UBND thành phố căn cứ quy định tại văn bản nào, điều nào, khoản nào của pháp luật, trong khi đó giấy tờ về quyền sử dụng đất thể hiện rất rõ diện tích đất trên thuộc quyền sử dụng của gia đình tôi? Hơn nữa, nếu UBND thành phố Hà Tĩnh cho rằng diện tích đất trên thuộc quyền quản lý của Nhà nước thì tại sao lại cho rằng tôi cản trở quyền sử dụng đất của bà Hoàng Thị Cẩm Hà, điều này là hoàn toàn mâu thuẫn”, bà Hương thắc mắc.
Ngoài ra bà Hương còn đưa ra một số căn cứ thể hiện thửa đất đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng của mình như sau: Căn cứ đơn xin cấp đất của gia đối với thửa đất số 214, tờ bản đồ số 01 tại phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh, mang tên chồng tôi là liệt sỹ Trần Hậu Tỷ, theo Quyết định cấp đất ngày 15/3/1983. Như vậy, Quyết định cấp đất trên là một trong những loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật đất đai năm 2013 để làm căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như khẳng định quyền sử dụng đất hợp pháp của chủ sử dụng đất.
Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Điều 246. Xác lập quyền sở hữu theo bản án, quyết định của Toà án hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Quyền sở hữu có thể được xác lập căn cứ vào bản án, quyết định của Toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác”.
Bà Hồ Thị Hương rất bức xúc khi đơn kiến nghị của mình chưa được giả quyết nhưng UBND TP. Hà Tĩnh và phường Tân Giang quyết liệt “ép” bà bàn giao lại mặt bằng thửa đất đang tranh chấp cho người khác.
Căn cứ thể hiện chưa có việc chuyển quyền sử dụng đất: 1.1. Gia đình chỉ chuyển nhượng phần diện tích đất trong chỉ giới hành lang giao thông tỉnh lộ (căn cứ Quyết định 1989 của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, Hồ sơ cấp đất cho ông Nguyễn Quang Trung); 1.2. Có đủ căn cứ để khẳng định đất ở đây không thể xác định là đất do Nhà nước quản lý, bởi lẽ: a) Các loại đất do Nhà nước quản lý bao gồm: – Đất công cộng là đất sử dụng vào mục đích xây dựng công trình; – Đất công ích: Căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương; – Đất chưa sử dụng bao gồm: Đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng và núi đá không có rừng cây. Ngoài ra, còn có đất ao hầm chưa khai thác, sử dụng; – Đất mới hình thành: Đất bãi bồi ven sông, rạch; đất cù lao trên sông; đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, thủy lợi; – Đất dôi dư chưa được Nhà nước thu hồi: Đất trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, đất thể dục thể thao, đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, đất lâm phần bỏ ra sau khi rà soát quy hoạch 03 loại rừng và đất công trình công cộng, đất chuyên dùng khác do không còn nhu cầu sử dụng hoặc sắp xếp lại dôi dư. – Đất Nhà nước đã bồi thường: Cơ quan nhà nước đã nhận chuyển nhượng, thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất để chuẩn bị đầu tư xây dựng các công trình công cộng, trụ sở cơ quan hoặc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, quỹ đất 7% bàn giao cho địa phương để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp và quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các dự án xây dựng nhà ở xã hội; – Đất đã thu hồi: Đất do Nhà nước thu hồi và giao để quản lý; – Đất nghĩa trang, nghĩa địa do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý (trừ đất do thân tộc, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác sử dụng). b) Căn cứ khoản 2 Điều 49 Luật đất đai năm 2013 quy định: “2. Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”. |
Theo Trí Thức – Diễm Phước / Đời sống & Tiêu dùng
[dailymotion id=”x3fvp79″]