Kinh tế

Hà Tĩnh: Ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong tỉnh

Đến thời điểm hiện tại, đã hình thành 252 mô hình trồng trọt, 987 mô hình chăn nuôi, 237 mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản. Đặc biệt, dự án “ Sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh” vừa tiến hành khảo nghiệm, vừa sản xuất đại trà 32 loại giống cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Một số dự án như Nhà máy chế biến súc sản Mitraco, Nhà máy Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh đang và sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa tại Hà Tĩnh.

Chiều 14/5, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến, phát động phong trào ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong tỉnh. Dự hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Thành Long, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Từ Văn Diện.Thời gian qua, hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển khá, chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng được nâng cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhân dân trong tỉnh với đa dạng các chủng loại sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xây dựng, y tế, giáo dục…

Rau xanh sản xuất bằng công nghệ cao

Để khuyến khích Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và chủ trương ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong tỉnh, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, hỗ trợ với các nhóm giải pháp trọng tâm để khuyến khích người dân, các đơn vị doanh nghiệp đầu tư và phát triển.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự khẳng định: Thời gian qua, việc hình thành các chuỗi liên kết hóa, doanh nghiệp hóa, xã hội hóa đã tháo gỡ khó khăn cho người dân địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh – xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh nhà.

Bia lon 333, sản phẩm của Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn Hà Tĩnh

Thời gian tới, cần thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền cụ thể các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh để dần thay đổi hành vi, nhận thức của người Việt Nam về việc sử dụng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, tập trung ứng dụng, chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật, có chính sách khuyến khích mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh; xây dựng hệ thống phân phối hoàn chỉnh từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, trang bị các hệ thống máy móc bảo quản đồng bộ để đảm bảo sản phẩm chất lượng có giá thành hợp lý, giảm thấp nhất chi phí sản xuất cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự lưu ý các doanh nghiệp trên địa bàn cần phải có tầm nhìn chiến lược về con người, giống, thị trường tiêu thụ, tiết kiệm chi phí sản xuất, giá thành sản xuất hợp lý, đảm bảo về chất lượng để tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý, kiểm định chất lượng, đo lường chất lượng đúng pháp luật.

Các đơn vị ký kết hợp tác, hỗ trợ, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cũng giao cho các sở, ngành liên quan tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm túc đối với tình trạng hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho phát triển sản xuất, đặc biệt ưu tiên phát triển sản phẩm chủ lực, các hộ dân cá thể, tổ hợp tác, Hợp tác xã. Tập trung rà soát để có hướng triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo thành cuộc cách mạng mạnh mẽ, góp phần đảm bảo an sinh – xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Quyết tâm cùng tỉnh phấn đấu đạt và vượt kế hoạch thu ngân sách mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Hội nghị cũng đã triển khai ký kết công tác phối hợp, thỏa thuận, hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Tuệ Trang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP