Một giáo viên không nằm trong danh sách đề cử gương điển hình tiên tiến ngành giáo dục Hà Tĩnh lại “trúng cử”. Bản thân giáo viên này cũng bất ngờ khi tên mình được xướng lên trong bảng thành tích.
Cô Nga “bỗng dưng” được vinh danh trong ngày hội gương điển hình tiên tiến cấp huyện nhưng cô lại quá bất ngờ (ảnh: Trương Hoa)

Để tiến tới ngày hội tuyên dương gương điển hình tiên tiến ngành giáo dục cấp huyện, Phòng giáo dục huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, chỉ đạo Trường tiểu học xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên đề cử ra một giáo viên xuất sắc trong mọi lĩnh vực, nhưng trên cơ sở xét duyệt, lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ, giáo viên nhà trường.

Vào ngày 13/3/2015, Trường tiểu học xã Cẩm Thịnh tổ chức hội nghị thi đua yêu nước, bầu ra cá nhân điển hình tiên tiến cấp huyện. Đơn vị trường được bầu 2 đồng chí, đề cử và ứng cử 3 đồng chí, gồm: cô Lê Thị Hạnh, hiệu trưởng trường; cô Lê Thị Thúy Hằng và Nguyễn Thị Nga đều là giáo viên. Kết quả, cô Hạnh và cô Hằng trúng cử, trong đó cô Hằng được xem là ứng viên số một.

“Danh sách trúng cử gương điển hình trong thi đua yêu nước tại nhà trường được bình bầu, xét xuyệt công khai, minh bạch đúng đối tượng. Việc cô Hằng được lựa chọn là phù hợp, dựa trên thành tích phấn đấu trong năm qua của cô” – cô Lê Thị Hạnh, hiệu trưởng Trường tiểu học Cẩm Thịnh khẳng định.

Sau đó, người lập danh sách, hồ sơ gửi lên Phòng giáo dục huyện là đích thân cô Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học xã Cẩm Thịnh. Như vậy, theo cô Hà thì trong danh sách chính xác là cô Hằng và Hạnh. Danh sách này đã được ký tên, đóng dấu của hiệu trưởng nhà trường. Vì thế, công tác lựa chọn gương điển hình tiên tiến cấp huyện tại nhà trường là đúng người, không có sự nhầm lẫn

Tuy nhiên sau này, một số cán bộ, giáo viên nhà trường phản ánh rằng, khi bình bầu gương điển hình tiên tiến cấp huyện 2010-2015 tại trường, người trúng cử là cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, nhưng đến ngày tuyên dương (tháng 5/2015) tại huyện Cẩm Xuyên thì cô Nguyễn Thị Nga lại được vinh danh. Điều đó khiến nội bộ nhà trường băn khoăn, bức xúc thậm chí nghi kỵ lẫn nhau.

Những câu hỏi nghi vấn giữa cán bộ, giáo viên trong trường được đặt ra. Phải chăng có sự ưu ái “ngầm” ở đây? Hay bình bầu một đường mà lập danh sách một nẻo? Cũng có thể Phòng giáo dục huyện không “tôn trọng” danh sách đề cử của trường mà tự ý bình chọn người khác để lấy thành tích toàn huyện?

Trao đổi với PV Infonet, cô Nguyễn Thị Nga, người “bỗng dưng” được nhận bằng khen gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước cấp huyện cũng tỏ ra bất ngờ. Cô nói: “Trước ngày lễ tuyên dương, tôi nhận điện thoại từ cô Hạnh (hiệu trưởng) thông báo, sáng ngày mai ăn mặc lịch sự, mang quần áo dài lên huyện dự hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến. Tôi có hỏi lại, em là thành phần đại biểu hay sao? Cô Hạnh có đáp, cái đó tôi chịu. Phòng gọi thì cứ đi.

Tại hội nghị, trong phần tuyên dương gương điển hình tiên tiến, khi tên tôi được xướng lên, tôi đã bất ngờ. Nhận bằng khen xong, mới hiểu rõ nội tình, hóa ra tôi lọt vào danh sách gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước cấp huyện 2010-2015″.

Giáo viên trong trường hiểu nhầm nhau

Bản thân cô Hạnh khi trả lời trước toàn thể hội đồng nhà trường, trong buổi làm việc với PV cũng rất trăn trở. Cô chia sẻ: “May mắn nhờ các PV phản ánh, tôi mới điều động toàn ban lãnh đạo nhà trường trực tiếp đối chất về vấn đề “nhầm lẫn” ngoài ý muốn này. Rõ ràng, danh sách đề cử lên phòng là cô Hằng, nhưng đến ngày tuyên dương thì cô Nga lại trúng cử điều đó bản thân tôi cũng vô cùng bất ngờ, không hiểu lí do vì sao lại xảy ra sự tình trên”.

Danh sách đề cử, gửi lên phòng giáo dục là cô Hằng nhưng ngày lễ tuyên dương cô lại không được mời (ảnh; Trương Hoa)

Cô Hạnh nói tiếp: “Mong giải quyết sự nhầm lẫn này một lần cho dứt điểm trước ban lãnh đạo nhà trường. Tôi khẳng định bằng tinh thần, trách nhiệm, cá nhân một người đứng đầu nhà trường, tôi không ưu ái một giáo viên nào. Danh sách gửi lên phòng là tên cô Hằng, dựa trên số phiếu bình bầu, đã được trưng cầu trước ban giám hiệu nhà trường. Trắng – đen rõ ràng, không có sự mập mờ nào đây cả”.

“Phòng giáo dục huyện lựa chọn cô Nga, việc đó phía nhà trường không hay biết. Lý do phòng lựa chọn cô Nga mà không phải cô Hằng, khả năng họ dựa trên bảng thành tích 5 năm. Còn trường đề cử cô Hằng là dựa trên thành tích một năm qua. Xét về tiêu chuẩn 5 năm thì rõ ràng cô Nga lợi thế hơn, nhưng trong năm 2014 thì cô Hằng lại vượt trội. Tuy nhiên, trong hội nghị xét duyệt, bình bầu, khi đưa ra tiêu chí thì phía nhà trường đều cho rằng, cô Nga lâu nay đã có quá nhiều thành tích, nên gương điển hình tiên tiến năm 2015 chọn cô Hằng là phù hợp. Hơn hết, danh sách gửi lên phòng, rõ ràng là cô Hạnh và cô Hằng, nhưng không hiểu sao phòng lại “biến hóa” thành cô Nga” – cô Hoàng Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Cẩm Thịnh chia sẻ thêm.

Ý kiến chung của các giáo viên trong trường cho rằng, việc cô Hằng hay cô Nga ai xứng đáng nhận danh hiệu tiên tiến đã không còn quan trọng. Bản thân hai cô không ai nói gì hay tị nạnh nhau. Tuy nhiên, cái gì cũng phải rõ ràng, phía Phòng giáo dục huyện phải tôn trọng ý kiến, đề xuất của nhà trường. Và nếu có sự thay đổi về cá nhân, buộc Phòng giáo dục phải có văn bản gửi cho nhà trường yêu cầu thay đổi, phù hợp với tiêu chí thành tích 5 năm.

Trao đổi với PV , ông Đặng Quốc Hiền, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Cẩm Xuyên, cho biết, việc lựa chọn cô Nguyễn Thị Nga là hoàn toàn chính xác. Vì cô Nga đã 2 lần đạt danh hiệu giáo viên tiêu biểu toàn huyện. Theo bình xét ban đầu cứ nghĩ là thành tích một năm, nhưng sau hội đồng thi đua xem xét lại thì phải dựa trên 5 năm. Hơn nữa, cô Hằng là giáo viên mới về trường, nhà trường chỉ xét dựa trên một năm là không phù hợp yêu cầu của phòng.

Tuy nhiên, khi PV hỏi lại, nếu có sự thay đổi tại sao Phòng  giáo dục không có công văn gửi về trường yêu cầu bình xét lại thì ông Hiền khẳng định là có. Thế nhưng, trong buổi làm việc với PV phía trường Cẩm Thịnh khẳng định là không có yêu cầu nào từ phía Phòng giáo dục thông báo có sự thay đổi.

Trương Hoa/ Infonet