Phóng sự - Ký sự

Hà Tĩnh: Triệt hạ rừng phòng hộ, “dâng” đất cho doanh nghiệp

Hàng trăm cây phi lao cổ thụ 70-80 năm tuổi bị chặt phá không thương tiếc, cả dải rừng phi lao phòng hộ ven biển, có chức năng bảo vệ người dân khỏi bão tố, cát và gió biển chỉ trong một ngày bị triệt hạ, chỉ còn trơ lại một vùng cát trắngHàng trăm gốc cây cổ thụ bị chặt hạ Những ngày đầu tháng 7/2014, nhận được tin cấp báo của người dân khu tái định cư thôn Ba Đồng, thuộc xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), chúng tôi vào chứng kiến cả rừng phi lao cổ thụ ở đây bị chặt phá tan hoang. Không còn màu xanh ngút tầm mắt, với hàng trăm thân cây phi lao cổ thụ 2-3 người ôm, chỉ còn những hố cát sâu hoắm, cùng với vài ba người đàn bà đang đội nắng sàng, sảy, nhặt nhạnh những mẫu than phi lao còn sót lại. “Họ đưa máy móc vào chặt phá rừng phi lao ni cách đây một tuần rồi các chú ạ. Hàng trăm cây phi lao to rứa, mà họ chặt nhoáng trong 3-4 ngày là hết. Nhiều cây cổ thụ đẹp, họ bững lên xe đưa đi, còn lại thì cưa, xẻ lấy gỗ, phần cành, lá sót lại thì họ đốt hết”- một người phụ nữ nói với chúng tôi. Được biết, rừng phi lao cổ thụ này có từ thời Pháp thuộc, tuổi đời ít nhất cũng 70-80 năm. “Mỗi cây mọc ngay hàng, thẳng lối đều tăm tắp. Cứ cách 2m là một cây cổ thụ 2-3 người ôm. Gần trăm năm qua đã bao bọc, bảo vệ cho người dân vùng ven biển này, rứa mà họ nỡ triệt hạ chỉ để dành đất cho doanh nghiệp nuôi tôm”- ông Điểm, người dân Ba Đồng bức xúc. Theo người dân nơi đây, thì rừng phi lao cổ thụ này thuộc diện tích rừng phòng hộ ven biển bao đời nay, nhưng từ khi Công ty TNHH Grobest Việt Nam vào trình dự án nuôi tôm trên cát sạch, thì chính quyền nhẫn tâm “dâng đất, chặt phá rừng” để cho doanh nghiệp làm. Điều đáng nói, dự án này ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, cũng như sự an toàn trước mỗi mùa gió chướng của hàng trăm hộ dân vùng tái định cư, nhưng chẳng một người dân nào được thông tin đầy đủ, chỉ đến khi xe, máy của doanh nghiệp vào chặt phá rừng, thì người dân mới biết. “Ngày đơn vị thi công đưa máy móc vào chặt phá rừng, bà con trong thôn ra ngăn cản, nhưng không được, học cứ chặt, cứ phá bất chấp sự phản đối của người dân chúng tôi”- Bà Quèn, 77 tuổi cho biết.

hatinh24h
Một gốc cây cổ thụ bị xẻ làm gỗ còn sót lại trên cát

Bất bình hơn, doanh nghiệp vào chặt phá rừng, còn được sự bảo vệ của lực lượng Công an, Biên phòng.
Ưu tiên doanh nghiệp “con cưng”?
Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết Dự án nuôi tôm trên cát công nghệ cao do Công ty TNHH Grobest Việt Nam làm chủ đầu tư. Tháng 2/2014 đã có công văn xin tỉnh Hà Tĩnh chủ trương, đến ngày 26/3/2014 UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương cho công ty TNHH Grobest Việt Nam khảo sát, thực hiện các trình tự thủ tục để triển khai, đồng thời giao cho Ban quản lý khu kinh tế chủ trì, phối hợp với các sở: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kế hoạch đầu tư, Tài nguyên môi trường và huyện Kỳ Anh thực hiện.

hatinh24h1
Rừng phi lao cổ thụ phòng hộ ven biển, giờ chỉ còn bãi cát trắng mênh mông

UBND tỉnh Hà Tĩnh còn “ưu ái” chỉ đạo “sớm triển khai dự án và nuôi tôm ngay trong quý II/2014”. Phải chăng vì UBND tỉnh “nóng ruột” thực hiện dự án như vậy, nên mặc dầu khu đất doanh nghiệp khảo sát, lập dự án là vùng rừng phi lao phòng hộ, có tuổi đời 70-80 năm, nhưng tỉnh vẫn quyết liệt cho doanh nghiệp làm bằng được, bằng cách có công văn điều chỉnh quy hoạch cục bộ Khu kinh tế Vũng Áng, điều chỉnh khu đất khoảng 40h tại thôn Ba Đồng (nơi có rừng phi lao cổ thụ phòng hộ) từ cây xanh sinh thái tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản.
Càng bất thường hơn, khi dự án đang trong giai đoạn khảo sát, dự kiến đền bù cho người dân, thì doanh nghiệp lại ngang nhiên vào chặt phá rừng phòng hộ.
Ngang ngược hơn, trong quá trình chặt phá rừng phi lao phòng hộ này, lực lượng Kiểm lâm địa bàn đã đến kiểm tra, lập biên bản nhưng phía doanh nghiệp vẫn không chấp hành, sau 3-4 ngày cả khu rừng với gần 200 gốc cây phi lao cổ thụ bị triệt hạ ngổn ngang.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Chương- Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương cho biết “đây là rừng phòng hộ, trồng từ thời pháp, sau ta có trồng lại, trồng dắm vô, rừng có diện tích khoảng 36 ha, bao đời nay bảo vệ dân vùng ven biển đó. Sau này, tỉnh có quy hoạch thành hành lang cây xanh từ năm 2009, nhưng khi chặt thì chưa có quyết định chuyển đổi rừng phòng hộ của tỉnh”.
Ông Chương cũng khẳng định “Dự án này xã có được thông báo, nhưng vẫn do các ông ở trên làm”. Và cho biết thêm “Khi doanh nghiệp vào chặt, thủ tục vẫn chưa đầy đủ, Kiểm lâm huyện có vào và gọi cán bộ xã xuống, lập biên bản đình chỉ vì chưa đầy đủ thủ tục. Nhưng sáng hôm sau thì vẫn tiếp tục triển khai, họ chặt khoảng 304 ngày thì xong, với lực lượng đông, dử dụng cưa máy…”.
Nói thêm về sự hợp lý của dự án, cũng như việc chặt rừng phi lao phòng hộ, vị Chủ tịch xã có vẻ cam chịu “Xã thấy không hợp lý nhưng vì họ cam kết sử dụng lao động tại địa phương nên cũng hi vọng giải quyết được số lao động dôi dư cho con em trên địa bàn xã. Họ cam kết bằng văn bản như vậy nhưng không biết khi đi vào thực hiện thì thế nào….”.
Như vậy, bằng bất cứ sự biện minh nào, thì việc chặt hàng chục ha rừng phi lao cổ thụ phòng hộ ven biển, chỉ để phục vụ dự án nuôi trồng thủy sản ở vùng tái định cư này là không thể chấp nhận được. Càng không thể chấp nhận hơn, khi dự án đang triển khai, các trình tự thủ tục đang được thực hiện, doanh nghiệp đã ngang nhiên đưa người và máy móc vào triệt phá rừng phòng hộ một cách tàn nhẫn.

Theo Bùi Tiến/báo Bảo vệ pháp luật số 62

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP