Dự án treo trên giấy gần 2 năm trời, gây khó khăn cho người dân và lãng phí rất lớn.
Gần hai năm nay, người dân xã Cẩm Hà hết sức “chướng mắt” trước việc hàng trăm mét tường rào được xây dựng kiên cố ở phía trước Trường THCS Sơn Hà chỉ để bảo vệ đám đất trống và dành cho cỏ dại mọc. Trước đây, hàng nghìn m2 đất này là đất hai lúa, được người dân tập trung sản xuất, đảm bảo cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Liên (xóm Trung Thắng, xã Cẩm Hà) cho hay, gia đình chị có hơn 3 sào ruộng trồng lúa tại cánh đồng của xóm Trung Thắng. Hơn 2 năm về trước, UBND xã thông báo thu hồi đất để mở rộng trường cấp hai, chị Liên cũng như hàng chục hộ dân khác tại xã Cẩm Hà sẵn sàng nhường đất cho dự án.
Song, thu hồi cả năm trời không thấy có động tĩnh gì, đất để hoang, cỏ dại mọc um tùm, trâu, bò, gà, vịt…của các hộ dân gần đó chăn thả tự do, ảnh hưởng đến sản xuất ở khu vực lân cận. “Nhà tôi có hơn 500m2 bị thu hồi và có 2 sào ở khu vực gần kề, nhưng cả xã thì có hàng nghìn m2 bị thu hồi rồi để hoang mấy năm trời, như vậy không những lãng phí mà còn ảnh hưởng đến việc sản xuất vùng gần đó”, chị Liên nói.
Bức xúc trước sự việc, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân xã Cẩm Hà kiến nghị lên chính quyền địa phương đề nghị đưa ra phương án giải quyết để họ ổn định sản xuất. Trước tình hình đó, tháng 10/2016, UBND xã Cẩm Hà trích 400 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa trường học để xây hàng rào. Với giải pháp này, trước mắt việc sản xuất của người dân xung quanh đã cơ bản ổn định, tuy nhiên dự án vẫn tiếp tục “treo” thì sự sự lãng phí càng lớn.
Được biết, dự án xây dựng Trường THCS Sơn Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt ngày 16/1/2015, với quy mô nhà học 2 tầng, 10 phòng, tổng diện tích quy hoạch gần 5.000m2, chủ đầu tư là UBND xã Cẩm Hà. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8,6 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần theo Quyết định số 35/2012/QĐ-UBND ngày 13/7/2012 của UBND tỉnh, ngân sách huyện và chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Lê Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: Sở dĩ trường học đã phê duyệt gần hai năm nhưng chưa xây dựng là do thiếu vốn. Về phía xã sau khi có quyết định phê duyệt dự án, xã đã huy động vốn xã hội hóa trường học được một năm, thời gian dự thu là 3 năm còn về phía huyện và tỉnh thì chưa có. Trong các cuộc họp, xã cũng nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kế hoạch cụ thể.
“Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài, một mặt sẽ gây lãng phí quỹ đất, tiền xây hàng rào bảo vệ, mặt khác ảnh hưởng đến công tác quản lý, việc dạy và học của học sinh, đồng thời ảnh hưởng đến tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới của xã” – ông Hùng nhấn mạnh.
Hạnh Nguyên