Vừa qua, vào ngày 12/3 tại địa bàn xã Thuận lộc, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã xảy ra vụ sập cầu nghiêm trọng. Các sà lan của thuyền, bè chở cát khi di chuyển qua cầu Cơn Đô đã đâm vào chân cầu khiến toàn bộ sụp gãy hoàn toàn. Rất may tại thời điểm xảy ra vụ việc không có người tham gia giao thông trên cầu nên không xảy ra thương vong nào.
Tuy nhiên, sự việc đã khiến người dân tại xã Thuận Lộc, TX Hà Tĩnh hoang mang, vì tại đây không chỉ riêng cầu Cơn Đô mà còn có hàng chục cây cầu khác cũng đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, có thể gãy sập bất cứ lúc nào.
Bị sà lan hút cát đâm vào, cầu Cơn Đô phút chốc bị gãy sập hoàn toàn |
Là cây cầu huyết mạch nối các vùng phụ cận trong toàn xã Thuận Lộc, cầu Hồng Phúc đang trong tình trạng xuống cấp báo động. Theo quan sát, phía dưới gầm cầu, các chân trụ xiêu vẹo, sụt lún. Có những trụ cầu bị rạn vữa lộ cả phần lõi thép bên trong. Nhưng thật bất ngờ khi được biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hư hỏng này là do hàng ngày những sà lan hút cát của thuyền bè khi lưu thông qua đã đâm vào trụ cầu gây nên tình trạng các khối bê tông dưới chân cầu bị vữa ra, trụ cầu dần nghiêng sụt.
Các chân trụ ở cầu Hồng Phúc bị sà lan hút cát của các thuyền, bè đi qua đâm vữa cả khối bê tông lộ cả phần lõi thép. |
“Hàng ngày cứ hễ nước lên là thuyền lại chạy ầm ầm không kể ngày hay đêm. Một ngày phải đến 3 chục chuyến mà cái nào cũng đâm vào chân cầu thì sao không gãy cho được”. Bà H (60 tuổi), trú gần cầu Hồng Phúc bức xúc cho biết.
Không riêng gì cầu Hồng Phúc mà tình trạng tương tự cũng diễn ra tại cầu Bãi Thẹn (xã Đức Thịnh- TX Hồng Lĩnh); cầu Đò De, cầu Liên Lạc (xã Yên Hồ- Đức Thọ)… Tất cả đều chịu chung số phận khi bị các sà lan hút cát của các thuyền, bè đâm “vô tội vạ” gây nên tình trạng vỡ, rạn ở dưới chân trụ cầu. Theo quan sát, hàng ngày có khoảng 20-30 lượt thuyền, bè lưu thông qua tại các điểm cầu nhưng không hề có bất cứ hệ thống báo hiệu đường thủy nào.
Đáng nói, tình trạng này đã diễn ra đã hàng chục năm nay nhưng các cơ quan chức năng vẫn “thả rông” không can thiệp. “Chuyện sà lan đâm vào trụ cầu là chuyện rất bình thường tại đây. Hàng ngày phải đến vài ba chục chuyến. Chuyến nào có cát còn đỡ vì họ lái chậm chứ thuyền không thì đâm ầm ầm. Dân nói nhiều mà thấy chính quyền ai có ý kiến gì đâu” ông T. (55 tuổi), trú tại xã Đức Thịnh cho hay.
Thời điểm chúng tôi có mặt đã gần 12h trưa, phía dưới bờ sông, hàng chục chiếc thuyền đã hút sẵn cát chầu chực chờ nước lên để di chuyển.
Hàng chục chiếc thuyền đang nằm chờ nước lên để đi chuyển. |
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đội CSGT công an thị xã Hồng Lĩnh, Trung tá Nguyễn Viết Trung cho biết: “Trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh có 7 cây cầu dân sinh bắc qua sông. Do thời gian xây dựng đã lâu và bị sà lan các thuyền bè hút cát đâm vào khiến các chân cầu bị sụp gãy”.
Theo tìm hiểu, trước đó, đội đã có tham mưu với UBND thị xã Hồng Lĩnh về việc nâng cấp, sửa chữa và thay mới các cây cầu dân sinh trên địa bàn đặc biệt là cây cầu Cơn Đô. Sau đó, UBND thị xã cũng đã có văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh về tình trạng xuống cấp của cây cầu này. Tuy nhiên, khi sự việc chưa được giải quyết thì đã xảy ra tai nạn sập cầu nói trên.
Trước khi bị đâm sập, cầu Cơn Đô đã nằm trong tình trạng báo động đỏ về sự xuống cấp. |
Hiện, theo tính toán, chi phí để làm mới lại cầu Cơn Đô ước tính phải mất khoảng gần 20 tỷ đồng.
Rời Hồng Lĩnh và Đức Thọ, theo QL8A chúng tôi tiếp tục ngược lên Hương Sơn. Tại đây, cây cầu treo Nầm cũng đang xuống cấp trầm trọng. Tất cả hệ thống cáp treo và dầm cầu đã yếu và hoen rỉ, bởi vậy từ đầu năm 2016 đến nay đã phải cẩm những phương tiện trên 5 tấn lưu thông, ảnh hưởng lớn đến sự sản xuất phát triển kinh tế tại địa phương.
Một cây cầu khác tại xã Sơn Hồng (huyện Hương Sơn) cũng nằm trong tình trạng báo động là cầu Khe Cò.
Đã có hàng chục vụ tai nạn xe máy và 4 người thiệt mạng khi đi qua cây cầu “tử thần” này. |
Nhiều năm qua, người dân nơi đây mỗi khi qua đều phải nín thở vì toàn bộ cầu đã sụp gãy gần hết, đã có hàng chục vụ ngã xe máy và 4 người thiệt mạng khi đi qua cây cầu này. “Nhiều năm nay, chính quyền địa phương và tâp thể bà con nhân dân đã viết đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Nguyễn Hữu Trung- công an viên xã Sơn Hồng thông tin.
Liên quan đến sự xuống cấp của các cây cầu trên địa bàn, ông Nguyễn Trọng Thành- Trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Hương Sơn cho biết: “Hiện, trên toàn huyện có rất nhiều cây cầu đang xuống cấp cần được sửa chữa và thay mới. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn”.
Với tính mạng của người dân đang treo lơ lửng trên những chiếc cầu dân sinh xuống cấp, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đảm bảo sự an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Ngân Hà