Để đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với các tổ chức, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp về bộ máy, biên chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Kết luận số 05-KL/TU, ngày 29/6/2016 và thống nhất chủ trương xây dựng “Đề án nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị” (sau đây gọi tắt là Đề án).
Thời gian qua, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế trên địa bàn tình đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Trong đó, đã chuyển giao quản lý 07 đơn vị sự nghiệp từ sở, ngành về UBND cấp huyện quản lý; sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm; sáp nhập 805 trường xuống còn 703 trường ; sáp nhập 2.837 thôn, tổ dân phố xuống còn 2.140…
Các tổ chức, trường học, thôn, xóm mới sau khi kiện toàn, sắp xếp lại đã sớm ổn định và đi vào hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, công tác quản lý, chỉ đạo được tăng cường; việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành với UBND cấp huyện trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động quản lý nhà nước được tăng cường chặt chẽ, phát huy hiệu quả hơn.
Cùng với đó, thực hiện theo Đề án nói trên, Hà Tĩnh đã giảm được số lượng biên chế đáng kể (năm 2015 giảm 297 người, năm 2016 giảm 117 người) và giảm hơn 14.000 cán bộ thôn, xóm, góp phần tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên cho tỉnh. Một số đơn vị đã chủ động thực hiện việc nhất thể hóa các chức danh: Bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện (Đức Thọ), phó trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị (Hương Sơn)…
Ngoài ra, việc rà soát, sắp xếp lại nhân sự, bố trí sử dụng công chức, viên chức cơ bản phù hợp theo cơ cấu, vị trí việc làm, từng bước góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ thôn, xóm.
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, Ban chỉ đạo đề án cũng nhìn nhận: Việc học tập, quán triệt Kết luận 05 chưa sâu rộng, chỉ phổ biến đến hội nghị cán bộ cốt cán của từng đơn vị; phần lớn đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc các nội dung của kết luận.
Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ một số cơ quan, đơn vị còn chồng chéo, thiếu thống nhất trên một số mặt công tác. Một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý có tâm lý ngại khó, sợ đụng chạm đến quyền lợi, đây là lực cản làm ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện.
Không những vậy, việc sáp nhập ở một số địa phương, đơn vị chỉ mang tính cơ học, chủ yếu là nhập bộ máy; còn thực tế hoạt động của bộ máy sau khi sáp nhập, chia tách, điều chỉnh hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Từ thực tế đó, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn giao các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu rộng Kết luận 05-KL/TU để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân hiểu sâu hơn, cụ thể hơn; chú trọng chất lượng của việc rà soát; bám sát tình hình đặt ra của thực tiễn bộ máy để xây dựng đề án đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Ông Sơn nhấn mạnh, cần nghiên cứu kỹ lộ trình thực hiện, làm chắc chắn, thận trọng, vì đích cuối cùng là hiệu quả hoạt động, gọn bộ máy, giảm ngân sách. Trong quá trình hiện, tùy thực tiễn tình hình, kể cả các đơn vị cấp huyện và cấp cơ sở, đơn vị nào thuận lợi sẽ tiến hành thực hiện trước.
P.V