Nông Thôn Hà Tĩnh

Hà Tĩnh thiệt hại hơn 8 tỷ đồng do tình trạng ngao chết hàng loạt

Ông Phạm Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh, cho biết từ ngày 19/2 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã có khoảng trên 650 tấn ngao bị chết tại bốn xã, ở hai huyện là Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, với tổng diện tích gần 68ha của 36 hộ dân. Ước tính, thiệt hại của người dân khoảng trên 8 tỷ đồng.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Ngay sau khi nhận được thông tin ngao chết hàng loạt, Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời phối hợp với Trung tâm chẩn đoán Thú ý trung ương (Cục Thú y) lấy mẫu xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân.Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho âm tính với bệnh ký sinh trùng và bệnh Perkinsus (bệnh nguy hiểm ở ngao).

Để tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân khiến tình trạng ngao chết hàng loạt như trong thời gian vừa qua tại tỉnh Hà Tĩnh, trong hai ngày 8-9/3, Cục Thú y đã thành lập đoàn kiểm tra do ông Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm chấn đoán Thú y trung ương làm trưởng đoàn đã về tận hiện trường nắm thông tin, tiếp tục lấy mẫu nước, mẫu ngao bị chết.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y Hà Tĩnh, hiện tượng ngao chết được phát hiện vào ngày 19/2, ngao chết rải rác tại các bãi ngao thộc xã Cẩm Lĩnh và Thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) với tổng diện tích nuôi 38,6ha/21 hộ.

Đến này 27/2, ngao chết hàng loạt với tỷ lệ chết lên tới 90%. Thời điểm này các bãi nuôi đã thả giống từ 3-10 tháng, mật độ thả giống 330 con/m2, (kích cỡ 400-450 con/kg), tại thời điểm hiện tại cỡ ngao đạt khoảng từ 50-60 con/kg.

Tiếp đến là ngày 20/2, ngao chết được phát hiện tại các bãi nuôi ngao ở hai xã Kỳ Hà và Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh), đến ngày 26/2, tại hai xã nói trên đã xuất hiện tình trạng ngao chết hàng loạt với tỷ lệ trên 90%, với tổng diện tích nuôi 29 ha/15hộ.

Giải phẩu các mẫu ngao đang còn sống cho thấy thịt ngao có màu trắng nhạt, ruột rỗng. Qua kiểm tra, người dân cho biết vào ngày 19-20/2 đã có hiện tượng thủy triều lên với màu đỏ, đục.

Theo nhận định về nguyên nhân dẫn đến ngao chết hàng loạt của Chi cục Thú ý tỉnh Hà Tĩnh, nguồn giống lấy từ các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình của các hộ nuôi ngao xã Cẩm Lĩnh, thị trấn Thiên Cầm, xã Kỳ Hà không có hồ sơ kiểm dịch. Mật độ nuôi ngao cao so với khuyến cáo của ngành.

Do mật độ nuôi ngao cao làm cho hàm lượng ôxy hòa tan không đủ cung cấp theo nhu cầu phát triển tối ưu của ngao, làm cho ngao gầy yếu.

Những vùng có ngao chết, thịt ngao phân hủy nhanh làm tăng mức độ nhiễm bẩn cho các bãi ngao nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật có hại phát triển, đồng thời làm tăng hàm lượng các khí độc như H2S, NH3…

Ông Phạm Thanh Bình cho biết trước tình trạng ngao chết hàng loạt, Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh đang hướng dẫn bà con triển khai các biện pháp phòng, chống.

Trước mắt, Chi cục khuyến cáo bà con khẩn trương thu hoạch số ngao còn sống đã đạt kích cỡ thương phẩm, kiểm tra lại số ngao còn nhỏ và di chuyển sang khu vực thuận lợi hơn, tiếp tục vệ sinh khu vực nuôi.

Bên cạnh đó, người dân cần tích cực vớt ngao chết ra xa khu vực nuôi, xác ngao chết, phơi ở những khu đất trống thích hợp để sử dụng đốt vôi.

Người dân tuyệt đối không cào ngao xác chết đổ ra vùng cửa sông. Tích cực cày xới, phơi bãi, bón vôi, khử trùng ở các khu vực trũng nhiều bùn đen; không thả giống sau thời gian tối thiểu từ 3 đến 4 tháng để khôi phục và ổn định môi trường.

Về lâu dài, trước mỗi kỳ thả giống mới, người dân phải thực hiện làm sạch bãi nuôi, cải tạo bãi nuôi đúng quy trình kỹ thuật. Thực hiện thả giống đã qua kiểm dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch do Chi cục Thú y các tỉnh thành phố cấp.

Trước khi thả giống, người nuôi cần kiểm tra, loại bỏ những con giống yếu, chết. Mật độ nuôi cần thực hiện theo đúng quy định hoặc thu tỉa những con đã đạt kích cỡ thương phẩm…

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại ở tỉnh Hà Tĩnh ngao chết không chỉ xảy ra ở hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên, mà tại xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, ngao nuôi ở đây cũng đang có tình trạng chết hàng loạt kể từ ngày 5/3 tới nay./.

Phan Quân (TTXVN/Vietnam+)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP