Hàng chục tấn xi măng do nhà nước hỗ trợ làm giao thông nông thôn tại xóm Trại Tiểu, (xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) vận chuyển về tận xã đang tiến hành bốc dỡ thì bất ngờ bị lực lượng Thanh tra giao thông Hà Tĩnh cản trở, gây bức xúc đối với chính quyền và nhân dân địa phương.
Vào khoảng 3 giờ sáng 15/4, xe ô tô tải mang biển kiểm soát 36L – 8079, do Nguyễn Viết Giang (SN 1992) trú tại xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) điều khiển chở 34 tấn xi măng bằng nguồn tài trợ 100% theo Quyết định số: 632/QĐ-UB của UBND tỉnh Hà Tĩnh làm đường giao thôn tại thôn Trại Tiểu, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc được tập kết tại xã.
Sau khi nhà xe tranh thủ ngủ đợi sáng ra để bốc xuốngi, thì bất ngờ, Đội tuần tra Thanh tra giao thông Hà Tĩnh do ông Đoàn Mạnh Tường, Phó chánh thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh làm trưởng đoàn tới gõ cửa ca bin đề nghị lái xe xuất trình giấy tờ. Lúc này lái xe đã đi ngủ, người trông hàng đồng thời là chủ xe, ông Nguyễn Trường An ( 45 tuổi) trú tại, T.P Vinh, Nghệ An) đề nghị không làm việc vì hiện tại xe của ông không tham gia giao thông và cũng không đậu lấn chiếm lòng lề đường.
Đặc biệt, vào khoảng 9 giờ cùng ngày, UBND xã Mỹ Lộc điều động 1 xe tải nhỏ loại 8 tấn đến tăng bo số vật liệu về thôn thì Đội tuần tra giao thông (TTGT) Sở GTVT Hà Tĩnh lại tới không cho hạ số xi măng xuống và đòi lái xe 36L-8079 xuất trình giấy tờ xe. Ông Thái Hữu Tân, cán bộ phụ trách xây dựng xã Mỹ Lộc thắc mắc Đội TTGT sao không kiểm tra lúc xe chạy trên đường mà lại cản trở việc bốc hạ tại nơi cố định, nhưng Đội TTGT vẫn bỏ ngoài tai.
Tới khoảng 16 giờ cùng ngày, UBND xã Mỹ Lộc lại tiếp tục điều xe ô tô tải 8 tấn khác đến tăng bo xi măng về cho thôn làm đường, nhưng Đội TTGT Sở GTVT Hà Tĩnh lại xuất hiện và cản trở. Thấy việc làm của Đội TTGT Sở GTVT Hà Tĩnh khăng khăng không chịu cho hạ số xi măng trên, nên chính quyền xã và người dân tình nguyện bốc hàng đành phải tấp bạt để nguyên vật liệu một nơi.
Chiều tối 16/4 TTGT, Sở GTVT Hà Tĩnh bắt đầu phối hợp với phòng CSGT Hà Tĩnh tới địa điểm, yêu cầu nhà xe xuất trình giấy tờ và hạ xi măng xuống để kéo xe về xử lí. Tuy vậy, lúc này đã ngoài giờ hành chính nên chính quyền xã không huy động được phương tiện. Còn nhà xe sau khi bốc được một nửa số hàng xếp xuống đất nhưng không chuyển được về kho, sợ bị hỏng nên dừng lại.
Trưa 17/4, đã bước sang ngày thứ 3 mà số xi măng trên vẫn chưa được bốc giao cho xóm. Đội TTGT Sở GTVT Hà Tĩnh vẫn nhất quyết cho rằng xe chở quá tải, kết cấu thành thùng xe không đúng quy định. Nhà xe cũng thừa nhận sai, nhưng cho là hiện tại xe đậu một nơi cố định không tham gia bất cứ một hoạt động giao thông nào thì xe cũng chẳng khác nào bãi chứa xi măng mà thôi, nên cương quyết không xuất trình giấy tờ.
Được biết, Mỹ Lộc là một xã nghèo, tới nay mới thực hiện được 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian qua, riêng thôn Trại Tiểu đã đóng góp được hàng ngàn ngày công làm giao thông nông thôn, và đã làm được 530m đường cấp phối. Trước đó, thôn được hỗ trự 20 tấn xi măng và đang chờ nhận hỗ trợ tiếp 34 tấn đợt này để hoàn thiện phần kết cấu bê tông bề mặt với chiều dày 14cm, chiều rộng 3m, đúng tiêu chuẩn quy định.
Ông Đặng Tuấn, một người tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại thôn Trại Tiểu bức xúc: “Nếu không làm kịp thời rất có thể mọi công sức của người dân chúng tôi sẽ đổ xuống sông xuống biển! Bởi mùa gặt sắp đến nên dân sẽ phải tập trung cho thu hoạch lúa. Hơn nữa, mùa mưa cũng bắt đầu xuất hiện…. đó là những thách thức lớn cho việc bê tông hóa giao thông nông thôn của xóm.”
Dẫu cách làm của Đội TTGT Sở GTVT Hà Tĩnh như thế nào thì với 34 tấn xi măng được cấp cho dân làm đường vẫn chình ình ra đó, và đang có nguy cơ bị hư hỏng. Vậy ai phải chịu trách nhiệm về hậu quả này?
Thành Sen, Anh Hữu , Khánh Trình