Rặng phi lao ông Nguyễn Mạnh Lừng trồng bây giờ đã cao lớn |
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ quanh năm bám biển mưu sinh, ông Lừng thuở nhỏ đã theo cha ra khơi đánh cá. Nhà ở gần cửa biển, mỗi mùa mưa bão đi qua là gia đình ông và dân làng lại âu lo vì biển ngày càng lấn sâu vào đất liền.
Theo thời gian, trảng cát trắng trước nhà bị sóng biển “bào mòn” khiến ngôi làng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Đến năm 19 tuổi, ông Lừng nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau. Hòa bình lập lại, ông được cử đi học rồi về công tác tại Sư đoàn 307, Quân khu 5. Năm 1994, ông được nghỉ hưu theo chế độ với hàm trung tá.
Chuyện cô giáo Sóc Trăng tận tâm với học trò không tay, không chân Trở về địa phương lấy vợ và sinh con, ông Lừng tiếp tục kế nghiệp cha ông bám biển mưu sinh. Thời gian này, ông còn được người dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Chủ tịch UBMTTQ xã.
“Ngày tôi rời quân ngũ trở về, ngôi làng đã được dịch chuyển vào bên trong, bỏ lại dải cát trắng dài khoảng 3 km đang bị xói lở nghiêm trọng. Nếu không có rừng phòng hộ thì chẳng bao lâu nữa đất đai, nhà cửa bị sóng biển cuốn trôi. Không để biển tiếp tục xâm thực, tôi xin phép chính quyền địa phương giao cho 2 ha rồi bỏ tiền túi mua 7.000 cây phi lao về trồng”, ông Lừng nhớ lại.
Thấy việc làm đầy nghĩa hiệp của ông Lừng, những hộ dân có nhà nằm sát biển dần dà cũng học theo ông mua phi lao về trồng sau nhà. Đến nay, rừng phi lao hàng vạn cây của ông Lừng và người dân trong thôn đã phủ xanh dải cát trắng bỏ hoang ngày nào. Nhờ rặng phi lao này, gần 2 thập niên qua, không còn tình trạng biển xâm thực, người dân thôn Lâm Phú cũng bình yên hơn trong mùa mưa bão.
Phục hồi nghề cá
Chuyện 'ông già Biển Hồ' chuyên vớt xác, cứu người Ông Lừng nói, trước đây người dân trong thôn chủ yếu đánh bắt cá bằng nghề lưới rùng và lưới rẹo. Đây là 2 ngư cụ truyền thống của người dân địa phương dùng để đánh bắt cá gần bờ. Từ tháng 1 - 4, người hành nghề lưới rùng để đánh cá nục, cá mú, mực. Còn từ tháng 5 - 7 là mùa cá cơm, cá ngần vào bờ nên người dân sử dụng lưới rẹo để đánh bắt. Để sử dụng 2 loại lưới này, cần huy động ít nhất 20 thanh niên trai tráng hợp lại.
Tuy nhiên, thời điểm ông trở về quê thì nghề đánh bắt này đã bị thất truyền. “Nguyên nhân là do hầu hết những thanh niên khỏe mạnh trong thôn bỏ đi miền Nam kiếm kế sinh nhai hoặc đi xuất khẩu lao động. Ở nhà chỉ có người già, trẻ em, phụ nữ và cựu chiến binh nên phải mua các ngư cụ đánh bắt khác thay thế. Vì đây là nghề đánh bắt hiệu quả, cho thu nhập cao, tôi đã bắt tay vào việc phục hồi nghề đánh bắt cá truyền thống này”, ông Lừng nói.
Đầu năm 2001, ông Lừng bỏ ra 100 triệu đồng để mua lưới, phao, chì, dây thừng, rồi huy động những bậc cao niên trong thôn còn nhớ cấu trúc của lưới rùng, lưới rẹo cùng nhau phục chế lại 2 loại ngư cụ này. Sau nửa năm mày mò, ông Lừng và người dân địa phương đã phục hồi thành công “báu vật” đi biển của cha ông. Tiếp đó, ông Lừng huy động được 25 đàn ông có sức khỏe tốt nhất để cùng nhau kéo lưới tiếp tục bám biển.
Mỗi năm, nghề lưới rùng và lưới rẹo này đã mang lại thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân trong thôn. Cuộc sống của người dân theo đó cũng vơi bớt khó khăn. Nhận thấy 2 nghề đánh bắt này ngày càng có hiệu quả, năm 2016, ông Lừng đã thành lập Tổ hợp tác khai thác và chế biến hải sản Bình Minh, quy tụ được 25 người tham gia. Bình quân mỗi năm, tổ hợp tác thu về hàng trăm triệu đồng từ việc đánh bắt.
Ông Trần Thế Tài, Chủ tịch UBND xã Xuân Liên, cho biết ông Lừng còn tự nguyện hiến đất để chính quyền địa phương mở đường trong xây dựng nông thôn mới, cũng như thường xuyên ủng hộ tiền cho quỹ đền ơn đáp nghĩa của thôn, xã. “Tấm lòng hào hiệp của ông Lừng được người dân nể phục và chính quyền địa phương ghi nhận nhiều năm nay. Việc làm của ông Lừng rất đáng được nhân rộng để người dân trên địa bàn noi theo”, ông Tài nói.
Tác giả: Phạm Đức
Nguồn tin: Báo Thanh niên