Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Sự cố tại Nhiệt điện Vũng Áng I kéo GRDP chậm tăng trưởng

Tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm 2022 vừa qua, ông Trần Thanh Bình - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết, tổng giá trị sản phẩm trong tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 23.500 tỷ đồng, tăng chưa đến 0,1% so với cùng kỳ.

Ông Trần Thanh Bình - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại buổi họp báo.

Trong đó, sản lượng điện nửa năm giảm hơn 36% do tổ máy của Nhiệt điện Vũng Áng I - một trong hai động lực tăng trưởng của tỉnh gặp sự cố, chưa thể khắc phục. Hai động lực tăng trưởng chính của Hà Tĩnh là Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Nhiệt điện Vũng Áng I. Khi các đơn vị này sản xuất sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp, ảnh hưởng tới đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. "Nhìn vào bức tranh kinh tế của Hà Tĩnh cho thấy, đây là kỳ đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2021-2025, tỉnh có mức tăng trưởng thấp nhất", ông Bình nói.

Cục trưởng Cục Thống kê Hà Tĩnh phân tích, GRDP thấp do chịu tác động từ hai khu vực là nông – lâm - ngư nghiệp và công nghiệp xây dựng. Ở khu vực công nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất phân phối điện, do tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I gặp sự cố hỏng tuabin từ tháng 9/2021 đến nay chưa khắc phục được, 6 tháng đầu năm chỉ sản xuất 1,8 tỷ kWh, giảm hơn 53% (2,1 tỷ kWh). Tổng sản lượng điện của tất cả nhà máy trên toàn tỉnh chỉ đạt 4,1 tỷ kWh, giảm 36,34% so với cùng kỳ.

"Việc sụt giảm lượng điện sản xuất khiến GRDP ngành công nghiệp mất hơn 11% so với cùng kỳ. Đây là lý do chính làm cho tổng sản phẩm trong tỉnh không có tăng trưởng", ông Bình cho hay.

Ông Nguyễn Duy Minh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh - đơn vị vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I cho biết, sự cố hỏng tuabin tổ máy số 1 do mất điện tự dùng, dẫn đến hệ thống dầu bôi trơn ngừng vận hành gây ra hỏng các gối trục tuabin. Việc sửa chữa phụ thuộc vào kỹ sư và công nghệ nước ngoài, trong nước không thể làm, nên thời gian khắc phục lâu. Hiện, một số trục đã được đưa sang Indonesia sửa chữa, cuối năm nay có thể đem về lắp chạy thử. Dự kiến tháng 02/2023, tổ máy số 1 mới hoạt động trở lại.

"Sụt giảm sản lượng điện có nhiều vấn đề, ngoài sự cố hỏng tuabin, thì việc giá than tăng cao, biến động nhiên liệu thế giới, thị trường nhu cầu không lớn... nên sản lượng huy động cầm chừng theo kế hoạch", ông Minh nói. Từ tháng 9/2021, nhà máy đã ngừng cung cấp điện lên hệ thống điện lưới quốc gia.

GRDP giảm do sự cố của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I.


Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Hà Tĩnh muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào nhà máy Formosa. Tỉnh ưu tiên phát triển bốn lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm: Công nghiệp luyện thép, chế biến và chế tạo năng lượng; nông, lâm, thủy, sản; thương mại, dịch vụ, logistics; du lịch. Mục tiêu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung bộ. Năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000 USD, nâng lên 17.700 USD vào năm 2045 và 26.000 USD vào năm 2050.

Nhiệt điện Vũng Áng I tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh là nhà máy nhiệt điện than lớn nhất miền Trung. Công trình khánh thành năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 29.500 tỷ đồng, công suất 1.200MW, gồm hai tổ máy. Mỗi năm đạt sản lượng điện xấp xỉ 7 tỷ kWh, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 300 tỷ đồng.

Tác giả: Uyên Uyên

Nguồn tin: Báo Xây Dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP