Chăm sóc sức khỏe

Hà Tĩnh: Ra quân triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ

Trong cả nước dịch sởi đang diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2014 đến nay có 6.611 tại 59 tỉnh/thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong.Để đảm bảo Hà Tĩnh không có dịch sởi, ngành Y tế đã triển khai kế hoạch tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ chưa được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin sởi. Trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi từ nay cho đến cuối tháng, ngành Y tế sẽ tiến hành tiêm khoảng 7.205 liều vắc xin cho các đối tượng tiêm phòng có độ tuổi từ  9 đến 24 tháng tuổi. Trong đó, có khoảng 3.114 trẻ từ 9 tháng đến 24 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi mũi 1 và 4.091 trẻ từ 18 – 24 thángchưa được tiêm mũi 2 sẽ được tiêm vét trong đợt này. Để huy động được tối đa số lượng trẻ trong độ tuổi đi tiêm phòng, cả hệ thống chính trị, chính quyền, đoàn thể các cấp đã vào cuộc quyết liệt, nhằm nâng cao hiểu biết cho các bà mẹ. Bs Trần Xuân Dâng – Phó giám đốc Sở giám sát tiêm vắc xin sởi tại huyện Đức Thọ

Để phòng chống bệnh sởi, cách hiệu quả nhất là tiêm vắc xin cho trẻ. Bắt đầu từ ngày 13đến hết tháng 4/2014, tất cả các địa phương trên toàn tỉnh triển khai đồng loạt đợt tiêm vét vắc xin phòng chống bệnh sởi đối với những trẻ từ 9 đến 24 tháng tuổi. Ngành Y tế đã huy động mọi lực lượng y tế dự phòng từ tỉnh đến thôn, bản triển khai chiến dịch rầm rộ, quyết liệt nhằm đạt hiệu quả cao và đảm bảo an toàn cho trẻ.

Ngay từ sáng sớm, chị Trần Thị Nhung, có con 13 tháng tuổi đưa con đến trạm Y tế xã Yên Hồ(Đức Thọ) để tiêm phòng tâm sự: “Thời gian qua theo dõi trên phương tiện thông tin về tình hình dịch sởi ở một số tỉnh, thành em rất lo lắng, em cũng biết được tiêm vắc xin sởi là cách tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ nên có thông báo của cán bộ y tế là em đưa con đi tiêm ngay”.   
Bác sĩ Trần Mạnh Hùng – trưởng trạm Y tế xã Liên Minh cho biết: trước khi tiêm chủng, trạm Y tế đã phân công nhiệm vụ cho nhân viên y tế thôn bản về công tác truyền thông cho nhân dân. Y tế thôn phối hợp với tổ trưởng dân phố, chi hội phụ nữ thôntruyền thanh qua loa truyền thanh của thôn về lợi ích tiêm vắc xin sởi và lịch tiêm sởi. Ở một số thôn thì phải đi từng ngõ, gõ từng nhà truyền thông, vận động. Chính vì vậy ngay ngày đầu triển khai chiến dịch, các bà mẹ đã đến đông đủ hơn so với tháng trước.
Ghi nhận của chúng tôi tại một vài điểm tiêm ở địa bàn huyện Đức Thọ và thành phố Hà Tĩnh, ngay trong ngày đầu triển khai chiến dịch công tác khám sàng lọc trẻ được thực hiện nghiêm túc, mỗi buổi tiêm không quá 50 trẻ, sau khi tiêm các bà mẹ được cán bộ y tế đề nghị ngồi lại 30 phút để theo dõi diễn biến sau tiêm của trẻ. Tại trạm Y tế Yên Hồ (Đức Thọ), do làm tốt công tác tuyên truyền nên tỷ lệ bà mẹ đưa con đến tiêm tương đối đông. Ngay từ sáng sớm, các bà, các mẹ đã đưa trẻ đến trạm Y tế, lần lượt từng trẻ được cán bộ y tế kiểm tra sổ tiêm chủng, điều tra thông tin, đo nhiệt độ. Các trẻ được khám sàng lọc kỷ trước khi tiêm. Nếu có biểu hiện trẻ tiêu chảy, ho, sốt, đang dùng kháng sinh… thì được cán bộ y tế tư vấn không cho tiêm.
 
Khám sàng lọc trước khi tiêm tại Trạm tế phường Nam Hà – TP Hà Tĩnh

Bác sĩ Nguyễn Chí Thanh – phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Để đợt tiêm chủng đạt kết quả cao, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị điều tra đối tượng, lập danh sách, dự trù vắc xin và vật tư tiêm chủng, tập huấn cho cán bộ tiêm chủng và bố trí ít nhất 2 cán bộ y tế tại mỗi điểm tiêm. Đồng thời, tại các điểm tiêm được bố trí đội cấp cứu lưu động, tổ chức theo dõi và xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Đảm bảo mục tiêu trên 95% trẻ trong độ tuổi được tiêm đầy đủ vắc xin sởi nhằm nâng cao miễn dịch sởi cho trẻ trong cộng đồng.
Cách tốt nhất để phòng bệnh sởi là tiêm vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Vắc xin sởi là vắc xin có tính an toàn cao, vì vậy nếu các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi đầy đủ, không chỉ là cách phòng bệnh hữu hiệu mà còn góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho trẻ em, đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Bài, ảnh: Thanh Nga

BÀI MỚI ĐĂNG