Giáo dục - Đào tạo

Hà Tĩnh: Phụ huynh “khóc ròng” vì các khoản đóng đầu năm

“Hai vợ chồng đều nghèo không có điều kiện học hành, chúng tôi mong muốn các con có được cái chữ để sau này cuộc sống khá hơn bố mẹ. Nhưng cứ đến đầu năm học là bao nhiêu khoản đóng phải lo lắng, thật sự giờ trong nhà không còn gì để có thể bán được…”.

Danh sách các khoản thu trong đó một số khoản thu không được ghi vào danh sách này
Sau 4 năm phải chạy thận, anh Lân đang yếu dần và cánh tay đã bị nổi sưng từng cục như thế này.
Đó là tâm sự của anh Đậu Xuân Lân ở khối 1, thị trấn Nghi Xuân (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), có con học tại Trường Tiểu học thị trấn Nghi Xuân.
Gần đây, báo Dân trí đã nhận được đơn thư phản ánh của các phụ huynh Trường Tiểu học thị trấn Nghi Xuân phản ánh năm học 2014 -2015 con em họ phải đóng nhiều khoản thu… Sau khi nhận được phản ánh, PV đã về tận trường học và gặp gỡ nhiều phụ huynh để nắm rõ sự việc.

Điểm mặt những khoản thu

Mang cái danh là “dân thị trấn” song cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Cứ đến đầu năm học mới, khi các em học sinh (HS) cắp sách đến trường thì nhiều bậc cha mẹ lại “méo mặt” khi chẳng biết lấy đâu ra tiền đóng cho các con.
Theo tìm hiểu của PV, năm học này, các em Trường Tiểu học thị trấn Nghi Xuân phải đóng 14 loại phí, quỹ khác nhau. Trung bình mỗi em học sinh phải đóng trên 3 triệu động.
Nào là tiền xây dựng cơ sở vật chất, tu sửa lớn cao nhất là khối lớp 1: 600 nghìn đồng, thấp nhất là khối lớp 5: 480 nghìn đồng; Tiền tu sửa mua sắm trang thiết bị khối 1 là 550 nghìn đồng, khối 5 là 450 nghìn đồng; tiền vệ sinh lớp học 90 nghìn đồng/HS; quỹ khuyến học 50 nghìn đồng/HS, quỹ Đội 50 nghìn đồng/HS, quỹ Chữ Thập Đỏ 20 nghìn đồng/HS; Tiền hợp đồng bảo vệ 130 nghìn đồng/học sinh/năm; tiền nước, tiền quỹ phụ huynh, quỹ lớp, tiền đồng phục, tiền mua vở…

Danh sách các khoản thu trong đó một số khoản thu không được ghi vào danh sách này
Danh sách các khoản thu trong đó một số khoản thu không được ghi vào danh sách này

Phụ huynh Nguyễn Thanh Dương hiện có con đang học lớp 3 tại trường cho biết: “Trường này năm nào cũng thu cao và nhiều khoản lắm. Nhất là tiền xây dựng, rồi tu sửa năm nào cũng thu mà chả thấy xây dựng gì cả. Chưa tính tiền bảo hiểm, sách vở con tôi đã phải nộp 2,7 triệu đồng”.“Trước đây tôi sống trong Sài Gòn. Con đầu của tôi có 2 năm theo học trong đó mà mỗi năm đóng đậu không quá 500 nghìn. Không biết sao về đây họ lại thu nhiều khoản và cao như thế”, phụ huynh Đậu Xuân Lân cho biết.
Gây áp lực với con để bố mẹ nộp tiền

Có lẽ đến khối 1, thị trấn Nghi Xuân của huyện Nghi Xuân hỏi thăm hoàn cảnh của gia đình anh Đậu Xuân Lân và chị Trương Thanh Hằng thì ai cũng biết.
Cả 2 đều sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khó. Sau nhiều tháng làm công nhân mưu sinh trong TPHCM, họ đã quyết định về quê lập nghiệp, mong rằng cuộc sống sẽ bớt phần khó khăn hơn. Thế nhưng mong muốn nhỏ nhoi chính đáng ấy đã bị dập tắt, khi anh Lân, người trụ cột của gia đình bị suy thận. Bốn năm nay, cuộc sống của anh là gắn liền với những lần chạy thận, lọc thận với kinh phí mỗi tháng lên đến 3 đến 4 triệu đồng.

Và cuộc sống của gia đình càng bi đát, túng quẫn hơn khi 2 đứa con của anh lần lượt bước vào tuổi cắp sách đến trường. Ngoài miếng cơm manh áo cho cả gia đình, thì tiền học cho con cũng khiến anh và chị Hằng luôn phải suy nghĩ.
Hai năm trở lại đây, anh Lân không còn làm lao động được nữa, tất cả miếng cơm manh áo của gia đình đặt vào những buổi đi làm thuê, làm mướn của chị Hằng.
Anh Lân chia sẻ: “Cả hai vợ chồng đều nghèo không có điều kiện học hành, chúng tôi mong muốn các con của mình có được cái chữ để sau này có cuộc sống khá hơn bố mẹ nó. Nhưng cứ đến đầu năm học là bao nhiêu khoản đóng đậu phải lo lắng, thật sự giờ trong nhà không còn gì để có thể bán được”.
Đã thế nhà trường chẳng những không thấu hiểu mà còn tạo áp lực để buộc họ phải sớm đóng các khoản tiền cho nhà trường.
“Nhiều lúc thấy con đi học về buồn bã và hối thúc phải nhanh lên nộp các khoản đóng đậu cho cô. Hỏi mới biết các con đi học thì luôn bị nhắc về bảo bố mẹ lên đóng tiền. Giờ mà cho các con nghỉ học thì không đành, mà để có tiền đóng nộp thì không biết xoay xở đâu ra”, anh Lân cho biết.
Gia đình anh Lân hiện có 2 người con, cháu đầu đang học lớp 5, cháu thứ hai học lớp 3. Trong năm học này, gia đình anh phải đóng cho 2 cháu với số tiền gần 6 triệu đồng.
Hơn nữa, các khoản thu này mặc dù chưa được chính quyền thị trấn Nghi Xuân xem xét nhưng ngay từ buổi họp phụ huynh nhà trường đã tiến hành thu.
Đây chỉ mới là một hoàn cảnh của một em HS và có lẽ sẽ còn có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, éo le. Và gia đình các em đang phải ngày đêm “vắt óc” suy nghĩ để làm thế nào có tiền để lên trường nộp cho các con của họ.
Nhà cách trường 200m cũng bắt ở bán trú

Năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã có Công văn số: 1149/SGDĐT- GDTH, ban hành ngày 19/8/2014 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015 cấp Tiểu học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó có vấn đề tổ chức ăn bán trú cho các em HS lớp 1.
Chủ trương bán trú là việc làm rất thiết thực đối với người dân, phụ huynh được an tâm công việc không phải mất công đưa, đón con em vào buổi trưa, các cháu được ăn, ngủ ngay tại trường thế nhưng nhà trường lại áp đặt và bắt buộc tất cả các em HS lớp 2 phải tổ chức ăn bán trú.
“Học bán trú chỉ dành cho những cháu nhà ở rất xa trường và bố mẹ không có khả năng đưa đón các cháu thì đăng ký tự nguyện học bán trú mà thôi. Chứ nhà trường không có quyền bắt ép phải học bán trú cả”, phụ huynh Trần Hương bức xúc.
“Không ai có thể chăm sóc tốt các con mình bằng chính các bậc cha mẹ. Nhà tôi chỉ cách nhà chưa đến 200m mà trong kỳ họp phụ huynh nhà trường thông báo là lớp 2 cũng phải ăn, ở bán trú. Thật vô lý” – vị phụ huynh này cho biết thêm.
Bà Liên dứt khoát không làm việc với PV khi chưa có công văn có dấu đỏ của tòa soạn về đơn vị
Bà Liên dứt khoát không làm việc với PV khi chưa có công văn có dấu đỏ của tòa soạn về đơn vị
Để có câu trả lời đầy đủ hơn, chúng tôi đã liên lạc làm việc với lãnh đạo nhà trường. Tại buổi tiếp xúc, bà Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nghi Xuân sau khi xem giấy giới thiệu liền yêu cầu chúng phải tiếp tục trình thẻ nhà báo. Song khi được chúng tôi giải thích thì vị này lại từ chối làm việc với lý do, phải có giấy giới thiệu đích thị về cơ quan (tức là trường học của vị này) của toàn soạn về nội dung liên quan thì mới làm việc.
“Phải có công văn của tòa soạn, có dấu đỏ thì mới làm việc. Kể cả Phòng Giáo dục có ý kiến xuống cũng không được”, bà Liên tuyên bố.

Xuân Sinh – Tiến Hiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP