Giáo dục - Đào tạo

Hà Tĩnh: Phụ huynh "hoảng loạn" vì nhà trường "loạn thu"

Năm học 2013- 2014 đã bắt đầu đuợc ba tháng. Bên cạnh niềm vui hân hoan của học sinh khi đến lớp là nỗi lo gánh nặng tiền trường của các bậc phụ huynh, nhất là những người dân nghèo và người có thu nhập thấp.

PV Nhà báo và Công luận đã nhận được rất nhiều đơn thư của các bậc phụ huynh và tiến hành thị sát tại trường THCS Vũ Diệm (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) để nắm rõ hơn về vấn đề này.

Gánh nặng đầu năm học



Chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, vợ chồng chị Lê Thị H, trú tại xã Vượng Lộc đã phải bỏ ra không ít chi phí để mua sắm đồ dùng học tập, đồng phục, cũng như các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, đóng học phí… cho con. Tưởng chừng như thế là đủ, ai ngờ vừa bước vào năm học, chị được nhà trường thông báo đóng thêm các khoản thu khác trong nhà trường như: tiền xây dựng, sửa chữa trường lớp, tiền thu trả nợ lát gạch sân trường của năm học trước, tiền trang trí lớp học, tiền vệ sinh, lao động công ích… tổng số lên tới gần 2 triệu đồng cho mỗi cháu. Vợ chồng chị H tá hỏa khi tổng số tiền mà chị dành cho 3 đứa con đầu năm học lên tới gần chục triệu đồng kể cả các khoản nộp trước đó! Với những nông dân như gia đình chị H, nguy cơ bỏ học của các con chị đang độ tuổi đến trường là rất gần. Chị H vừa chia sẻ vừa ấm ức: “Mặc dù trong lòng không thực sự hài lòng với những lời kêu gọi đóng góp của Ban Đại diện hội cha mẹ học sinh cũng như nhà trường , nhưng tôi vẫn phải đóng vì sợ con mình không nhận được sự quan tâm từ giáo viên”.



Trong số các khoản thu tại trường THCS Vũ Diệm đều được nhà trường lập thành một danh sách trích ngang ghi cụ thể . Điều đáng nói ở đây là nhà trường tự đề ra các khoản thu phi lý lên tới hàng triệu đồng, bằng nhiều phương thức “luồn lách” khác nhau. Các khoản lạm thu từ “gợi ý” của nhà trường được gọi là “tự nguyện”, nhưng vì những điều “tế nhị” trong việc học tập của con em mình cho nên nhiều phụ huynh dù có bức xúc đến mấy cũng không thể từ chối. Nhiều khoản thu tiếng là thông qua Ban Đại diện hội phụ huynh nhưng chỉ là hình thức; ở đây chủ yếu do “định hướng” của nhà trường.



Khi chúng tôi đề cập đến khoản thu trả nợ tiền lát sân bằng gạch blốc của những năm học trước được nhà trường áp dụng thu bù năm học này, bà Bùi Thị Kim Hoa- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Theo chủ trương xây dựng trường chuẩn, năm học 2011- 2012 nhà trường tiến hành làm sân lát gạch blốc. Nhưng vì những năm học trước thu không đủ nên năm học này nhà trường vẫn tiếp tục thu để trả nợ. Chúng tôi hỏi tiếp: Vậy tổng kinh phí của việc lát sân là bao nhiêu? bà Hiệu trưởng loay xoay không rõ và yêu cầu kế toán cung cấp. Cố gắng tìm lục một lúc, kế toán nhà trường đưa ra con số là 208 triệu đồng! Chúng tôi hỏi tiếp: Vậy năm học 2013- 2014 nhà trường thu bình quân mỗi học sinh cụ thể: Khối 6 là 250.000đ/em, khối 7 và 8 là 230.000đ/em, khối 9 là 210.000đ/em với lý do là trả nợ tiền lát gạch sân năm trước. Tổng số học sinh hiện tại của nhà trường là 515 em, với mức thu như thế trên tổng số học sinh của trường chúng ta thử làm một phép tính nhẩm cũng có thể biết được tổng kinh phí 208 triệu đồng mà nhà trường dùng để lát sân đã trả hết hay chưa? Và hai năm học 2011- 2012, 2012- 2013 nhà trường đều thu tiền làm sân của học sinh thì số tiền đó đã làm việc gì? hiện tại đang nằm ở đâu? Bà Hiệu trưởng im lặng rồi quay sang hỏi kế toán: “Chị tính lại đi, biết đâu còn phải thu tiếp năm học 2014- 2015 nữa chứ!” Thật sự chúng tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra trước mặt mình. Và cuối cùng cũng nhận được câu trả lời của kế toán nhà trường là: Chị tuổi cao, sức yếu các chú thông cảm! còn Hiệu trưởng nhà trường thì xin các chú, chị chưa nắm hết được, có gì các chú bỏ qua và mong các chú “hợp tác” giúp chị?



Chưa dừng lại ở vấn đề trên, chúng tôi đề nghị được xem các văn bản của chính quyền địa phương và ngành giáo dục cấp trên cho phép nhà trường được thu các khoản áp dụng cho năm học 2013- 2014. Cùng một tờ trình của nhà trường gửi HĐND -UBND xã Vượng Lộc và Phòng Giáo dục huyện Can Lộc, nhưng ý kiến cho phép thu của hai cơ quan này lại khác nhau. Cụ thể nhà trường trình 11 mục thu, HĐND xã Vượng Lộc có văn bản đồng ý cho thu hết, còn Phòng Giáo dục huyện có văn bản chỉ đồng ý cho thu 4 mục và yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc công văn 1702 năm 2012 của liên ngành TC – GD Hà Tĩnh. Khi chúng tôi hỏi bà Hiệu trưởng trong 2 văn bản chỉ đạo trên (chính quyền địa phương và phòng GD) thì nhà trường thực hiện theo văn bản nào? Bà hiệu trưởng nói phải thực hiện theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục, nhưng… đôi khi cũng phải theo văn bản của xã nữa chứ!



Chúng tôi đưa vấn đề thu các khoản tiền của năm học 2013- 2014 tại trường THCS Vũ Diệm làm việc với UBND xã Vượng Lộc. Tiếp và làm việc với chúng tôi có ông Nguyễn Văn Quế – Chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Minh Vỵ – Phó Chủ tịch UBND xã. Chúng tôi hỏi lãnh đạo địa phương căn cứ vào đâu để duyệt kế hoạch thu của nhà trường, ông Chủ tịch xã cho biết: Chúng tôi căn cứ vào tờ trình của Ban Giám hiệu nhà trường gửi sang. Chúng tôi hỏi tiếp, vậy các khoản thu về xây dựng cơ bản, tu sửa, mua sắm các thiết bị của nhà trường thì chính quyền địa phương có đi thị sát trước khi duyệt kế hoạch cho thu hay không? Ông Chủ tịch xã nói, việc này tôi giao toàn bộ cho anh Vỵ (PCT UBND – PV) rồi, tôi không nắm rõ. Khi chúng tôi hỏi ông Vỵ : ông có biết tổng số tiền trường THCS Vũ Diệm đã làm sân lát gạch blốc là bao nhiêu không? Ông Vỵ trả lời là 218 triệu đồng (tăng 10 triệu đồng so với con số nhà trường báo cáo là 208 triệu).Chúng tôi hỏi tiếp, vậy với số tiền trên, lãnh đạo địa phương tính toán cho nhà trường thu bao lâu thì đủ? Ông Vỵ trả lời, khoảng 2 năm học là đủ. Vậy tại sao Hiệu trưởng và kế toán nhà trường THCS Vũ Diệm nói thu năm nay nữa là năm học thứ 3 rồi mà xã vẫn đồng ý cho thu? Ông Vỵ nói chắc nhà trường “nhớ nhầm”!



Trường THCS Vũ Diệm



Con tôi làm gì nên tội?



Chúng tôi có mặt tại xã Vượng Lộc lúc 6h30 phút sáng, vợ chồng anh Đặng Văn N. đang chuẩn bị một ngày lao động mới. Công việc chính của vợ chồng anh là phụ hồ xây dựng. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề đóng nộp các khoản hiện nay tại trường THCS Vũ Diệm, vợ anh N. rơi nước mắt và nói: ” Tôi có con năm nay học lớp 6. Bước vào năm học mới cháu đang còn bỡ ngỡ vì thầy cô, bạn bè và nhà trường đều mới. Khi cô giáo thông báo các em phải nộp 250.000đ/em với lý do trả nợ tiền lát sân năm học trước, về đến nhà cháu khóc nức nở hỏi mẹ: Mẹ ơi? Năm học trước con học lớp 5 ở trường Tiểu học cơ mà! Con có nợ nần gì đâu mà tại sao mới bước vào năm học mới tại trường THCS Vũ Diệm cô giáo lại thông báo thu nợ”. Nhìn hàng nước mắt lăn dài trên gò má gầy gò đen xạm của vị phụ huynh, nhóm phóng viên chúng tôi cũng cảm thấy mủi lòng. Cố gắng lắm chị mới lấy được bình tĩnh nói tiếp: Con tôi làm gì nên tội!. Vả lại năm học trước cháu cũng đã đóng khoản tiền này tại trường Tiểu học rồi. Tôi chia sẻ với các anh như vậy nhưng xin các anh đừng đưa tôi lên báo. Thương con tôi cố để trong lòng, nếu nhà trường biết sẽ không có lợi cho cháu đâu. Chúng tôi hiểu tâm trạng lo lắng của chị là có cơ sở.



Làm gì để chống tình trạng “loạn thu”!



Để tránh tình trạng trên, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã ban hành văn bản số 1702/LNTC – GD năm 2012 quy định rất rõ các khoản thu của các trường. Chúng tôi thiết nghĩ bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa đóng góp đối với phụ huynh học sinh ngoài văn bản trên đều là vi phạm pháp luật. Quá trình quản lý và sử dụng các khoản thu, nhà trường phải quán triệt các nguyên tắc tự nguyện, đúng mục đích, dân chủ, công khai, minh bạch. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai các khoản thu để cha mẹ học sinh biết.Còn đối với ngành giáo dục cấp huyện, năm nào cũng vậy, thực hiện tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính và hạn chế tình trạng lạm thu trong trường học. Phòng GD-ĐT huyện Can Lộc cũng đều có văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi cho các năm học. Theo đó, đối với những khoản đóng góp được thoả thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ trong công tác nuôi, dạy học sinh, ngành giáo dục yêu cầu các cơ sở giáo dục phải công khai mức thu, nội dung chi, đảm bảo đúng nguyên tắc. Riêng đối với kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh, Phòng GD-ĐT cũng yêu cầu phải thu, chi dựa trên nguyên tắc công khai dân chủ; sau khi chi tiêu phải công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh của lớp và của trường.



Văn bản chỉ đạo là vậy, tuy nhiên, nhìn từ sự bức xúc của khá nhiều phụ huynh học sinh và những gì đang diễn ra tại trường THCS Vũ Diệm thì tình trạng lạm thu, loạn thu trong các trường học vẫn còn diễn biến khá phức tạp, dưới nhiều hình thức. Thiết nghĩ, bên cạnh sự quan tâm của tỉnh và sự vào cuộc của ngành giáo dục, mỗi phụ huynh nên là những người giám sát trung thực và dũng cảm phát hiện vấn đề với lãnh đạo các cấp. Có như thế công tác chống loạn thu, lạm thu trong giáo dục mới triệt để, hiệu quả .



Quốc Cường

Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP