Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại

Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.

Trước đó ngày 8/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tỉnh thứ 2 trên cả nước (sau Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Mục tiêu chung đến năm 2030 của Hà Tĩnh, được xác định là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.

Một góc thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh)


GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 170 triệu đồng

Về kinh tế, phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt trên 9%/năm, trong đó, công nghiệp-xây dựng tăng 17-18%/năm (công nghiệp tăng 18-19%/năm, xây dựng tăng 12-13%/năm); dịch vụ tăng 10-11%/năm; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2-3%/năm.

Cơ cấu kinh tế năm 2030: Ngành công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 60,3%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 7,9%; ngành dịch vụ chiếm 26,6% và thuế sản phẩm 5,14%.

GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 170 triệu đồng. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 32,6%. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD. Năng suất lao động tăng 11,3%/năm. Mức thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân khoảng 14 - 15%/năm, tỷ lệ thu ngân sách bình quân so với GRDP là 27%/năm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 750 - 800 nghìn tỷ đồng.

Thành trung tâm lớn của cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo

Về phương hướng phát triển, Hà Tĩnh sẽ phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng tập trung vào công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Với ba hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam và đường ven biển. Hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế cầu Treo. Hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.

Hà Tĩnh phấn đấu trở thành một trong những TT phát triển công nghiệp của vùng tập trung vào công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện.


Và một trung tâm động lực tăng trưởng: Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.

Phát triển ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững; phát triển đột phá một số dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ngành dịch vụ có sức cạnh tranh cao, đưa Hà Tĩnh trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistic, thương mại của vùng.

Hình thành và phát triển các khu du lịch quốc gia, đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Phát triển đồng bộ cả dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội và dịch vụ công.

Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ chuyển đổi cơ cấu và hiện đại hóa ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng phát huy lợi thế của các địa phương, các vùng sinh thái; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu.

Song song với đó là về nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.

Và đến năm 2050, Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh. Giáo dục, đào tạo, y tế, sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu. Con người Hà Tĩnh phát triển hài hòa cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức, bản sắc văn hóa. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Dự kiến từ ngày 26-28/5/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050; kết hợp Hội nghị xúc tiến đầu tư vào địa bàn năm 2023.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công Thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP