Kinh tế

Hà Tĩnh: Nụ cười người nuôi tôm sau “canh bạc” mong manh

Sóng gió liên tiếp ập về khi Formosa gây ra vụ xả thải, đầu độc biển miền Trung, khiến Công ty Growbest Hà Tĩnh, một nhà đầu tư nuôi tôm công nghệ cao đứng trước nguy cơ đổ bể. Khi không còn đường lùi, để tự cứu mình, cả trăm kỹ sư, công nhân đã cùng thực hiện một “canh bạc” quá nhiều rủi ro, mạo hiểm. Và “canh bạc” mong manh ấy đã cho thành quả ngọt ngào…

Ngắc ngoải sau sự cố Formosa đầu độc biển

Xót xa, hoang mang. Đó là tình cảnh chúng tôi ghi nhận được tại khu nuôi tôm chất lượng cao của Công ty Growbest Hà Tĩnh tại hai xã Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) những ngày đầu tháng 4, khi Formosa thực hiện vụ xả thải đầu độc môi trường biển miền Trung. Thời điểm đó, toàn bộ khu nuôi ở xã Kỳ Phương bốc mùi hôi thối do hàng chục tấn tôm chết sạch chưa kịp chôn lấp, xử lý. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc công ty cùng nhiều kỹ sư, công nhân ngồi thất thần, xót xa.

Vào đầu tháng 4/2016, sau khi Formosa xả độc tố ra biển, những ao tôm sắp tới ngày thu hoạch của Công ty Growbest Hà Tĩnh đồng loạt chết sạch. Thiệt hại của công ty là vô cùng lớn.
Vào đầu tháng 4/2016, sau khi Formosa xả độc tố ra biển, những ao tôm sắp tới ngày thu hoạch của Công ty Growbest Hà Tĩnh đồng loạt chết sạch. Thiệt hại của công ty là vô cùng lớn.

Chuỗi ngày sau đó, theo ông Hùng, là một giai đoạn đầy khó khăn của công ty. Không chỉ phải tiêu hủy hơn một trăm tấn tôm, với trị giá ước tính trên 25 tỷ đồng, Công ty Growbest còn bị khách hàng hủy nhiều hợp đồng tiêu thụ hàng triệu con tôm mà trung tâm giống của công ty đã cho sinh trưởng.

Dẫu chịu thiệt hại nặng nề nhưng Công ty Growbest Hà Tĩnh vẫn buộc lòng phải thông cảm cho khách hàng, vì những bất trắc, những lo ngại từ sự cố môi trường biển vừa xảy ra.

Hàng chục ao nuôi của công ty ở xã Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh phải ngưng hoạt động sau khi Formosa xả thải khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề.
Hàng chục ao nuôi của công ty ở xã Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh phải ngưng hoạt động sau khi Formosa xả thải khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

“Ngay khi xảy ra tình trạng tôm cá chết đồng loạt, thông tin về vụ xả thải của Formosa được thông tin rộng rãi, khách hàng họ đã đồng loạt hủy hợp đồng đã ký với chúng tôi. Hàng chục triệu con tôm post (hậu ấu trùng) đến ngày bàn giao, bị hủy hợp đồng, không còn cách nào khác công ty phải thả về môi trường tự nhiên biển, coi như mất trắng hoàn toàn” – kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh đau lòng nói.

Đã bỏ ra gần 100 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho cả 3 khu nuôi ở 2 xã Kỳ Phương, Kỳ Nam, trải qua một năm hoạt động, nguồn thu chưa đáng là bao, nên thiệt hại nặng nề vụ nuôi này khiến công ty Growbest lao đao. Chỉ tính riêng việc trả lương cho gần một trăm con người, với mức lương, thưởng trung bình 6 triệu đồng/tháng, cũng đã quá khó khăn.

Nước mắt hạnh phúc sau “canh bạc” mạo hiểm

Trong cảnh “nước sôi lửa bỏng”, khó ai có thể giúp vượt qua bão tố lúc này, cả ông chủ và hơn 100 cán bộ kỹ sư, công nhân của Công ty Growbest Hà Tĩnh đã quyết định một “canh bạc” hết sức mạo hiểm để tự cứu lấy mình. Công ty đã quyết định tạm ngưng hoạt động toàn bộ khu nuôi 38 ao ở xã Kỳ Phương vốn bị nhiễm độc nặng nề để dồn sức vào khu nuôi mới ở xã Kỳ Nam nằm sát chân đèo Ngang, nối giữa hai tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình.

Nguồn vốn đầu tư hạ tầng, con nuôi, thức ăn, trả lương cho hàng chục kỹ sư, công nhân dẫu khó, còn có thể lo liệu được. Nhưng nguồn nước ở đâu để phục vụ con nuôi này là một bài toán hết sức khó khăn do nước biển quanh khu vực Vũng Áng nhiễm độc tố nặng từ vụ xả thải của Formosa?

Những kỹ sư thuộc loại giỏi nhất, kinh nghiệm nhất về nuôi tôm của công ty và của những đơn vị bạn được huy động, dành nhiều ngày nghiên cứu, tìm lời giải cho bài toán hóc búa về nguồn nước. Và cuối cùng, giải pháp dung hòa 50% nguồn nước biển qua xử lý và 50% nguồn nước suối tại chỗ tốn kém đã được lựa chọn.

 Nguồn nước biển ô nhiễm nặng nề, các kỹ sư của Công ty Growbest Hà Tĩnh đã phải lựa chọn giải pháp hòa dung nước biển với nước suối trên địa bàn.

Nguồn nước biển ô nhiễm nặng nề, các kỹ sư của Công ty Growbest Hà Tĩnh đã phải lựa chọn giải pháp hòa dung nước biển với nước suối trên địa bàn.

Cuối tháng 6, đầu tháng 7/2016, thời điểm PV Dân trí có mặt tại khu nuôi mới của công ty ở xã Kỳ Nam để phản ánh những khó khăn của người nuôi tôm do vụ xả thải của Formosa, cũng là lúc các kỹ sư ở đây vừa cho xuống giống toàn bộ 26 ao nuôi với diện tích 1.500 m2/ao.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc công ty, lo đến bạc mặt, nói: “Bao năm đeo đuổi con tôm, đây là vụ nuôi tụi tui trải qua những thời khắc khó khăn, phải nín thở với những ao tôm nhiều nhất. Không thắng vụ ni, chắc tụi tui sẽ bỏ nghề, từ bỏ xứ này mà đi”.

Và trời không phụ lòng người. Sáng ngày 27/8, khi nhận được tin Công ty Growbest Hà Tĩnh tiến hành thu hoạch vựa tôm “đặc biệt” này, chúng tôi đã lập tức quay trở lại mảnh đất Kỳ Nam. Bên ngoài tuyến đường chính dẫn vào các ao nuôi, những chiếc xe mang biển hiệu phía Bắc, phía Nam nối đuôi nhau chờ đến lượt nhận hàng.

Sở dĩ đông mối buôn đứng chờ bởi dịp này do ảnh hưởng của đợt xả thải của Formosa mà gần như cả khu vực miền Trung hiếm có trang trại nuôi tôm nào có tôm xuất bán. Đi vào bên trong, dưới ao nuôi, cả tốp thợ nói tiếng Quảng Bình, Quảng Trị đang cẩn thận kéo lưới. Tôm động lưới nhảy tanh tách!

Những mẻ tôm nuôi khiến các kỹ sư, công nhân Công ty Growbest và đoàn cán bộ của tỉnh Hà Tĩnh có mặt chứng kiến hết sức cảm động.
Những mẻ tôm nuôi khiến các kỹ sư, công nhân Công ty Growbest và đoàn cán bộ của tỉnh Hà Tĩnh có mặt chứng kiến hết sức cảm động.

Khi những mẻ lưới được kéo lên sát góc ao, cũng là lúc mấy chục con người đứng trên bờ vốn hơn 2 tháng qua mất ăn, mất ngủ vì canh bạc đầy mạo hiểm đã vỡ òa trong niềm vui tột độ. Từng mẻ tôm lớn đều như ngón tay giữa lần lượt được đưa lên bờ, đưa lên cân trước khi nhập xe. Kiểm đếm, cân tại chỗ, tròn trịa 50 con đạt trọng lượng 1kg. Những người như Giám đốc Hùng, kỹ sư Ánh giờ đã có thể nở nụ cười tươi.

 Sau hơn 70 ngày căng thẳng, lo lắng tột độ, kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh mới có thể nở nụ cười tươi như thế này.

Sau hơn 70 ngày căng thẳng, lo lắng tột độ, kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh mới có thể nở nụ cười tươi như thế này.

Ông Hùng nhẩm đếm rồi hồ hởi thông tin, với trọng lượng 50 con/kg, tổng cộng 26 ao vụ nuôi đặc biệt này sẽ cho số lượng 130 tấn. Tôm đợt này khá được giá, đạt 160.000 đồng/kg, công ty sẽ có tổng thu xấp xỉ 21 tỷ đồng. Trừ chi phí, cũng đạt kha khá để trả lương thưởng còn nợ công nhân từ vụ nuôi trắng tay do sự cố xả thải trước đó.

 Sau 70 ngày nuôi bằng công nghệ sinh học, tôm đạt trọng lượng 50 con/kg.

Sau 70 ngày nuôi bằng công nghệ sinh học, tôm đạt trọng lượng 50 con/kg.

Hạnh phúc của ông chủ Công ty Growbest Hà Tĩnh không chỉ mỗi chuyện ở những con số vừa đạt được, mà theo ông Hùng, niềm tin với cái nghề “đánh bạc với trời” này đã thực sự trở lại với các kỹ sư, công nhân của công ty.

“Cái thắng lợi của tụi tui cho đến lúc này không phải vì những con số ấy đâu, mà thắng lợi lớn nhất là chúng tôi đã chứng minh được chúng tôi có thể nuôi được con tôm sạch dù điều kiện môi trường biển không thuận lợi”- ông Hùng phấn chấn nói.

Vụ tôm đặc biệt này được tiêu thụ một cách nhanh gọn. Rất đông khách hàng từ Bắc, vào Nam có mặt thu mua với giá 160.000 đồng/kg.
Vụ tôm đặc biệt này được tiêu thụ một cách nhanh gọn. Rất đông khách hàng từ Bắc, vào Nam có mặt thu mua với giá 160.000 đồng/kg.

Thêm nữa, những tín hiệu vui từ các ao tôm an toàn, cho thu hoạch đúng kỳ hạn, đã mang đến những tín hiệu vui cho trại giống của công ty. “Những ngày rồi, rất nhiều khách hàng là các chủ trai nuôi lớn ở không chỉ miền Trung này đã tìm đến với chúng tôi. Khảo sát các ao nuôi, chứng kiến những gì chúng tôi làm được, khách hàng khá yên tâm. Nhiều đơn hàng cung cấp tôm giống đã được chúng tôi ký kết. Đấy là một niềm vui không nhỏ khác với chúng tôi”- ông Hùng thông tin thêm.

Thắng lợi với “canh bạc mạo hiểm”, tự tin với công thức dung hòa nguồn nước biển với dòng suối ngọt trên địa bàn, ông Hùng đặt quyết tâm, không chỉ tiếp tục mở rộng khu nuôi ở mảnh đất Kỳ Nam này, mà công ty cũng sẽ khởi động lại khu nuôi ở tại xã Kỳ Phương.

Thành quả ngọt ngào của Công ty Growbest Hà Tĩnh đã được Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn – người có mặt trong đợt thu hoạch tôm lớn nhất trên địa bàn Hà Tĩnh từ khi xảy ra sự cố Formosa xả thải đầu độc biển – đánh giá rất cao.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác của Hà Tĩnh chứng kiến vụ thu hoạch tôm của Công ty Growbest vào sáng ngày 27/8.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác của Hà Tĩnh chứng kiến vụ thu hoạch tôm của Công ty Growbest vào sáng ngày 27/8.

“Trong tình hình đặc biệt khó khăn sau sự cố môi trường vừa qua, Công ty Growbest Hà Tĩnh đã không bỏ cuộc. Cán bộ, công nhân viên của công ty đã rất sáng tạo trong việc giải quyết bài toán khó khăn về nguồn nước để tạo nên một vụ nuôi tôi nghĩ là không hề dễ dàng, có thể coi đó là kỳ tích. Đây là một nỗ lực mà tỉnh sẽ phải đặc biệt lưu tâm, để vực dậy các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn vốn chịu nhiều ảnh hưởng sau sự cố xả thải của Formosa” – ông Sơn nói.

Dũng Hiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP