Vợ, mẹ liệt sĩ 50 năm sống trong khổ đau
Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Yên Bình, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), bà Lê Thị Yến (93 tuổi) ngồi trên giường, tay vịn vào song cửa sổ, hướng đôi mắt mờ đục ra ngõ như ngóng chờ ai đó sắp về. Cháu trai của bà Yến là anh Nguyễn Văn Ba (27 tuổi) tiếp chúng tôi và kể lại câu chuyện gia đình hàng chục năm nay mòn mỏi ngóng trông tin tức về người thân đi chiến đấu rồi mất tin, mất tích.
Mở đầu câu chuyện, anh Ba cho hay: “Bố tôi mất khi tôi mới 3 tuổi, mẹ đi lấy chồng nên tôi ở với bà nội từ nhỏ. Ông nội là liệt sĩ, một bác đi chiến đấu rồi mất tích luôn từ năm 1969, còn một cô là chị của bố cũng ở gần đây. Bà nội chăm nuôi tôi từ nhỏ, giờ bà đã 93 tuổi, yếu lắm rồi. Bao năm qua, tôi vừa chăm bà vừa làm thuê bằng nhiều nghề để mưu sinh và dò la thông tin về người bác mất tích khi đi kháng chiến, mong có kết quả để bà được an ủi khi nhắm mắt xuôi tay”.
Câu chuyện được tái hiện lại theo lời kể của người cháu sinh ra và lớn lên trong vòng tay bà nội, trưởng thành và tiếp tục thực hiện tâm nguyện của bà là đi tìm thông tin về người bác quân nhân của mình.
Bà Yến có 3 người con (hai trai, một gái). Năm 1966, con trai đầu của bà là Nguyễn Văn Hùng viết đơn tình nguyện đi bộ đội mặc dù cha đang ở chiến trường. Một năm sau (năm 1967), chồng bà hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì năm 1969 gia đình bà Yến nghe tin đồn là con trai bà (tức ông Hùng) đã đi theo địch rồi mất tin, mất tích luôn từ đó.
Anh Nguyễn Văn Ba, người cháu luôn bên cạnh bà Yến để thực hiện tâm nguyện của bà tìm thông tin về người bác của mình mất tích trong kháng chiến |
Đau đớn vì mất chồng, lại thêm thị phi về việc con trai đi theo địch, bà Yến cứ sống lặng lẽ với ước vọng có một phép màu đưa người con của bà từ chiến trường trở về, hay ít ra cũng có một thông tin nào đó về con. Nhưng rồi đất nước hòa bình, mong mỏi của bà càng thêm vô vọng.
Con gái bà rồi cũng đi lấy chồng, con trai út lấy vợ sinh con được 3 năm thì qua đời. Bà sống với đứa cháu nội là anh Nguyễn Văn Ba. Nay bà đã già yếu, thêm nhiều căn bệnh của tuổi già khiến bà bị liệt đôi chân, không còn đi lại được. Hằng ngày bà Yến cứ đòi cháu lấy bức di ảnh của người con trai mất tích rồi ngồi ôm khư khư vào lòng, nước mắt chảy tràn xuống gò má nhăn nheo. Bà sợ chết đi mà chưa biết được thông tin gì về con trai.
Anh Ba cũng thương bà mà khóc khi trò chuyện, anh nói: “Tuổi như bà thì về với tổ tiên trong nay mai cũng là chuyện thường tình. Nhưng bà tôi cứ canh cánh trong lòng một nỗi đau mất con, một sự dằn vặt vì không có thông tin chính thức về con. Cho đến cách đây một tháng, cơ may cho gia đình đã tìm được thông tin về bác Hùng”.
Cơ may tìm thấy giấy báo tử
Anh Nguyễn Văn Ba cho biết, nhiều năm nay, gia đình đã lên hỏi chính quyền xã với hy vọng trong hồ sơ tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ ở địa phương có một chút thông tin về quân nhân Nguyễn Văn Hùng, nhưng không ai có thông tin.
Đến giữa tháng 8 vừa qua, được sự hướng dẫn của một số người đi tìm mộ liệt sĩ, anh Ba đã đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Hà Tĩnh để nhờ tìm kiếm thông tin liên quan về người bác của mình. May mắn thay, cán bộ ở đây đã tìm được tờ giấy báo tử liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng, chính là người đã mất tin, mất tích đối với gia đình gần 50 năm nay. Giấy này cũng xác nhận quân nhân Nguyễn Văn Hùng là liệt sĩ hy sinh trong trường hợp chiến đấu. Từ đây, anh Ba cũng tìm được bản trích lục hồ sơ quân nhân của liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh.
Giấy báo tử liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng nằm trong tủ hồ sơ của Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh 17 năm trong sự tìm kiếm vô vọng của thân nhân |
Theo giấy báo tử do Cục chính sách - Bộ Quốc phòng phát đi ngày 6.7.1987, liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng (SN 1948) nhập ngũ ngày 16.4.1966, cấp bậc trung sĩ, đơn vị là Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 325C; hy sinh ngày 20.7.1969 tại Cồn Tiên, Dốc Miếu - Quảng Trị trong trường hợp chiến đấu; an táng ban đầu tại nghĩa trang mặt trận, được xác nhận là liệt sĩ.
Điều an ủi đã đến với người mẹ đang như ngọn đèn trước gió. Bà Yến đã có thông tin về con trai, dù không còn trở về nhưng con bà là liệt sĩ, đã hy sinh cho đất nước được hòa bình. Bà Yến được trút bỏ nỗi hàm oan vì thiên hạ nghi con bà đi theo địch.
Liệt sĩ bị “lãng quên” trong tủ hồ sơ
Theo điều 2 tại Nghị định 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, thì bà Yến đủ điều kiện để được nhận danh hiệu vinh dự này vì có chồng và con là liệt sĩ.
Mặc dù vậy, sau việc chứng thực thông tin về liệt sĩ, việc giải quyết danh hiệu vinh dự và chính sách cho mẹ Việt Nam anh hùng này vẫn chưa được các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh thực hiện vì còn nhiều “vướng mắc”.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng nằm ở Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh, hồ sơ trích lục quân nhân có ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh bao lâu nay mà không ai thông tin cho gia đình cũng như giải quyết chế độ cho người xứng đáng?
Làm việc với PV báo điện tử Một Thế Giới, ông Phạm Văn Công, Phó trưởng phòng Người có công - Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh cho biết, trong xác nhận hồ sơ liệt sĩ của ông Nguyễn Quốc Khánh (bố của liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng) thời điểm năm 1985 có ghi con trai Nguyễn Văn Hùng nhập ngũ năm 1966 đã mất tin, mất tích. Đến năm 2000, Bộ LĐ-TB-XH bàn giao nhiều hồ sơ liệt sĩ về cho Sở quản lý, trong đó có hồ sơ liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng, nhưng chỉ duy nhất một tờ giấy báo tử.
Theo ông Công, thông thường thì khi quân đội xác lập hồ sơ liệt sĩ sẽ có ít nhất 3 bộ, một bộ gốc lưu ở Bộ Quốc phòng, một bộ gửi về cho Bộ Chỉ huy quân sự địa phương nơi thân nhân cư trú để chuyển Sở LĐ-TB-XH giải quyết chính sách, còn một bộ thì chuyển trích lục sang Bộ LĐ-TB-XH.
Ông Công cho biết, với trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng, Sở LĐ-TB-XH chỉ có chức trách quản lý hồ sơ. “Vì có trường hợp hồ sơ Bộ chuyển về nhưng thân nhân đã chết, có trường hợp thân nhân chuyển đi tỉnh khác nên sở chỉ lưu hồ sơ, nếu có tỉnh nào đó yêu cầu cung cấp thì chúng tôi chuyển đi, không thì cứ lưu ở đây”, ông Công cho hay.
Về giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng, ông Công nói: “Thật sự thì không biết đối tượng hưởng chính sách còn hay không, chúng tôi không nắm được vì hồ sơ chuyển về rất nhiều. Chúng tôi cũng không xác minh thêm vì trong này ghi đã công nhận liệt sĩ”.
“Phương án của chúng tôi bây giờ là phát văn bản cho Cục chính sách - Bộ Quốc phòng, là cơ quan cấp giấy báo tử và thẩm định giải quyết chính sách, yêu cầu rà soát và chuyển một bộ hồ sơ về cho Sở để lưu và giải quyết chính sách. Đồng thời yêu cầu huyện Can Lộc phối hợp với xã Quang Lộc kiểm tra, tìm kiếm các thông tin để bổ sung hồ sơ, phải khẳng định rằng hồ sơ này chưa có ai hưởng chính sách, sau đó Sở sẽ giải quyết chính sách cho thân nhân. Sau khi hoàn tất thủ tục, chúng tôi cũng sẽ xin ý kiến của Bộ LĐ-TB-XH là cho hưởng từ thời gian nào”.
Sau gần 50 năm ngóng tin con, bây giờ bà Yến lại tiếp tục chờ đợi chính sách |
Về vấn đề trách nhiệm khi thân nhân không nắm được thông tin liệt sĩ và không được hưởng chính sách trong một thời gian dài, ông Công nói: “Quan trọng là bây giờ hồ sơ nằm ở đâu, nếu như hồ sơ bên quân đội mà không chuyển sang cho ngành lao động, dân sự thì cái đó là trách nhiệm của quân đội. Vì dân sự là cơ quan tiếp nhận hồ sơ để giải quyết chính sách chứ không phải cơ quan xác lập hồ sơ”.
Một cán bộ Phòng chính sách thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ở phòng này chỉ có trích lục hồ sơ của liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng. Hồ sơ tại đây chỉ để cung cấp thông tin đơn vị, nơi chiến đấu, hy sinh cho người nhà liệt sĩ biết để tìm kiếm hài cốt, còn việc giải quyết mọi chế độ chính sách thuộc chức năng của Sở LĐ-TB-XH.
Phòng LĐ-TB-XH huyện Can Lộc và chính quyền xã Quang Lộc cho biết, các cơ quan này đang tiến hành các bước xác minh, thủ tục theo quy trình để giúp Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh hoàn tất hồ sơ giải quyết chính sách cho mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Yến.
Tác giả: Quang Cường
Nguồn tin: Báo Một Thế Giới